Bí quyết gọi vốn thành công của Nhà sáng lập Hệ sinh thái Khởi nghiệp BestB

Phạm Anh Cường (Cường Steward) - Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Hệ sinh thái Khởi nghiệp BestB và đồng thời cũng là Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Flower Farm được biết đến là một trong những 'chuyên gia' trẻ tuổi nhưng thường xuyên có những chia sẻ thú vị trong lĩnh vực khởi nghiệp mà hầu hết được đúc kết từ chính những kinh nghiệm 'xương máu' của bản thân anh.

Phạm Anh Cường (Cường Steward) - Founder & CEO Hệ sinh thái Khởi nghiệp BestB, Founder Flower Farm

Anh Cường chia sẻ, anh thường xuyên nhận được những câu hỏi tại các cuộc thi, thậm chí inbox riêng qua Facebook về việc làm thế nào để gọi vốn thành công khi khởi nghiệp.

Theo vị CEO này, “Một trong những vấn đề quan trọng quyết định thành bại của một dự án khởi nghiệp là kết quả việc gọi vốn đầu tư và tiếp cận vốn đầu tư”.

“Khởi nghiệp không phải là đại gia hay nhiều tiền, nhưng dù bạn có vốn bao nhiêu chăng nữa cũng không bao giờ là đủ cho một doanh nghiệp, mà phải cần đến vốn vay, vốn đầu tư”, anh Cường nói.

Tuy nhiên, để có thể gọi vốn đầu tư cho một dự án khởi nghiệp, vị CEO 8x cho rằng, cần làm rõ khái niệm khởi nghiệp. “Nếu bạn ra trường và kinh doanh, như vậy là bạn khởi nghiệp nhưng không có nghĩa doanh nghiệp của bạn khởi nghiệp”.

Nếu như start-up sẽ tạo ra những sản phẩm mang tính tiên phong, chưa từng có thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) lại kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ đã có trên thị trường. Start-up có thể tăng trưởng theo cấp số nhân, nhưng SME tăng trưởng theo cấp số cộng. Start-up không đòi hỏi phải tạo ra lợi nhuận ngay, nhưng SME sẽ dừng hoạt động nếu không tạo ra lợi nhuận.

Theo anh Cường, do mang yếu tố tiên phong nên chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) của start-up trong những năm đầu rất cao để tìm ra mô hình vững vàng và sản phẩm “key”, trái ngược hoàn toàn với doanh nghiệp SME.

Do đó, đối với start-up, nhà đầu tư sẽ nhìn vào tiềm năng phát triển để quyết định đầu tư nên các start-up sẽ đi gọi vốn từ các nhà đầu tư, còn các SME sẽ đi vay từ các ngân hàng. Start-up sẽ không thể vay ngân hàng như SME vì vay ngân hàng đòi hỏi tạo ra lợi nhuận sớm. Dĩ nhiên, nhà đầu tư sẽ không đòi hỏi lợi nhuận ngay mà yêu cầu giá trị tỷ lệ nắm giữ trong dự án start-up đó ngày càng tăng trưởng.

Các kênh dẫn vốn hiệu quả

Theo vị chuyên gia này, có 8 kênh gọi vốn cho các start-up gồm: (1) Vốn từ chính mình; (2) Vốn vay hoặc vốn góp từ gia đình, bạn bè; (3) Tài trợ dành riêng cho các doanh nghiệp nhỏ từ quỹ địa phương.

Đối với (4) Gọi vốn cộng đồng (Crowfunding), mô hình này chưa phát triển tại Việt Nam, do đó nếu muốn gọi vốn theo cách này, start-up phải cập nhật nhiều tri thức mới.

Về kênh gọi vốn từ (5) Nhà đầu tư thiên thần (Angel Investor), theo anh Cường, đây thường là những nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn ở những chặng đầu tiên, khi start-up mới bắt đầu dự án và chưa tạo ra doanh thu. Có nhiều dạng nhà đầu tư, như nhà đầu tư có vốn nhàn rỗi chưa bao giờ đầu tư, nhưng cũng có nhà đầu tư sành sỏi. Ở nước ngoài, đây là một nghề chuyên nghiệp, trong đó nhà đầu tư kiêm luôn vai trò mentor.

Ngoài ra, còn có các mô hình khác như (6) Quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capital); (7) Vườm ươm khởi nghiệp gồm Incubator - vườn ươm ở giai đoạn hạt giống, dưới 3 năm và Accelerator - vườn ươm ở giai đoạn tăng tốc; (8) Đàm phám với đối tác hoặc khách hàng tiềm năng.

Chuẩn bị Hồ sơ gọi vốn đầu tư

Để có thể gọi vốn thành công, các start-up cần chuẩn bị hồ sơ gọi vốn gồm 5 phần.

(1) Bản nghiên cứu và phân tích thị trường cần trình bày ngắn gọn dễ hiểu bằng những biểu đồ và con số, làm thế nào để nhà đầu tư thấy được tiềm năng thị trường, thực trạng và chỉ số phát triển của ngành, chỉ rõ ra đối thủ tiềm năng…

(2) Hồ sơ năng lực doanh nghiệp.

(3) Báo cáo tài chính đã hoạt động và kế hoạch tài chính 5 năm tiếp theo: bao gồm báo cáo tài chính nội bộ kể từ khi hoạt động, kế hoạch tài chính chi tiết của 1 năm tới và kế hoạch tài chính dự kiến 5 năm tiếp theo.

(4) Định giá doanh nghiệp: Sử dụng các phương pháp định giá sổ sách, định giá thương hiệu, định giá thị trường.

(5) Thư chào gọi vốn.

Quy trình gọi vốn

Theo anh Cường, quy trình để gọi vốn gồm 5 bước.

Bước 1: Chuẩn bị tài liệu, hồ sơ về dự án đầy đủ.

Bước 2: Thuyết trình dự án. Anh Cường dí dỏm, người có tiền không có thời gian nên thuyết trình cần phải nhanh. Khi chuẩn bị hồ sơ, số vốn cần gọi và tỷ lệ thương lượng thường được đưa xuống cuối sau khi nêu ra những phân tích của dự án, nhưng khi trình bày, giá trị phần vốn kêu gọi cần phải nêu ra đầu tiên.

Bước 3: Chào mua cổ phần, kêu gọi đầu tư.

Bước 4: Đàm phán và thương lượng. Tại bước đàm phán này, nhà đầu tư sẽ luôn đàm phá giá xuống mà không bao giờ đàm phán giá lên. Một điều cũng cần lưu ý đối với startup đó là cần phải hỏi về những giá trị tăng thêm mà nhà đầu tư có thể mang lại cho dự án ngoài tiền.

Theo Phạm Anh Cường, đi gọi vốn không chịu áp lực về lãi như đi vay nên cần tìm người “cùng thuyền”, người ta có những giá trị gì để hiện thực hóa bản kế hoạch kinh doanh mà bạn đã vẽ ra. Nếu nhà đầu tư chỉ bỏ tiền ra thì hãy cân nhắc thật kỹ vì như vậy bạn đang “bán máu” doanh nghiệp, biến mình thành nô lệ của quỹ đầu tư. Do đó, nếu cùng số tiền hãy cân nhắc người có thể đòi hỏi tỷ lệ cao hơn nhưng gia tăng thêm nhiều giá trị cho dự án.

Bước 5: Chốt “due" và ký kết hợp đồng góp vốn.

Hãy cẩn thận với hợp đồng góp vốn vì trong đó rất nhiều điều khoản có thể “giết chết” các bạn. Nếu nhận trên 1 tỷ đồng tiền của nhà đầu tư chuyên nghiệp, hãy mời luật sư riêng.

Các kinh nghiệm trên được anh Phạm Anh Cường chia sẻ tại Workshop 6 với chủ đề "Gọi vốn thành công" trong khuôn khổ cuộc thi khởi nghiệp Business Challenges 2018 do Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/bi-quyet-goi-von-thanh-cong-cua-nha-sang-lap-he-sinh-thai-khoi-nghiep-bestb-d87574.html