Bí thư Tỉnh ủy Bình Định: 'Không có lý do gì ở ngay cửa biển mà lại ngập lụt'

Sáng 10/12, kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII (nhiệm kỳ 2021 – 2026) tiếp tục ngày làm việc thứ 3.

Tại kỳ họp, các đại biểu có kiến nghị liên quan tình hình thoát nước tại các đô thị còn nhiều bất cập, nhất là ở TP Quy Nhơn, đặc biệt là phường Ghềnh Ráng và đường Xuân Diệu; qua đó đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng cho biết nguyên nhân và các giải pháp khắc phục trong thời gian đến.

Ông Hồ Quốc Dũng – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định cho rằng, không có lý do gì ở ngay cửa biển mà lại ngập lụt, điều này không thể chấp nhận được. Qua đó, ông yêu cầu Sở Xây dựng, TP Quy Nhơn tìm giải pháp khắc phục, tăng cường trách nhiệm quản lý trong quy hoạch, xây dựng.

Ông Trần Viết Bảo - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định báo cáo giải trình. Ảnh: Trương Định

Ông Trần Viết Bảo - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định báo cáo giải trình. Ảnh: Trương Định

Báo cáo giải trình tại kỳ họp, ông Trần Viết Bảo – Giám đốc Sở Xây dựng cho hay, có 4 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngập lụt tại khu vực phường Ghềnh Ráng.

Trong đó, hệ thống thoát nước trong khu vực chưa được hoàn thiện; lượng mưa theo giờ tương đối lớn (trong ngày 11/10 là 197mm và 20/11 là 266,8mm); việc nạo vét hệ thống thoát nước chưa được TP Quy Nhơn quan tâm.

Đặc biệt, hồ điều hòa thuộc một dự án dân cư tại đây chưa thi công hoàn thành theo hồ sơ thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt nên cũng góp phần làm tăng thêm độ ngập sâu.

Khu vực Ghềnh Ráng ngập sâu trong biển nước sau trận mưa lớn sáng 20/11. Ảnh: Trương Định

Về giải pháp khắc phục, Giám đốc Sở Xây dựng cho hay, Sở đã họp với các ngành, UBND TP Quy Nhơn thống nhất đề xuất đầu tư thay thế tuyến mương hiện có (đoạn TP Quy Nhơn từ những năm 1990) trong đó, mở rộng thêm tiết diện để đảm bảo cho việc thoát nước. Đồng thời, cải tạo nâng cấp hệ thống mương Bông Hồng, tuyến mương đèo Quy Hòa.

Sở Xây dựng đề nghị TP Quy Nhơn triển khai nạo vét hệ thống thoát nước không chỉ khu vực phường Ghềnh Ráng mà kể cả các khu vực khác xảy ra tình trạng ngập lụt khi mưa lớn. Đồng thời kiến nghị nhà đầu tư dự án tại khu vực này sớm triển khai đồng bộ hệ thống thoát nước trong dự án, đồng thời đầu tư hồ điều hòa để tham gia vào việc điều tiết nước khi có mưa lớn xảy ra.

Lãnh đạo Sở cũng kiến nghị UBND tỉnh giao Sở thực hiện đề án nghiên cứu tổng thể của khu vực này. Theo như phương án đơn vị tư vấn đề xuất, ngoài việc mở rộng thêm hệ thống thoát nước hiện tại thì cũng có thể bổ sung thêm một tuyến thoát nước dọc theo đường Võ Liệu–Tây Sơn để thoát ra biển.

Riêng đối với tuyến đường Xuân Diệu, ông Bảo cho hay, đây là khu vực thấp của TP Quy Nhơn, khả năng thoát nước rất kém. Trong khi thiết kế của dự án vệ sinh môi trường thì nước không được đổ ra biển mà chuyển ngược, chảy theo đường Phan Chu Trinh đổ ra đầm Thị Nại. Do địa hình thấp cho nên độ dốc rất hạn chế, chính vì vậy khi có mưa thì khả năng thoát nước rất chậm.

Về giải pháp khắc phục, Sở đề nghị TP Quy Nhơn tăng cường nạo vét hệ thống thoát nước. Bên cạnh đó nghiên cứu mở thêm một số cửa để thoát nước mạch.

Như Tiền Phong đưa tin, mới đây, tại phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn (Bình Định) đã xảy ra 2 trận ngập lụt lịch sử. Nhiều tuyến đường, khu dân cư chìm trong biển nước, có nơi ngập sâu gần 2m khiến người dân khốn đốn chạy lũ, nhiều tài sản bị nước cuốn trôi, nhấn chìm.

Đặc biệt, trận mưa lớn trong ngày 20/11, tại phường Ghềnh Ráng các khu vực 2, 3, 4, 5 nước ngập sâu từ 1-1,5 mét. Địa phương đã di dời 36 hộ/85 nhân khẩu ở khu vực 2. Trước đó, tại phường này, tối 11/10, mưa lớn kéo dài từ sáng cùng ngày đã gây ngập lụt nặng. Nhiều tuyến đường qua phường này ngập sâu hơn 1 mét, hàng trăm nhà dân ở khu vực cũng ngập nửa mét.

TRƯƠNG ĐỊNH

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bi-thu-tinh-uy-binh-dinh-khong-co-ly-do-gi-o-ngay-cua-bien-ma-lai-ngap-lut-post1493958.tpo