Nhà ngoại giao kỳ cựu William Burns gánh trọng trách khôi phục vị thế của CIA

William J. Burns, nhà ngoại giao kỳ cựu, tuyên bố sẽ xây dựng lại vị thế của CIA sau 4 năm cơ quan này bị công kích dưới thời chính quyền Donald Trump. Ông cũng khẳng định Trung Quốc sẽ là mối quan tâm hàng đầu của cơ quan tình báo Mỹ.

Được Thượng viện phê duyệt trở thành Giám đốc CIA, nhà ngoại giao kỳ cựu William J. Burns sẽ gánh vác nhiệm vụ khôi phục vị thế của cơ quan tình báo bị công kích dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Ông William J. Burns, 64 tuổi, là nhà ngoại giao kỳ cựu duy nhất từ trước tới nay được chọn vào vị trí đứng đầu CIA trong hàng thập kỷ qua. Ông từng làm việc dưới 5 đời tổng thống Mỹ (cả Dân chủ và Cộng hòa) trong sự nghiệp ngoại giao hơn 30 năm của mình.

Nhà ngoại giao kỳ cựu William Burns được Thượng viện Mỹ phê chuẩn làm Giám đốc CIA. Ảnh: Getty

Nhà ngoại giao kỳ cựu William Burns được Thượng viện Mỹ phê chuẩn làm Giám đốc CIA. Ảnh: Getty

Burns từng là cựu Đại sứ tại Nga và Jordan. Ông là Thứ trưởng Ngoại giao dưới thời Tổng thống Barack Obama và nghỉ hưu năm 2014. Hiện ông là Chủ tịch Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, một tổ chức nghiên cứu các vấn đề quốc tế.

Trong suốt sự nghiệp, ông Burns nổi tiếng với những phân tích rất thận trọng về các vấn đề chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia, một yếu tố khiến ông Joe Biden lựa chọn ông vào vị trí Giám đốc CIA.

Tuy nhiên, mối quan hệ mạnh mẽ với ông Biden và nhóm của ông mới là yếu tố quan trọng nhất ở William Burns. Các cựu quan chức CIA nói rằng, những người ngoài ngành dù ít kinh nghiệm thu thập thông tin tình báo trực tiếp nhưng lại có các mối liên kết chặt chẽ với Nhà Trắng như Leon Panetta, đều là những giám đốc rất hiệu quả.

“Mối quan hệ thân cận và đáng tin cậy với tổng thống sẽ là lợi thế lớn của giám đốc CIA”, theo John McLaughlin, cựu Phó Giám đốc CIA.

Ông Burns giành được sự ủng hộ của lưỡng đảng tại Ủy ban Tình báo Thượng viện. Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ bang Virginia, Mark Warner, người đứng đầu Ủy ban Tình báo Thượng viện nói rằng ông Burns sẽ lãnh đạo CIA với “sự liêm chính và khách quan”.

“Trong bối cảnh đất nước chúng ta đang phải đối mặt với các mối đe dọa ngày càng lớn trên toàn cầu, chúng ta cần phải có những lãnh đạo có kinh nghiệm ở những vị trí mà họ sẵn sàng đối phó với những mối đe dọa đó”, ông Warner nói.

Trung Quốc là mối quan tâm hàng đầu

Trung Quốc là nội dung chủ đạo trong phiên điều trần của ông Burns tại Thượng viện hồi tháng trước. Ông coi đây là một trong những thách thức đối ngoại cấp bách lớn nhất đối với CIA và tuyên bố sẽ đầu tư vào các công nghệ mới để cải thiện khả năng thu thập thông tin tình báo cũng như đào tạo ngôn ngữ cho các nhân viên CIA.

Ông Burns nói rằng Trung Quốc đối đầu với Mỹ, nhưng Mỹ không nên nghĩ về Trung Quốc với góc nhìn Chiến tranh Lạnh. Nếu như bất đồng với Liên Xô căn bản là về ý thức hệ và an ninh, thì sự cạnh tranh với Trung Quốc lại là về mối quan hệ kinh tế và công nghệ.

Năng lực công nghệ của Trung Quốc là một trong những lý do khiến việc thu thập tình báo của Mỹ tại đây trở nên khó khăn. Mạng lưới thông tin của CIA ở Trung Quốc đã gặp nhiều khó khăn suốt thập kỷ qua. Nhiều người bị bắt hoặc bị sát hại. Do đó, Mỹ phải phụ thuộc khá nhiều vào tình báo Anh để có được các thông tin ở Trung Quốc.

Sự giám sát ở khắp mọi nơi của Trung Quốc, với trí tuệ nhân tạo (AI) và kiểm tra sinh trắc học khiến CIA khó hoạt động tại nước này. Gia tăng đầu tư công nghệ sẽ là điều cần thiết nếu CIA muốn xây dựng lại khả năng phát triển nhân lực bên trong Trung Quốc, theo các cựu quan chức CIA.

Liên quan tới Nga, trong phiên điều trần phê chuẩn tại Thượng viện, ông Burns mô tả đây là một cường quốc đang thoái trào, nhưng ông cũng cho rằng các thách thức từ Moscow sẽ tiếp tục là một vấn đề quan trọng trong chương trình tình báo của Mỹ.

Ông Burns cũng cam kết kiểm tra lại các bằng chứng thu thập được xung quanh các cuộc tấn công nhằm vào các nhà ngoại giao và nhân viên CIA trên khắp thế giới. Mặc dù ông không nêu tên nước cụ thể, nhưng các cựu quan chức và quan chức đương nhiệm đều cho rằng đó có thể là Nga, dù Moscow nhiều lần bác bỏ.

Vai trò quan trọng trong vấn đề Iran

Điều đáng chú ý trong sự nghiệp ngoại giao của William Burns là ông từng dẫn đầu phái đoàn tổ chức các cuộc đàm phán bí mật với Iran về thỏa thuận hạt nhân, còn được gọi với cái tên chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Trong một cuộc phỏng vấn với Tạp chí Đối ngoại năm 2019, ông Burns nói rằng, việc rút khỏi JCPOA với Iran là một “sai lầm lịch sử”.

Ở thời điểm thỏa thuận được ký kết, ông Obama là Tổng thống và ông Joe Biden là Phó Tổng thống. Tuy nhiên, trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2016, ông Trump chỉ trích thỏa thuận này là quá “khoan dung” với Iran, và Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận này vào tháng 5/2018.

Việc đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát chính sách đối ngoại của Mỹ vào tháng 1/2021, cùng với việc ông Burns được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc CIA sẽ đem lại hy vọng khôi phục thỏa thuận hạt nhân lịch sử dưới thời chính quyền Joe Biden.

Ông Burns cũng là người phản đối các chính sách của chính quyền Donald Trump và chỉ trích vụ sát hại Tướng Iran Qassem Soleimani. Trả lời phỏng vấn với Irish Times, ông nói rằng cuộc sát hại này là “bước lùi chiến lược đáng kể”.

Trong một bài viết trên Foreign Policy năm 2019, ông Burns từng đề cập tới “sự ngược đãi” đối với Marie Yavonovitch, một nhà ngoại giao kỳ cựu bị sa thải khỏi vị trí Đại sứ Mỹ ở Ukraine năm 2019. Ở thời điểm đó, đảng Dân chủ cho rằng bà Yavonovitch bị sa thải để Ukraine có thể tiến hành các cuộc điều tra nhằm vào ông Joe Biden cùng con trai ông, Hunter Biden – người là thành viên trong ban điều hành một công ty năng lượng của Ukraine.

Tố chất ngoại giao sẽ là lợi thế của giám đốc CIA

Nhiều bạn bè và đồng nghiệp của Burns nói rằng họ không kỳ vọng ông sẽ khôi phục lại ngoại giao bí mật. Thay vào đó, ông sẽ tập trung thúc đẩy CIA để cung cấp các thông tin tình báo tốt nhất về Iran trong bối cảnh Mỹ đang tìm kiếm khả năng về các thỏa thuận mới với Iran. Vốn hiểu biết chuyên sâu của ông Burns về Iran sẽ rất quan trọng để cố vấn cho Tổng thống Biden và Hội đồng An ninh Quốc gia.

Mặt khác, các cựu nhân viên tình báo cũng đánh giá rằng, giám đốc CIA cũng cần các kỹ năng ngoại giao tốt.

“Hầu hết mọi người đều không nhận ra rằng cũng cần có tố chất ngoại giao để trở thành giám đốc CIA. Chúng tôi duy trì mối quan hệ với các cơ quan tình báo nước ngoài trên khắp thế giới. Trong số họ có những người thân thiện và cũng có những người không hề thân thiện”, ông McLaughin nói.

Ở nhiều nước, nơi mà các cơ quan tình báo đóng vai trò quan trọng như Pakistan, Ai Cập hay Thổ Nhĩ Kỳ, một giám đốc CIA có tố chất ngoại giao có thể giúp ích rất nhiều để giúp củng cố các mối quan hệ, theo John Sawers, cựu Giám đốc cơ quan tình báo Anh, MI6.

“Vấn đề không chỉ ở việc tiến hành các cuộc đàm phán bí mật, mà là về việc sử dụng các cuộc gặp cấp cao ở nững nước này để thực hiện nhiều mục tiêu hơn là phạm vi công việc tình báo”, ông Sawers nói.

Những hiểu biết của Burns về các vấn đề địa chính trị phức tạp sẽ giúp ích cho ông rất nhiều khi cố vấn cho Tổng thống Biden trong bối cảnh đối ngoại là một vấn đề cấp bách hơn nhiều so với những các chính quyền tiền nhiệm kể từ thời Tổng thống George H. W. Bush./.

Hoàng Phạm/VOV.VN Theo New York Times, Indian Expres

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/ho-so/nha-ngoai-giao-ky-cuu-william-burns-ganh-trong-trach-khoi-phuc-vi-the-cua-cia-844391.vov