Bí quyết giúp hóa đơn tiền điện không tăng vọt mùa nắng nóng

Hạn chế sử dụng điện vào các khung giờ cao điểm, luôn đặt điều hòa ở mức trên 26°C, không sử dụng nhiều đồ dùng điện cùng một lúc... là các cách mà chúng ta có thể áp dụng để giúp hóa đơn tiền điện không tăng vọt trong mùa nắng nóng.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm 2024 nắng nóng sẽ đến sớm, dự báo gay gắt hơn và có thể xuất hiện các kỷ lục nhiệt độ.

Thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát tăng cao. Vì vậy, khi sử dụng điện nên lưu tâm cách sử dụng để vừa tiết kiệm điện tối ưu vừa tránh hóa đơn tiền điện tăng vọt.

Luôn đặt điều hòa ở mức trên 26°C để tiết kiệm điện (Ảnh: Nguyên Vỹ).

Theo khuyến nghị của Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI), người dân nên sử dụng tiết kiệm điện như một thói quen hàng ngày. Cụ thể, hạn chế sử dụng thiết bị điện, nhất là vào các khung giờ cao điểm 12-15h và 22-24h hàng ngày.

Bên cạnh đó, chú ý sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ luôn đặt ở mức 26°C trở lên và sử dụng kết hợp với quạt; không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn; không sử dụng nhiều đồ dùng điện cùng một lúc để tránh quá tải lưới điện đồng thời đề phòng các nguy cơ gây cháy nổ lưới điện, trạm điện và khu dân cư.

“Hãy tắt khi không cần, để khi cần sẽ có điện”, bên cạnh thói quen này EVNHANOI khuyến cáo khách hàng hình thành thói quen sử dụng thiết bị có nhãn, chứng nhận sản phẩm tiết kiệm điện, thay các bóng đèn chiếu sáng thường bằng các bóng đèn LED tiêu hao năng lượng thấp.

Là một trong những gia đình thường xuyên áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện, bà Vũ Thị Thanh Hiền (Hoàng Mai) cho hay: “Thời tiết Hà Nội dạo gần đây bắt đầu có những cơn nóng gay gắt nên gia đình tôi cũng sử dụng điều hòa nhiều hơn nhưng luôn để ở mức 27°C và dùng kèm quạt. Một mẹo tiết kiệm điện nhỏ của gia đình tôi là hạn chế bật đèn, chủ yếu là tận dụng ánh sáng tự nhiên.

Vậy nên hóa đơn tiền điện của gia đình bình quân khoảng 1 triệu đồng/tháng, đến thời điểm chuyển mùa nắng nóng đỉnh điểm tăng lên 1,2 triệu đồng, sử dụng điện tiết kiệm nên tiền điện chưa khi nào vượt mức 1,2 triệu đồng/tháng”.

Ngoài ra, người dân nên vào các ứng dụng, website của EVNHANOI để theo dõi chỉ số điện tiêu thụ, từ đó điều chỉnh lượng điện tiêu thụ hàng ngày tránh nguy cơ hóa đơn tiền điện tăng cao.

Cụ thể, tại tính năng “Tra cứu chỉ số công tơ”, khách hàng có thể theo dõi chỉ số trên công tơ điện đồng thời biết lượng điện tiêu thụ hàng ngày, hàng tháng của gia đình.

Đặc biệt, ở tính năng “Điện năng tiêu thụ”, khách hàng còn có thể đặt ngưỡng cảnh báo sử dụng điện. Chỉ cần chọn “Ngưỡng sản lượng cảnh báo (kWh)” hoặc “Tỷ lệ sản lượng điện tăng so với tháng trước” là khách hàng có thể đặt số (kWh) hoặc tỷ lệ (%) mong muốn được cảnh báo.

Có thể coi đây chính là một trong những tính năng mang tính “cách mạng” khi người dùng điện có thể biết chính xác mỗi ngày gia đình mình đã dùng bao nhiêu số điện, từ đó sẽ lên kế hoạch sử dụng điện tối ưu và tiết kiệm hơn.

Bên cạnh tính năng giúp khách hàng kiểm soát được lượng điện tiêu thụ, qua hai tính năng “Ước tính điện năng tiêu thụ của thiết bị” và “Công cụ tính hóa đơn”, khách hàng còn có thể ước tính được hàng tháng gia đình sẽ dùng hết khoảng bao nhiêu số điện dựa vào việc nhập các thông tin về số lượng, chủng loại, tần suất sử dụng các thiết bị điện trong gia đình đang sử dụng và kiểm tra hóa đơn tiền điện của gia đình có được ngành điện tính đúng hay không.

Trần Huyền

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/dien-dan-dan-sinh/bi-quyet-giup-hoa-don-tien-dien-khong-tang-vot-mua-nang-nong-20240504213245860.htm