Bí thư Hà Nội: Sự biến động về lãnh đạo chủ chốt tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, năm 2022, thành phố có sự biến động về lãnh đạo chủ chốt đã tác động không nhỏ đến thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh; đến tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân trên địa bàn Thành phố, gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế xã hội Thủ đô.

HĐND TP Hà Nội đã nắm bắt, lựa chọn đúng và trúng những vấn đề quan trọng

Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10, HĐND TP Hà Nội sáng 7/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu rõ, năm 2022, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức từ tình hình kinh tế, chính trị thế giới, mối đe dọa an ninh phi truyền thống; tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, dịch bệnh Covid-19 vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, cùng với đó là việc xuất hiện dịch sốt xuất huyết và các loại dịch bệnh mới.

Bên cạnh đó Thành phố có sự biến động về lãnh đạo chủ chốt đã tác động không nhỏ đến thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh; đến tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân trên địa bàn Thành phố, gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế xã hội Thủ đô.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, trong bối cảnh bộn bề công việc vừa phải kiểm soát hiệu quả tình hình dịch bệnh, quyết liệt chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, an sinh xã hội, vừa thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên; Thành phố đã chủ động triển khai nhiều nhiệm vụ có tính chất định hướng chiến lược, căn cơ, lâu dài cho sự phát triển của thành phố.

"Có thể khẳng định, năm 2022 vừa qua, thành phố đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, cơ bản và toàn diện trên mọi mặt về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại", Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Ảnh: Gia Huy

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Ảnh: Gia Huy

Trong năm 2022 vừa qua, quán triệt, triển khai có hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Thành ủy, cụ thể hóa vào tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ nên HĐND Thành phố đã có nhiều đổi mới trong hoạt động, quyết liệt, toàn diện, sâu sát và hiệu quả.

Đó là, HĐND Thành phố đã nắm bắt, lựa chọn đúng và trúng những vấn đề quan trọng, bức xúc được đông đảo cử tri, dư luận xã hội quan tâm để ban hành Nghị quyết, đồng thời đôn đốc kiểm tra, giám sát, tái giám sát.

HĐND Thành phố đã tổ chức 6 kỳ họp, trong đó có 5 kỳ chuyên đề để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, có tác động sâu rộng như: Chủ trương đầu tư và bố trí vốn dự án Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Chương trình mục tiêu đối với 3 lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo và tu bổ các di tích lịch sử; Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn Thành phố. Bên cạnh đó, HĐND Thành phố đã xem xét những vấn đề phức tạp tồn đọng kéo dài theo thẩm quyền, như: tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, việc quản lý sử dụng tài sản công trên địa bàn Thành phố và các nội dung quan trọng khác.

Thường trực HĐND Thành phố tổ chức 2 phiên giải trình về: Công tác đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn Thành phố; công tác quản lý, đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn Thành phố. Đây đều là những vấn đề quan trọng, vấn đề đặt ra trong thực tiễn phát triển của Thành phố, đang được Thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và được cử tri, Nhân dân đồng tình, đánh giá cao...

Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát huy lợi thế, tiềm năng, huy động nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương còn chưa đạt yêu cầu, nhất là trong thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.

Ùn tắc giao thông, úng ngập còn xảy ra ở một số nơi; việc thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải, nhất là tại một số làng nghề; quản lý quy hoạch đô thị còn hạn chế, vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm và xây dựng trên đất nông nghiệp, đất rừng còn xảy ra, chưa được ngăn chặn và xử lý hiệu quả gây bức xúc trong dư luận xã hội; tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm còn chậm và nhiều vướng mắc; giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản tiếp tục khó khăn và có xu hướng chậm dần qua các năm; công tác phòng cháy, chữa cháy hiệu quả chưa cao.

Vừa thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, vừa gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, năm 2023 - năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2020-2025 có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Thành phố tiếp tục chọn chủ đề năm 2023 là "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển".

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đại biểu HĐND tập trung nghiên cứu, trao đổi, xem xét kỹ lưỡng những cơ chế, chính sách lớn, quan trọng liên quan trực tiếp tới: Việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023; đời sống dân sinh; việc thực hiện các nhiệm vụ cho cả giai đoạn từ nay đến năm 2025 và nhiều vấn đề quan trọng khác.

Trong quá trình nghiên cứu, trao đổi, thảo luận và chất vấn, các vị đại biểu HĐND tiếp tục lưu ý đến các tác động đối với những vấn đề liên quan đến tâm tư, nguyện vọng của đông đảo cử tri; đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, để các quyết sách được Hội đồng thông qua phải đảm bảo vừa thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, vừa góp phần vào việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng Hà Nội "Văn hiến-Văn minh-Hiện đại" và nhiệm vụ giữ vững quốc phòng, an ninh theo đúng tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị.

Các đại biểu HĐND TP Hà Nội tham dự Kỳ họp thứ 10

Trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tập trung vào 3 khâu đột phá. Đặc biệt, phải tiếp tục làm tốt hơn nữa việc huy động các nguồn lực đầu tư cho sự phát triển của Thành phố, tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm 2023.

Kiên quyết cắt giảm vốn của các dự án chưa đủ thủ tục triển khai để bổ sung vốn: chi trả nợ, thu hồi vốn ứng trước, cho các dự án đã thực hiện nhanh tiến độ… nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị của Thành phố phải siết chặt kỷ cương, kỷ luật, đạo đức thi hành công vụ tại các cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, HĐND Thành phố cần tập trung lựa chọn các vấn đề nổi cộm được cử tri, dư luận quan tâm để chọn lựa làm nội dung giám sát, chất vấn, giải trình như những vấn đề về cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật kỷ cương; quản lý tài sản công, đất đai, tài nguyên, môi trường; đôn đốc tiến độ các công trình, dự án; xử lý đối với các dự án ngoài ngân sách được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm 2023 của HĐND các cấp Thành phố là tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người được HĐND bầu theo quy định của Luật và hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là hoạt động giám sát rất quan trọng của HĐND nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong việc thực thi công vụ của UBND và các cơ quan của Thành phố.

Xuân Trường

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/bi-thu-ha-noi-su-bien-dong-ve-lanh-dao-chu-chot-tac-dong-khong-nho-den-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-thu-do-20221207104318305.htm