Bí thư Đà Nẵng: Các cháu học sinh còn bị lợi dụng, lạm dụng nhiều quá!

'Chúng tôi cảm thấy buồn ở chỗ người nghèo, rồi các cháu học sinh còn bị lợi dụng, lạm dụng nhiều quá. Hiện nay Bộ GD-ĐT đang phát động phong trào giữ SGK, có lẽ đây cũng là một tiền đề mà Bộ cũng đã bắt đầu tiếp thu các ý kiến rộng rãi của xã hội..'

"Ta có thầy trong nhà, sao không vận dụng?"

Như tin đã đưa, chiều 25/9, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hải Châu của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Đà Nẵng để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV dự kiến khai mạc ngày 22/10, ông Lê Tự Cường, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng, hiện là Chủ nhiệm CLB Thái Phiên của các cán bộ hưu trí trung, cao cấp TP Đà Nẵng đã gửi gắm đến Quốc hội những điều cử tri hết sức búc xúc đối với Bộ GD&ĐT.

Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hải Châu chiều 25/9 (Ảnh: HC)

Theo ông Lê Tự Cường, cả nước đã học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh hơn 20 năm nay. Về phương pháp giáo dục, Cụ Hồ nói: Dạy mẫu giáo cốt nhất là giữ sự hồn nhiên của tuổi trẻ, đừng biến các cháu thành những “ông cụ non”; dạy tiểu học cốt nhất là dạy tư cách làm người; dạy trung học cốt nhất là dạy kiến thức phổ thông, học xong có thể đủ sức làm việc kiếm sống rồi tiếp tục học thêm; dạy đại học chủ yếu là đào tạo chuyên gia cho nên chủ yếu là nghiên cứu chuyên sâu. Rất ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ.

“Điều Bác Hồ nói cách đây 50 – 60 năm vẫn không khác mấy so với giáo dục của nhân loại hiện nay. Ta có thầy trong nhà, sao không vận dụng mà để học sinh nước ta bây giờ, nhỏ thì học để đi thi, lớn lên thì học để lấy cái bằng. Học xong không làm được việc. Cả trăm ngàn sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ thất nghiệp. Bằng tốt nghiệp đại học của Việt Nam đem ra thế giới không ai công nhận cả là thế nào? Đây là những vấn đề rất bức xúc chứ không đơn giản chút nào, bởi nó liên quan đến sự thịnh, suy của đất nước hôm nay và cả mai sau!” – Ông Lê Tự Cường nhấn mạnh.

Phải bỏ ngay kỳ thi tốt nghiệp THPT, chỉ thi đại học thôi!

Vì lẽ đó, ông kiến nghị, thứ nhất là bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT mà chỉ thi đại học. Ông giải thích: Những năm gần đây có tới 98% học sinh tốt nghiệp THPT. Và đã gọi là phổ thông có nghĩa là rộng rãi, chỉ cần xét tốt nghiệp là đủ trên cơ sở điểm thi của hai học kỳ. Sau khi tốt nghiệp, ai đủ trình độ, ai có điều kiện thì đi thi đại học. Như vậy sẽ tiết kiệm hơn so với thi tốt nghiệp THPT rồi lấy điểm thi tốt nghiệp đó xét tuyển vào đại học.

“Vừa rồi có những trường hợp gian lận điểm thi tốt nghiệp THPT chính là do việc lấy điểm thi này để xét tuyển vào đại học. Vì vậy người ta gian lận để được xét tuyển vào các ngành hot, các trường đại học có tên tuổi. Xin thưa, đào tạo những con người mà xuất phát bằng sự gian lận như vậy là vô cùng nguy hiểm!” – Ông Lê Tự Cường nhấn mạnh.

“Thế mà tại sao chúng ta lại để cho nền giáo dục nước ta thi cử gian lận như thế? Khi xảy ra thi cử lộn xộn, gian lận vừa rồi, có 2 – 3 cuộc hội thảo về giáo dục, thu hút rất nhiều nhà khoa học tên tuổi, tâm huyết. Họ đề nghị bỏ thi tốt nghiệp THPT, chỉ thi đại học thôi, vậy mà Bộ GD-ĐT vẫn không chịu, vẫn kiên quyết giữ thi tốt nghiệp THPT cho đến cuối năm 2020, tức là đến hết nhiệm kỳ kia, rồi mới tính sau.

Theo tôi, phải bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT ngay từ năm tới 2019 mà chỉ thi đại học thôi. Làm như thế sẽ đem lại cho nhà nước, người dân và toàn xã hội nhiều cái lợi mà ngay bây giờ chưa thể tính hết được!” – Ông Lê Tự Cường tha thiết kiến nghị.

Các cháu học sinh còn bị lợi dụng, lạm dụng nhiều quá!

Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng ghi nhận những ý kiến thẳng thắn, tâm huyết của ông Lê Tự Cường và cho biết sẽ nghiên cứu kỹ càng, phát biểu đúng và trúng tại kỳ họp Quốc hội sắp tới về những nội dung được Chủ nhiệm CLB Thái Phiên thay mặt các cán bộ hưu trí trung, cao cấp của TP gửi gắm.

Theo ông, Luật Giáo dục sẽ là một trong những nội dung quan trọng mà kỳ họp Quốc hội sắp tới tập trung xem xét. Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nghe, chất vấn nhiều vấn đề về giáo dục, kể cả về chương trình, SGK, chế độ đối với giáo viên… Và ở kỳ họp Quốc hội sắp tới, giáo dục cũng sẽ được quan tâm bàn bạc kỹ, đặc biệt là Luật Giáo dục.

“Chuyện SGK, chuyện chương trình học… đang là những vấn đề được toàn xã hội và Quốc hội rất quan tâm. Ngày trước tôi đi học làm gì có tiền mua được một bộ SGK mà anh để lại cho em, chú để lại cho cháu. Hầu như phải mượn SGK để học. Hồi đó các gia đình có con vừa học hết lớp nọ, lớp kia thường hỏi thăm nhau để xin SGK, để tặng SGK con mình vừa học xong cho cọn người khác vào năm học mới. Nghĩa là có cái gì đó rất khác với câu chuyện SGK bây giờ.

Cũng có rất nhiều báo chí, phóng viên rất thẳng thắn. Và chúng tôi cũng cảm thấy buồn ở chỗ người nghèo, rồi các cháu học sinh còn bị lợi dụng, lạm dụng nhiều quá. Hiện nay Bộ GD-ĐT đang phát động phong trào giữ SGK, có lẽ đây cũng là một tiền đề mà Bộ cũng đã bắt đầu tiếp thu các ý kiến rộng rãi của xã hội.

SGK mà lại có " một nhóm lợi ích thì nói như anh Lê Tự Cường, nền giáo dục không biết đã đi đến đâu? Tôi rất chia sẻ và đồng tình với quan điểm của anh Lê Tự Cường về Luật Giáo dục. Đoàn ĐBQH TP sẽ hết sức lắng nghe các ý kiến của cử tri để có thể thay mặt tiếng nói của cử tri tại diễn đàn của kỳ họp Quốc hội sắp tới!” – Ông Trương Quang Nghĩa phát biểu với các cử tri Đà Nẵng.

HẢI CHÂU

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/bi-thu-da-nang-cac-chau-hoc-sinh-con-bi-loi-dung-lam-dung-nhieu-qua-post276620.info