Bí quyết từ chối khi bị sếp giao quá nhiều việc

Bạn có đủ can đảm để nói 'không' khi sếp giao quá nhiều việc cùng lúc? Hay nếu cứ 'im lặng là vàng' thì liệu bạn có đủ sức mạnh siêu phàm để oằn mình gánh vác hết núi công việc ngổn ngang còn đang bỏ ngỏ. Từ chối cũng là một nghệ thuật, làm thế nào để 'khước từ' mà mối quan hệ với sếp vẫn tốt đẹp, không phải tìm việc làm nhanh chóng để tránh tình trạng thất nghiệp là một bài toán khó với bất kỳ nhân viên nào. Đừng lo, có một số tuyệt chiêu nói lời từ chối nhưng vẫn không làm mất lòng sếp được CareerLink chia sẻ mà bạn có thể tham khảo sau đây.

Đừng vội vàng

Khi nhận “lệnh” từ cấp trên, đừng vội vàng đồng ý ngay lập tức vì cho rằng đó là việc “dễ xơi”, cũng đừng nhanh chóng bác bỏ vì nghĩ rằng mình quá bận rộn. Hãy cho mình một ít thời gian để cân nhắc lại khả năng, điều kiện và số lượng công việc hiện tại rồi hãy quyết định.

Những việc nhỏ tuy dễ làm nhưng lại chiếm không ít thời gian và nếu bạn nhanh chóng gật đầu đồng ý mà không thể thực hiện một cách chỉnh chu thì việc nhỏ lẫn việc lớn đều chẳng “ra ngô ra khoai” gì. Bạn sẽ dễ rơi vào tình huống chạy đua với thời gian, quá tải công việc, tiến độ và hiệu quả công việc điều không ổn định. Và tất nhiên, sẽ chẳng ai nhìn nhận cố gắng của bạn khi kết quả công việc cứ dừng ở mức trung bình. Nặng hơn, bạn sẽ trở thành “tội nhân thiên cổ” nếu để lỡ hoặc làm sai những việc quan trọng.

Mặc khác, đừng ngay lập tức bác bỏ yêu cầu của sếp. Rõ ràng khi giao việc cho bạn, sếp biết rằng bạn có đủ khả năng để xử lý chúng một cách hiệu quả. Việc liên tiếp giao cho bạn những “trọng trách” đồng nghĩa với việc họ đặt niềm tin và kỳ vọng vào bạn rất lớn. Và nếu ngay lập tức bạn đáp lại niềm tin của sếp bằng một “gáo nước lạnh” khi việc gì cũng từ chối thẳng thừng thì khó tránh khỏi sự hoài nghi về năng lực, nhiệt huyết của bạn. Thậm chí, chỉ một lần “khước từ”, bạn có thể đánh mất cơ hội thăng tiến, những chế độ lương bổng mà bạn có khả năng sẽ nhận được sau công việc khó khăn ấy.

Đưa ra lý do hợp lý

Đừng ca thán bằng những câu “Tôi quá bận”, “Tôi không có thời gian”. Đừng giãy nảy suông rằng “Tôi còn rất nhiều việc khác phải làm”. Bạn cũng không nên từ chối yêu cầu của sếp với lý do bạn không thích làm công việc đó hoặc bạn đang nghỉ cuối tuần. Những lý do chung chung, không rõ ràng hoặc không hợp lý sẽ phản tác dụng, làm sếp cho rằng bạn đang trốn tránh nhiệm vụ.

Thay vào đó, hãy trình bày rõ ràng những lý do hợp lý để sếp hiểu vì sao bạn không thể đảm nhận công việc hay yêu cầu của sếp. Trước khi quyết định từ chối sếp, bạn hãy dành thời gian liệt kê những công việc quan trọng cần đầu tư thời gian, những việc đang gấp gáp cần phải giải quyết trước. Nếu bạn diễn đạt một cách thuyết phục, sếp sẽ nhanh chóng đồng tình với bạn.

Đúng thời điểm

Sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng, bạn nhận thấy thiên thời, địa lợi, nhân hòa và cả thời gian, điều kiện đều không cho phép bạn gánh vác thêm công việc khác và bạn quyết định “khước từ” nhiệm vụ. Vậy thì nên từ chối khi nào?

Nếu không muốn nhận cơn thịnh nộ từ sếp thì đừng dại mà “đổ thêm dầu vào lửa” đi từ chối lúc cấp trên đang có tâm trạng không thoải mái. Đừng chọn lúc họ đang bận rộn, không có đủ thời gian nghe bạn trình bày, giải thích hay lúc có đông người, khó có thể thông cảm. Thay vào đó, hãy chọn đúng thời điểm, lúc sếp vui vẻ, có thời gian rảnh rỗi hoặc khi bạn có cơ hội nói chuyện riêng với sếp. Chọn đúng thời điểm “vàng” bạn sẽ dễ dàng thành công.

Từ chối một cách chân thành

Lý thuyết nghe có vẻ ngược đời này lại vô cùng hữu dụng trong tình huống khó xử này. Bạn sẽ hạn chế được tối đa nguy cơ bị “mất điểm” khi từ chối yêu cầu của sếp bằng cách dùng ngôn ngữ lịch sự và luôn luôn tỏ ra tôn trọng sếp. Cần đưa ra lời từ chối để sếp nhận thấy rằng bạn rất muốn hỗ trợ họ nhưng “lực bất tòng tâm”.

Từ chối là một kỹ năng hết sức cần thiết trong cuộc sống và công việc. Biết nói lời từ chối một cách khéo léo chẳng những không khiến mối quan hệ giữa bạn và sếp rạn nứt mà ngược lại, sếp của bạn sẽ hiểu và thông cảm hơn cho công việc của bạn. Bên cạnh đó bạn sẽ không bị lãng phí thời gian để có thể tập trung hơn trong công việc chuyên môn hoặc đơn giản hơn là có thêm “khoảng thở” cần thiết khi làm việc. Mong rằng với những bí quyết trên, bạn sẽ biết được cách từ chối sếp khi quá tải mà vẫn giữ được mối quan hệ tốt đẹp với họ.

Mai Hương/ Sức Khỏe 365

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/xa-hoi/bi-quyet-tu-choi-khi-bi-sep-giao-qua-nhieu-viec-a283614.html