Bị o ép, hăm dọa ở chợ sinh viên

Các khu chợ sinh viên nằm rải rác khắp Hà Nội với đủ các loại mặt hàng, giá cả rẻ vốn được coi là thiên đường mua sắm của giới sinh viên. Thế nhưng, nếu không đủ tỉnh táo và khéo léo, rất có thể bạn sẽ gặp nguy hiểm, bị chủ hàng o ép, hăm dọa rơi vào tình huống dở khóc dở cười, cuối cùng phải chịu mất tiền oan.

Bán hàng hay côn đồ?

Nguyễn Hồng Chính (trường CĐ Dược Phú Thọ, cơ sở Hà Nội) chia sẻ, một lần, đi chợ đêm Dịch Vọng (Cầu Giấy), Chính nhìn thấy một chiếc áo dạ rất đẹp, trong túi chỉ còn 200.000 đồng và một vài nghìn tiền lẻ nên bạn ghé vào quầy hỏi thử giá. Chủ cửa hàng bảo áo 800.000 đồng, biết không đủ tiền nên Chính nói rằng, sẽ quay lại mua sau rồi định quay đi. “Thật bất ngờ, bà ấy túm áo mình, lôi vào bắt phải trả giá.

Mình thành thật nói: “Cháu không đủ tiền” nhưng bà ấy nhất định không buông tha, cứ nằng nặc vừa túm tay mình lắc lắc, vừa nài mình trả giá “giải vía”. Mình nghĩ bụng, áo 800.000 đồng thì trả chưa bằng một nửa là thoát nên trả giá 300.000 đồng, ai dè bị trúng kế luôn. Bà ấy vội bỏ tọt áo vào trong túi rồi dúi vào tay mình”, Chính nhớ lại.

Vì không đủ tiền trong người nên Chính nhất định không chịu cầm túi đồ. Bà chủ quán khi ấy lại ngọt nhạt: “Con cứ cầm túi đi một vòng rồi quay lại trả cô cũng được, coi như giải vía cho cô cả ngày nay không bán được gì”. Biết bị lừa nên Chính nhất định không nhận túi. “Người đàn bà này chửi um lên, bảo mua hàng mặc cả hết hơi rồi không lấy, còn dọa gọi đầu gấu ra “dần” cho mình bẹp người.

Mình có đủ 300.000 đồng thì chắc cũng lấy cho xong chuyện nhưng vì không có tiền nên mình gan lì đến cùng. Bà ấy lại quát lên: “Mày không ra nổi cổng chợ đâu con!”. May sao, cuối cùng mình vẫn thoát được nhưng mỗi lần nghĩ lại vẫn thấy hú vía”, Chính kể. Từ sau “phốt” đó, gần 2 năm sau, Chính không dám bén mảng tới khu chợ này vì sợ một lần nữa bị các chủ hàng giở thói côn đồ.

Ảnh minh họa.

Mua hàng thì mới được “thoát thân”

Nguyễn Hà Trang (trường ĐH Điện lực) cũng vẫn luôn nhớ câu chuyện mình bị o ép ở chợ nhà Xanh (phố Phan Văn Trường, Cầu Giấy). Lần ấy, Trang cùng với bạn đi một vòng mua đồ. Đi từ hướng Cầu Giấy vào chợ thì ngách đó bên tay trái, đối diện hàng đó là một chị bán đồ trong nhà.

Từ lúc bắt đầu bước vào hàng, nhân viên đã tiếp cận, áp sát Trang rồi hỏi dồn dập về món đồ khách cần mua. Thấy một chiếc áo măng-tô mỏng kiểu dáng khá đẹp nên bạn kêu nhân viên lấy xuống để mặc thử. Trước khi mặc, Trang có hỏi giá nhưng nữ nhân viên bảo cứ thử thoải mái. Mặc lên người, thấy áo hơi rộng nên bạn muốn xem thêm cái khác. Chiếc cuối cùng Trang xem, nhân viên nói giá 400.000 đồng.

Vì thấy áo vẫn bị rộng nên bạn nói với nhân viên: “Áo này rộng quá, em không mặc vừa!”. Trang kể: “Chủ hàng mặt mũi bặm trợn, từ phía trong chạy ra, không cho mình đi rồi quát ầm lên. Mình giải thích thêm lần nữa là do áo rộng nên không mua được. Lúc này, cả chủ lẫn nhân viên đều thay đổi hẳn thái độ, họ chỉ tay vào mặt mình, nói gay gắt, bảo là đã xác định không mua thì đừng có vào, thử một hồi rồi kêu không mua là cái loại người như thế nào…

Sau đó, chủ cửa hàng nói to: “Thế bây giờ mày tính sao?”. Mình vẫn nói không lấy thì chú ấy càng quát to hơn, rồi bắt mình một là mua hai là để lại 50.000 đồng”. Lần đầu tiên rơi vào tình cảnh oái ăm này nên Trang rất sợ.

Xung quanh chẳng thấy ai mua hàng, trong khi lão chủ quán mắt long lên như thể sắp đánh người, còn hai nhân viên thì lườm nguýt. Biết rằng không thể cứ thế mà đi được nên bạn chủ động thương lượng bớt giá, cuối cùng vẫn phải “cắn răng” mua chiếc áo với giá 350.000 đồng.

Làm gì khi bị o ép, hăm dọa?

Có thể thấy, chuyện sinh viên đến các khu chợ này để mua hàng rồi bị chủ, nhân viên cửa hàng o ép, dọa nạt không hiếm. Vậy nhưng ứng xử ra sao để thoát thân an toàn khi trót lỡ rơi vào tình cảnh trái ngang này thì không phải ai cũng biết. Đa số sinh viên đều sợ hãi, luống cuống, chấp nhận bỏ tiền ra để “mua” sự bình yên.

Theo chuyên viên tư vấn Huyền Trang (Văn phòng Luật sư Trí Minh), nếu sinh viên bị chủ cửa hàng quát nạt bắt phải mua đồ thì trước hết, để đảm bảo an toàn cho bản thân, các bạn nên cư xử khéo léo, nói với chủ hàng rằng mình đã hết tiền và chỉ hỏi để khi có đủ tiền thì ra mua.

Cũng đừng ngại ngần, cứ để họ làm to chuyện, vì khi cãi cọ, chủ cửa hàng buôn bán lâu dài sẽ sợ bị mất khách, khách xung quanh tò mò sẽ tụm lại xem, Ban Quản lý chợ sẽ vào cuộc để giải quyết lùm xùm. Khi đã thoát thân được, những lần sau nên hạn chế hoặc có thể không đến những chợ này để mua đồ nữa.

Thậm chí, các bạn có thể liên kết với nhau để tẩy chay các địa điểm đó. Khi đã bị tẩy chay, không còn khách hàng, các cửa hàng đó sẽ tự phải thay đổi cách phục vụ, lối ứng xử với khách hàng để có thể thu hút lại khách hàng, đặc biệt là giới học sinh, sinh viên.

Thứ hai, nếu bị dọa đánh hoặc bị đánh, các bạn có thể làm đơn trình báo lên Ban Quản lý chợ và công an sở tại. Việc làm này nhằm thông báo cho các cơ quan chức năng biết để kịp thời có các biện pháp chấn chỉnh các hộ kinh doanh, cửa hàng có hành vi nêu trên.n

Trên “Fanpage” Sổ đen các địa chỉ ở Hà Nội đăng một chia sẻ của nickname Lien Melody về những điều “mắt thấy tai nghe” không mấy hay ho ở chợ sinh viên Dịch Vọng. Lien Melody viết rằng, ở một quầy đồ nam trong chợ có đám nhân viên rất côn đồ. Hễ ai bước vào đó là sẽ bị bắt ép mua đồ cho bằng được. Nếu nhất quyết không mua thì sẽ bị đánh, còn nếu muốn đi thì phải để lại 200.000 đồng (!).

Trang đã tận mắt chứng kiến hai “nạn nhân” dính “bẫy”. Khi có lời qua tiếng lại giữa chủ và khách, nhiều người đứng lại xem nhưng không một ai dám lên tiếng vì đám kia rất đông và trông có vẻ côn đồ. Ngay sau khi topic được đăng, nó đã nhanh chóng nhận được vô số lượt “like”, “share” và thu hút nhiều thành viên bình luận, không thiếu các câu chuyện tương tự được các nạn nhân kể ra.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tamguong.vn/kk/670684/bi-o-ep-ham-doa-o-cho-sinh-vien.html