Bí quyết rèn bé ĂN THÔ TỐT của mẹ 9X mà không cần theo PHƯƠNG PHÁP ĂN DẶM BLW

Con thích ăn kiểu nào thì mẹ sẽ đáp ứng kiểu đó, miễn là con ăn trong vui vẻ.

Làm mẹ lần đầu chắc hẳn rất nhiều mẹ còn gặp phải khó khăn trong việc chăm sóc con nhỏ. Tất cả trở nên mới lạ và cần phải học từ những điều đơn giản nhất. Đến giai đoạn con ăn dặm, không ít mẹ bỉm sữa tỏ ra lo lắng và hồi hộp. Thế nhưng chị Vũ Thị Quỳnh (sinh năm 1990, ở Hưng Yên) lại tỏ ra rất bình tĩnh khi con trai Vũ Đức Anh bước vào giai đoạn mới. Tất cả vì chị nghĩ, "mọi chuyện sẽ không đến nỗi quá phức tạp đâu".

Với các mẹ bỉm sữa khác, họ sẽ chuẩn bị rất kĩ để cùng con bước vào cuộc hành trình mới này. Họ đọc tài liệu về ăn dặm, tìm hiểu thông tin về các phương pháp ăn dặm rồi còn tham gia một số nhóm ăn dặm để học hỏi, trao đổi kiến thức với các mẹ khác. Nhưng chị Quỳnh lại chỉ tìm hiểu rất ít về giai đoạn này của con.

Chị chia sẻ: "Thật ra, ban đầu mình nghĩ rất đơn giản, con đến tuổi thì cho con tập ăn, rồi từ từ mình sẽ biết hết. Mình cứ chủ quan vậy nên cũng không tìm hiểu nhiều thông tin như các mẹ khác. Thế nên mình bị thiếu hụt kiến thức chăm con. Đến khi cùng con chính thức bước vào cuộc hành trình này, mình mới thấy nó vô cùng phức tạp, cái gì mình cũng thấy mới lạ, ngay cả việc thực phẩm nào kết hợp được với thực phẩm nào sẽ tốt cho con mình cũng không biết hết, rồi cho con ăn ra sao mình cũng gặp phải lúng túng... Từ đó, mình đã bắt đầu chăm chỉ tìm hiểu để trang bị kiến thức cho bản thân. Vậy là Đức Anh chính thức bước vào thời gian học ăn, còn mẹ được học làm mẹ từ những điều đơn giản nhất".

Chị Quỳnh và bé Đức Anh. Ảnh: NVCC

Đức Anh được chị Quỳnh tập cho ăn dặm lúc 6 tháng 6 ngày tuổi. Ban đầu, chị cho con ăn dặm kiểu Nhật vì nghĩ cách ăn riêng biệt từng món sẽ tốt cho con. Con sẽ biết phân biệt được từng mùi vị của từng loại thức ăn khác nhau. Từ đó mẹ dễ dàng biết được con thích món nào, không thích món nào, rồi có bị dị ứng với thực phẩm nào không.

Hơn nữa, chị Quỳnh còn tâm sự: "Mình định cho con ăn dặm kiểu Nhật để tập cho con ăn thô tốt, tạo phản xạ nhai và nuốt thức ăn một cách chủ động của từng giai đoạn khác nhau".

Với ăn dặm kiểu Nhật, ngay từ những ngày đầu tiên là bé được ăn thô, cho dù là cháo nấu với tỉ lệ 1:10, rồi được rây lại nhưng như thế là cũng có độ thô nhất định giúp bé biết nhai và nuốt không thụ động.

Kế hoạch của chị Quỳnh như vậy nhưng cho con ăn theo kiểu Nhật được 1 tháng đầu tiên, chị Quỳnh lại phải thay đổi để phù hợp với con. Chị nói: "Ban đầu mình cho con ăn kiểu Nhật nhưng hết tháng đầu tiên, con không lên cân, ăn được rất ít nên mình đã không kiên trì mà theo tiếp được. Sang tháng thứ 2, mình chuyển sang cho con ăn dặm truyền thống"

Với ăn dặm truyền thống, bé có thể ăn được nhiều hơn ngay từ những ngày đầu tập ăn chính vì thế mà lên cân tốt hơn các phương pháp ăn dặm khác. Đây cũng là phương pháp nhận được sự ủng hộ nhiều của các ông các bà. Thế nên mẹ không lo phải đối mặt với sự căng thẳng hay stress vì áp lực của gia đình với việc bé ăn.

Hết tháng thứ 2, hai mẹ con chị Quỳnh vẫn loay hoay trong cuộc hành trình mới, mọi chuyện đúng là chẳng hề đơn giản như chị ấy nghĩ ban đầu. Chị Quỳnh tâm sự: "Chuyển sang ăn dặm truyền thống, con vẫn không hẳn hợp tác với mẹ. Cùng thời gian ấy, con liên tục mắc các bệnh về đường hô hấp, bỏ bữa chán ăn triền miên, rồi đợt này chưa qua, đợt khác lại tới, hết ốm vặt, mọc răng lại biếng ăn sinh lý khiến tôi stress vô cùng. Vì chưa có kinh nghiệm nuôi con, lại chưa đủ kiến thức chăm con nên thời gian ấy tôi lo lắng và stress vô cùng".

Vì thấy con ăn ít, bữa ăn cũng không hào hứng. Có khi thấy mẹ mang đồ ăn tới là con đã có vẻ không vui, khi mẹ cầm thìa thì con mím chặt miệng, quay đi. "Lúc con 8 tháng, mình đã thử nêm gia vị vào món ăn của con. Tất nhiên là với lượng rất nhỏ và là loại gia vị dành riêng cho bé thì thấy con hợp tác hơn. Từ đó, mình tìm ra câu trả lời cho hiện tượng biếng ăn của con, có thể là do con không thích ăn nhạt".

Từ đó, Bon không còn biếng ăn nữa, ăn dặm không phải là cuộc chiến của 2 mẹ con nữa mà ăn dặm lúc này là những niềm vui, là sự khám phá những điều mới lạ. Con ăn ngoan, khỏe mạnh là động lực lớn để chị Quỳnh tìm tòi, nấu thật nhiều món ngon cho con. Chị Quỳnh hào hứng kể: "Từ 8 tháng, con trộm vía dễ ăn lắm, mẹ nấu gì con cũng không bao giờ chê kể cả những ngày bị ốm con cũng không bao giờ bỏ bữa".

Đến giờ, Bon được hơn 11 tháng đã có nếp ăn rất ngoan, ăn thô cũng khá tốt mà không cần phải ăn dặm BLW từ nhỏ. Được hỏi về bí quyết chăm con sau 1 thời gian trải nghiệm, chị Quỳnh chia sẻ một số kinh nghiệm sau:

- Ăn dặm truyền thống cũng tập cho con ăn thô được bằng cách tăng độ thô của cháo theo từng giai đoạn. Đến bữa ăn cùng người lớn, mẹ có thể cho con cầm rau củ hoặc hoa quả để con tập ăn như vậy không cần phải nhất quyết cho con ăn dặm BLW để tập luyện.

- Mẹ phải linh hoạt thay đổi thực đơn cho con để con không bị chán ăn và phù hợp với thể trạng từng ngày của con. Ví dụ, ngày nào con ốm mệt, mọc răng, mẹ có thể nấu cháo loãng hơn, nhuyễn hơn để con dễ nuốt chứ không nhất nhất phải là ăn thô. Con thích ăn kiểu nào thì mẹ sẽ đáp ứng kiểu đó, miễn là con ăn trong vui vẻ.

- Con không muốn ăn thì mẹ nên dừng lại bữa ăn, tuyệt đối không được ép con ăn làm con sợ hãi mỗi khi đến giờ ăn.

- Không cho con ăn rong hoặc vừa ăn vừa chơi, vừa xem ti vi, điện thoại, ipad...

Dưới đây là 1 số món ngon chị Quỳnh đã làm cho con, các mẹ cùng vào tham khảo để làm cho con mình nhé:

Mẹ Khoai

Tags : Từ khóa

Nguồn Em Đẹp: http://emdep.vn/lam-me/bi-quyet-ren-be-an-tho-tot-cua-me-9x-ma-khong-can-theo-phuong-phap-an-dam-blw-2018102520024514.htm