Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn đối thoại với tuổi trẻ cả nước

Hôm nay (21/3), Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong có cuộc đối thoại với tuổi trẻ cả nước về chủ đề 'Thanh niên tình nguyện vì cộng đồng'. Báo Tiền Phong xin gửi đến một số ý kiến chia sẻ cũng như đề xuất về hoạt động tình nguyện hiện nay.

Chị Ngô Ngọc Nguyên Thảo, giảng viên trường ÐH Công nghệ TPHCM:

Mang tri thức khoa học vào hoạt động tình nguyện

Những hoạt động tình nguyện giúp tôi hiểu hơn về tình bạn, về sự chung sức đồng lòng giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, gắn bó với các hoạt động của Đoàn, Hội giúp tôi rèn luyện kỹ năng, tinh thần vượt khó, có bản lĩnh chính trị vững vàng. Đó chính là hành trang giúp tôi bước vào đời không còn bỡ ngỡ.

Từ sự trưởng thành của bản thân thông qua việc tham gia tích cực vào các hoạt động tình nguyện, Đoàn, Hội, tôi muốn nhắn nhủ các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên hãy tham gia vào hoạt động tình nguyện. Đó là những trải nghiệm vô cùng quý giá bên cạnh việc học kiến thức hàng ngày.

Để hoạt động tình nguyện đạt được ý nghĩa như mong muốn, tôi cho rằng cần xác định nội dung đúng đắn, phù hợp với yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương trong từng giai đoạn và khả năng hoạt động đa dạng của các đối tượng thanh niên, sinh viên là nhân tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của các phong trào tình nguyện. Thực tiễn cho thấy, để tổ chức tốt phong trào thanh niên tình nguyện, vấn đề quan trọng là phải trả lời được câu hỏi tình nguyện vì ai? Vì cái gì?

Cần phát huy tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ đoàn; tạo sự đồng tình, ủng hộ của dư luận xã hội; xác lập cơ chế phối hợp chặt chẽ với các ngành, đơn vị và chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện các chương trình, công trình của thanh niên tình nguyện. Các hoạt động tình nguyện chỉ mang lại kết quả thiết thực khi nó có sự cộng hưởng tích cực giữa thanh niên tình nguyện với cán bộ địa phương trong tổ chức thực hiện.

Phong trào tình nguyện cần có sự thay đổi nội dung, hình thức như mang tri thức khoa học công nghệ đến với thanh niên nông thôn vùng sâu, vùng xa; góp phần rút ngắn khoảng cách công nghệ giữa nông thôn với thành thị, đặc biệt là khu vực biên giới. Các mô hình tình nguyện cần mang tính chuyên môn cao và ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động.

Anh Nguyễn Xuân Hùng, Phó Chủ tịch Hội LHTNhuyện Bát Xát, Chủ nhiệm CLB Kết nối tuổi trẻ (Lào Cai):

Tạo giá trị bền vững

Tính riêng trong thời gian từ tháng 1/2018 đến nay, CLB đã tổ chức xây dựng được 1 trường học; 2 nhà tắm; 3 nhà vệ sinh; 2 nhà nhân ái; hỗ trợ trên 70 triệu đồng tiền thuốc khám - chữa bệnh cho nhân dân; vận động trao tặng tiền mặt cùng trên 2.000 suất quà cho các hoàn cảnh khó khăn; tổng trị giá các chương trình trên 1,8 tỷ đồng.

Những hoạt động của chúng tôi đều hướng tới sự phát triển bền vững và hiệu quả lâu dài. Mỗi CLB, đội nhóm có thể khác nhau về tôn chỉ hoạt động, sứ mệnh, nhưng tôi cho rằng nên hướng các hoạt động mang tính bền vững để có hiệu quả cao nhất, nhưng cũng không nên quên những hoạt động thiên về tinh thần…

Để hoạt động tình nguyện thiết thực, trước mỗi hoạt động, chúng ta phải xác định thật cụ thể về tính chất các hoạt động. Đồng thời, trước chiến dịch tình nguyện, cần tổ chức tập huấn, để các bạn tình nguyện viên hiểu rõ mục đích, ý nghĩa chương trình sắp tham gia. Mặt khác cần tăng cường tính chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội trong quản lý, tổ chức xây dựng các chương trình tình nguyện. Tại những nơi triển khai hoạt động, cần có cơ chế phối hợp cùng chính quyền địa phương, nhà trường, cơ quan, đoàn thể. Có như vậy, tôi tin rằng hoạt động tình nguyện sẽ ngày càng có ý nghĩa, mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng và xã hội; góp phần bồi đắp lý tưởng, tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì lợi ích chung cho thế hệ trẻ.

Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng 2018 Vàng Lao Lừ (Bộ đội Biên phòng Sơn La):

Ðánh thức mong muốn thay đổi cuộc sống

Tuổi trẻ cần phải cống hiến, biết giúp đỡ mọi người thì cộng đồng sẽ tốt đẹp hơn. Với việc làm của mình hy vọng có thể chạm đến trái tim người trẻ khác, và chung tay có thêm nhiều sáng kiến giúp được nhiều hơn cho đồng bào.

Tùy điều kiện mỗi người, từng thời điểm có thể tham gia vào các hoạt động tình nguyện. Khi chưa vào bộ đội tôi chủ yếu tham gia các hoạt động Đoàn tại địa phương. Giờ có điều kiện hơn, tôi vừa trực tiếp dạy học xóa mù chữ cho đồng bào, vừa giúp đỡ hỗ trợ học sinh gắn với chương trình “Nâng bước em đến trường”. Tôi mong muốn có thêm nhiều hoạt động, nhiều người chung tay để giúp đỡ các em nhỏ thực hiện được ước mơ đến trường.

Để hoạt động tình nguyện hiệu quả, có sức lan tỏa trên vùng cao, tôi cho rằng các hoạt động phải đánh thức được mong muốn thay đổi cuộc sống; thay đổi suy nghĩ trông chờ sự cứu trợ, trợ cấp. Tôi phải tuyên truyền, giải thích cho đồng bào, nhưng không chỉ nói không. Đến với đồng bào, mình phải mang theo những mô hình, kiến thức về kỹ thuật để phổ biến, hướng dẫn. Đặc biệt cần trực tiếp sắn tay vào làm và làm phải hiệu quả bằng hai người nhà họ. Khi đó mới khiến đồng bào tin, thúc đẩy được mỗi người làm nhiều hơn.

LƯU TRINH- XUÂN TÙNG

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/gioi-tre/bi-thu-thu-nhat-tu-doan-doi-thoai-voi-tuoi-tre-ca-nuoc-1391409.tpo