Bí quyết trả lời câu hỏi về mục tiêu nghề nghiệp khi phỏng vấn

Mục tiêu nghề nghiệp luôn là phần quan trọng trong buổi phỏng vấn. Nhà tuyển dụng sẽ luôn có cách để thảo luận với bạn về chủ đề này để nắm bắt những tư duy, phong cách làm việc và phương hướng phát triển của bạn để đánh giá tiềm năng cũng như mức độ phù hợp của bạn đối với doanh nghiệp.

Vì thế bạn sẽ cần chuẩn bị cả về những kỹ năng trả lời cùng một tâm lý thoải mái khi chia sẻ với người đối diện.

Dưới đây là 5 bí quyết trả lời câu hỏi về mục tiêu nghề nghiệp trong buổi phỏng vấn tìm việc ở Đồng Nai, Bình Dương hay TPHCM…, hãy cùng tham khảo nhé.

Xác định mục tiêu khái quát

Đầu tiên bạn cần cho nhà tuyển dụng biết rằng bạn đã có những ý tưởng về kế hoạch nghề nghiệp một cách tổng quát. Cụ thể bạn hãy chia sẻ về lĩnh vực mà bạn cảm thấy hứng thú và tin rằng bản thân sẽ có thể đạt được những thành tựu hoặc cảm thấy sẵn sàng để chinh phục.

Bằng cách mở đầu ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề như vậy, bạn sẽ giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ đâu là khía cạnh mà bạn quan tâm, từ đó có cái nhìn chung nhất về kế hoạch xây dựng sự nghiệp của bạn. Bạn có thể bắt đầu bằng những mẫu câu như: “Tôi luôn có một niềm đam mê với thiết kế nội thất”, hoặc “Lĩnh vực nhân sự là mục tiêu nghề nghiệp mà tôi đã hướng đến trong suốt quá trình học tập và rèn luyện.”

Mục tiêu ngắn hạn và dài hạn

Tiếp theo hãy bắt đầu với mục tiêu ngắn hạn và tiếp đến với mục tiêu dài hạn. Bí quyết này giúp bạn thể hiện rằng, không những bạn tìm ra được lĩnh vực nghề nghiệp để theo đuổi mà quan trọng hơn cả là mục tiêu cụ thể trong tương lai mà bạn muốn đạt được trong lĩnh vực đó.

Bạn nên chia sẻ về mục tiêu trước mắt, một đến hai năm nữa bạn sẽ muốn có những thành tựu gì và lâu hơn năm đến bảy năm nữa thì vị trí của bạn sẽ ở đâu. Đó có thể là chuyên viên cấp cao, trưởng nhóm hoặc trưởng phòng… những mục tiêu này tùy thuộc vào bạn, đừng ngần ngại chia sẻ cho nhà tuyển dụng biết.

Mô tả quá trình thực hiện

Quá trình mà bạn sẽ thực hiện những mục tiêu chính là phần mà nhà tuyển dụng muốn lắng nghe nhất. Sở dĩ đây là phần quan trọng vì nó sẽ cung cấp cho nhà tuyển dụng thấy được tư duy và khả năng hoạch định của bạn – một kỹ năng rất cần thiết dù cho bạn có làm việc ở bất kỳ vị trí, công việc nào.

Vì thế cần nêu ra những mốc thời gian, con số cụ thể để tăng tính thuyết phục, đồng thời chứng minh rằng bạn hoàn toàn có cơ sở để đề ra cho mình những mục tiêu và phấn đấu chứ không hề tưởng tượng. Vận dụng tốt quy tắc SMART (cụ thể, đo lường được, tính khả thi, thực tế và thời hạn) sẽ giúp bạn có được câu trả lời hiệu quả.

Điều chỉnh mục tiêu

Mặc dù mục tiêu của bạn là gì đi nữa thì bạn vẫn đang ứng tuyển vị trí công việc hiện tại ở doanh nghiệp, vì thế cần điều chỉnh sao cho phù hợp với những yêu cầu mà nhà tuyển dụng đưa ra. Bạn cần tham khảo và nghiên cứu những yếu tố về sứ mệnh, trách nhiệm mà doanh nghiệp đã đề ra để từ đó lồng ghép những mục tiêu cá nhân của mình song song với phương hướng phát triển của tập thể.

Bạn cần cho nhà tuyển dụng biết rằng ở môi trường này bạn sẽ có những đóng góp và cống hiến để nhận về những giá trị mà bản thân mong đợi.

Tự tin và nghiêm túc

Và cuối cùng, bạn hãy thoải mái chia sẻ những mục tiêu nghề nghiệp một cách tự tin và nghiêm túc. Thái độ tự tin biểu hiện thông qua nhịp điệu nói vừa phải, phong thái rõ ràng phù hợp với buổi phỏng vấn.

Bên cạnh đó bạn cũng thể hiện được rằng đây đều là những thành tựu mà bạn có thể đạt được nhờ vào tinh thần cầu tiến, sẵn sàng học hỏi và trải nghiệm ở môi trường và vị trí công việc đang ứng tuyển. Chắc chắn một tâm lý tự ti sẽ không giúp bạn thuyết phục và tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng, đồng thời cũng không nên tự tin thái quá bởi bạn sẽ dễ mất điểm với câu hỏi về mục tiêu nghề nghiệp này.

Tiến Huy

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/bi-quyet-tra-loi-cau-hoi-ve-muc-tieu-nghe-nghiep-khi-phong-van-a133358.html