Bí quyết và bài học phát triển công nghiệp của Lênin

Chính sách kinh tế mới (NEP) do Lênin đề ra cách đây hơn 100 năm có nhiều bí quyết và bài học quý về phát triển công nghiệp đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Chính sách kinh tế mới (còn được gọi tắt là NEP) do Lênin đề ra cách đây hơn 100 năm có nhiều bí quyết và bài học quý về phát triển công nghiệp đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Sáng tạo là một đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đặc trưng đó được thể hiện trong toàn bộ hoạt động cách mạng của những nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin, trong đó chính sách kinh tế mới do Lênin đề ra cách đây hơn 100 năm là một trong những biểu hiện của sự sáng tạo.

Sau khi Cách mạng Tháng Mười thành công, nước Nga Xô - viết ở trong tình trạng kinh tế kiệt quệ, nạn đói và dịch bệnh diễn ra ở nhiều nơi, lại phải đối phó cuộc nội chiến chống lực lượng Bạch vệ được liên minh 14 nước phương Tây hậu thuẫn. Trong tình thế đó, Chính phủ Xô - viết buộc phải thực hiện chính sách cộng sản thời chiến mà thực chất là sử dụng toàn bộ hoạt động kinh tế phục vụ mục tiêu chiến thắng trong cuộc nội chiến. Chính sách cộng sản thời chiến theo Lênin "là một biện pháp không phải do những điều kiện kinh tế đề ra, mà phần lớn là do những điều kiện quân sự bắt buộc phải thi hành".

Ảnh minh họa

Theo đó, trong nông nghiệp, người nông dân chỉ được để lại cho mình một số lượng tối thiểu các sản phẩm nông nghiệp do mình làm ra, Nhà nước trưng thu số sản phẩm còn lại; trong công nghiệp, quốc hữu hóa toàn bộ tư liệu sản xuất, xóa bỏ kinh tế tư nhân, quản lý kinh tế theo phương thức tập trung, trao đổi bằng hiện vật, phân phối bình quân; trong ngoại thương, thực hiện chính sách bế quan tỏa cảng, hoàn toàn không có quan hệ kinh tế với các nước tư bản chủ nghĩa.

Chính sách cộng sản thời chiến có tác dụng nhất định trong những hoàn cảnh nhất định, giúp cho Nhà nước Xô- viết tập trung nguồn lực phục vụ cho nhiệm vụ bảo vệ đất nước. Nhưng sau khi cuộc nội chiến kết thúc về cơ bản vào cuối năm 1920 thì chính sách đó ngày càng bộc lộ những bất cập. Nông dân Nga (chiếm hơn 80% dân số nước Nga lúc bấy giờ) không được thụ hưởng tương xứng thành quả lao động của mình nên không hứng thú với sản xuất; thậm chí còn bất mãn với chính quyền Xô -viết. Do đó, sản lượng lương thực của nước Nga sụt giảm đáng kể và ở một số nơi đã xảy ra biểu tình và nổi loạn.

Trong các cơ sở sản xuất công nghiệp, năng suất lao động thấp, sản lượng công nghiệp giảm dần. Thành tựu của công nghiệp và khoa học - kỹ thuật nước ngoài không được tiếp thu. Để khắc phục thực trạng đó, Lênin đã kịp thời đề ra chính sách kinh tế mới và đã được Đại hội lần thứ X của Đảng Bôn - sê - vich Nga họp vào tháng 3/1921 thông qua. Về nông nghiệp, ngày 21/3/1921 Lênin đã ký sắc lệnh về việc thay thế việc trưng thu lương thực thừa bằng thuế lương thực. Theo đó, người nông dân sau khi nộp thuế lương thực sẽ được hưởng toàn bộ sản phẩm còn lại và được tự do trao đổi số sản phẩm này, từ đó phát triển nhanh chóng việc trao đổi hàng hóa. Những thay đổi đó đã tạo động lực cho người nông dân phát triển sản xuất.

Nhờ đó sản lượng lương thực năm 1925 tăng 87% so với năm 1913 là năm có sản lượng cao nhất trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Cũng từ đó quan hệ giữa nông dân và chính quyền Xô - viết được củng cố vững chắc hơn, quan hệ giữa công nhân và nông dân ngày càng chặt chẽ, quan hệ giữa thành thị và nông thôn ngày càng được mở rộng. Về công nghiệp, Lênin chủ trương "phải lợi dụng chủ nghĩa tư bản...làm con đường, phương tiện, phương pháp, phương thức để tăng lực lượng sản xuất". Theo đó, Nhà nước Xô-viết chỉ nắm các ngành kinh tế then chốt như công nghiệp nặng, giao thông - vận tải, ngân hàng, ngoại thương; còn các ngành kinh tế còn lại để cho các thành phần kinh tế khác tham gia; cho phép tư nhân được thuê hoặc xây dựng những xí nghiệp loại nhỏ (dưới 20 công nhân); việc tổ chức, quản lí sản xuất công nghiệp chuyển sang chế độ hạch toán kinh tế tại hầu hết các xí nghiệp...

Nhờ đó, đến năm 1925 sản lượng công nghiệp của Nga đạt 75% ngang bằng năm 1913 là năm có sản lượng cao nhất trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Về ngoại thương, Lênin yêu cầu phải dùng "cả hai tay mà lấy những cái tốt đẹp của nước ngoài như trật tự đường sắt ở Phổ + kỹ thuật và cách tổ chức các Tờrớt ở Mỹ + ngành giáo dục quốc dân Mỹ". Với tinh thần đó, chính sách kinh tế mới khuyến khích chủ nghĩa tư bản nhà nước với các hình thức thích hợp như tô nhượng, hợp tác xã, đại lý, mua lại hoặc thuê nhà máy, đất đai cũng như xây dựng nhà máy tại nước Nga. Nhờ đó, nước Nga Xô- viết đã từng bước thoát khỏi sự cô lập, thiết lập quan hệ với nhiều đối tác nước ngoài.

Chính sách kinh tế mới là một chính sách kinh tế đã thành công trong thời kỳ đầu của công cuộc xây dựng nước Nga xô -viết. Mặc dù ngày nay một số nội dung của chính sách kinh tế mới không còn phù hợp song chính sách kinh tế mới đã để lại những bài học có giá trị về sự sáng tạo của chủ nghĩa Mác - Lênin, trong đó có hai bài học lớn. Một là, bài học tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, phát hiện kịp thời những vấn đề phát sinh từ thực tiễn để từ đó có những biện pháp xử lý thích hợp. Hai là, bài học luôn luôn xem xét các chính sách trong sự vận động và phát triển không ngừng để kịp thời bổ sung, điều chỉnh, đổi mới những chính sách không phù hợp với sự thay đổi của thực tiễn, với sự biến động của đời sống kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế.

Chính sách kinh tế mới còn là một bằng chứng bác bỏ những ý kiến cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin là giáo điều, là khô cứng, là không phù hợp với thời đại.

PGS.TS Phạm Hữu Tiến - nguyên Viện trưởng Viện Thông tin khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bi-quyet-va-bai-hoc-phat-trien-cong-nghiep-cua-lenin-179256.html