Bí thư Tỉnh ủy lái xe cho công sứ Pháp

Năm 1929, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Quảng Nam được đổi tên thành Đông dương cộng sản Đảng. Đây là một trong ba tổ chức có tính chất quá độ cho sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam. Để đảm nhiệm chức Bí thư Tỉnh bộ đến Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Quảng Nam không không bị lộ, người chiến sĩ cộng sản này phải ngụy trang che mắt kẻ thù bằng tay tài xế cho viên công sứ ở Hội An.

Năm 1929, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Quảng Nam được đổi tên thành Đông dương cộng sản Đảng. Đây là một trong ba tổ chức có tính chất quá độ cho sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam. Để đảm nhiệm chức Bí thư Tỉnh bộ đến Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Quảng Nam không không bị lộ, người chiến sĩ cộng sản này phải ngụy trang che mắt kẻ thù bằng tay tài xế cho viên công sứ ở Hội An.

Bia di tích lịch sử Cây Thông Một, xưa là bãi cát Trường Lệ, địa điểm thành lập Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam. Ảnh Thái Mỹ

Bia di tích lịch sử Cây Thông Một, xưa là bãi cát Trường Lệ, địa điểm thành lập Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam. Ảnh Thái Mỹ

Dấn thân

Tại ngã ba Phạm Văn Đồng-Chế Lan Viên, P.Tân An, TP Hội An, Quảng Nam có một tấm bia được đúc bằng xi-măng có cái tên rất lạ: "Di tích Cây Thông Một". Tấm bia di tích lịch sử này chỉ ghi tóm tắt sự kiện chính trị quan trọng của Quảng Nam và người có công lao đóng góp to lớn về mốc son chói lọi cho mảnh đất trung dũng kiên cường này là ông Phan Văn Định.

Phan Văn Định sinh ra trong một gia đình khoa bảng ở làng Đông Thái, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Thân sinh của ông là Phan Trọng Nghị, đỗ đồng khoa cử nhân, tham gia phong trào Văn Thân chống Pháp do Trần Tấn và Đặng Như Mai lãnh đạo. Khi chớm tuổi thanh niên, Phan Văn Định vào Đà Nẵng học lái xe rồi được đốc tờ Tacdio, người Pháp ở Đà Nẵng nhận làm chân tài xế cho ông ta. Năm 1927, ông tham gia cùng công nhân xưởng Xcata, Đà Nẵng đứng dậy đòi quyền lợi chính đáng trong 7 ngày liên tục. Để làm dịu bớt tình hình, thực dân Pháp phải chấp nhận một số yêu sách của công nhân. Phan Văn Định tham gia tổ chức Chi hội Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Đà Nẵng (VNCMTN) thuộc Hội VNCMTN tỉnh Quảng Nam (sau này nhiều tài liệu ghi " Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội".

Tháng 4-1928, ông được tổ chức Hội cài cắm vào lái xe cho viên công sứ Pháp là LeOn Garnier tại Hội An do đó ông phải chuyển vào sinh hoạt tại Chi hội Hội VNCMTN Hội An. Do lái xe cho viên công sứ nên ông Định đã tiếp cận và nắm được rất nhiều tin tức quan trọng không chỉ về các hoạt động của công sứ Pháp mà còn biết nhiều thông tin khác về bộ máy cai trị của thực dân và bè lũ tay sai trên địa bàn Đà Nẵng, Quảng Nam. Ngoài việc nắm tình hình, móc nối, xây dựng để mở rộng mạng lưới cơ sở cách mạng, ông Phan Văn Định còn tổ chức in ấn các tài liệu tuyên truyền đấu tranh chống Pháp. Tháng 6-1929, Hội VNCMTN được đổi tên thành tổ chức Đông Dương cộng sản Đảng, do ông Phan Văn Định làm Bí thư, ông Phạm Thâm làm Phó Bí thư Tỉnh bộ Quảng Nam, tiếp tục bí mật hoạt động cách mạng. Ngày 10-10-1929, Tỉnh bộ Đông Dương cộng sản Đảng hội nghị nhằm củng cố, kiện toàn lại tổ chức. Cuộc họp này có 7 ủy viên đã thống nhất phân công các ông Trần Đại Quả, phụ trách công tác huấn luyện, Trần Kim Bảng, phụ trách công tác tuyên truyền, viết báo, Huỳnh Lắm, phụ trách ấn loát...

Bí thư, "Tổng biên tập" Báo Lưỡi Cày

Từ ngày 6-1 đến ngày 7-2-1930, tại Hương Cảng, Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã thay mặt Quốc tế cộng sản chủ trì Hội nghị để hợp nhất 3 tổ chức đảng là Đông Dương cộng sản Đảng, An Nam cộng sản Đảng và Đông Dương cộng sản Liên đoàn thành một tổ chức là Đảng cộng sản Việt Nam (sau này Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa III thống nhất lấy ngày 3-2 hàng năm làm Ngày thành lập Đảng). Giữa tháng 3-1930, ông Nguyễn Phong Sắc từ Hà Nội vào Quảng Nam để truyền đạt việc hợp nhất 3 tổ chức đảng và sau thời gian rất ngắn chuẩn bị, tối ngày 28-3-1930, ngay tại Cây Thông Một trên bãi cát Trường Lệ hoang vắng của Hội An (bãi cát này có một cây thông khá to, thuộc xã Cẩm Hà) diễn ra Hội nghị thành lập Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam lâm thời Quảng Nam, ra thông cáo nước ta chỉ có một Đảng cộng sản duy nhất là Đảng cộng sản Việt Nam.

Hội nghị đã bầu ông Phan Văn Định làm Bí thư Tỉnh ủy. Ngày 1-5-1930, tờ báo "Lưỡi Cày" của Tỉnh Đảng bộ Quảng Nam do Phan Văn Định khởi xướng đồng thời người tổ chức thực hiện ra số đầu tiên. Đây là tờ báo được in ấn ngay trong ga ra xe của công sứ Pháp. Báo gồm 4 trang, mỗi tháng 1 số, góp phần tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng. Do việc in ấn ngay trong Tòa công sứ, dễ bị lộ nên ông Phan Văn Định bàn với tập thể Tỉnh ủy phải chuyển vật tư, thiết bị đi nơi khác để in. Để việc di chuyển không bị địch phát hiện, Tỉnh ủy đã tạo ra một đám cưới giả giữa bà Trần Thị Dư với Nguyễn Lợi (sau này Lợi phản bội, đầu hàng, khai báo với địch) và mượn một ngôi nhà ở xóm Da, ấp Xuân Lâm (nay phường Cẩm Phô) làm địa điểm in báo, in tài liệu và họp bàn các vấn đề quan trọng khác.

Do công việc lái xe cho công sứ Pháp đã làm hạn chế đến công tác lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương nên tháng 8-1930, Tỉnh ủy Quảng Nam triệu tập cuộc họp, ông Phan Văn Định đề nghị ông Phạm Thâm làm Bí thư Tỉnh ủy thay cho mình và được Hội nghị chấp thuận. Phong trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh nổ ra, thực dân Pháp và tay sai đàn áp đẫm máu để dập tắt ngọn lửa đấu tranh và chúng càng để mắt tới những người Việt làm trong các công sở của chúng hơn. Viên công sứ LeOn Garnier về nước và người thay thế là công sứ Labocdo. Tên này có nhiều kinh nghiệm trong công tác tình báo, gián điệp nên rất cảnh giác với lái xe Phan Văn Định.

Một hôm hắn bất ngờ xộc vào ga ra kiểm tra nhưng ông Phan Văn Định đã cất giấu khá kỹ tài liệu nên hắn không phát hiện được gì nhưng ông Định vẫn nằm trong tầm ngắm về sự nghi ngờ của hắn. Đầu tháng 10-1930, nhiều đảng viên của Đảng bộ Quảng Nam bị bắt,tra khảo trong đó có Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên, nơi in báo, tài liệu, hội họp của Tỉnh ủy bị bọn mật thám bí mật xâm nhập, khám xét... Biết được việc này, ông Phan Văn Định báo cáo tình hình với Xứ ủy Trung Kỳ và thông báo cho tất cả đảng viên phải giấu kín tài liệu mật. Như thường lệ, sáng ngày 22-10-1930 viên công sứ Labocdo gọi Phan Văn Định chở đi Đà Nẵng. Sau khi làm việc với Tổng đốc Nam-Ngãi Ngô Đình Khôi xong, hắn bảo Phan Văn Định quay về Hội An. Mới đi được một đoạn thì hắn ra hiệu dừng xe rồi đưa tay chỉ cho ông Định ngồi sang ghế bên, nhường tay lái cho hắn. Hắn cầm vô lăng rồi nhìn vào mặt Phan Văn Định buông giọng đầy vẻ mỉa mai:

-Từ trước đến giờ Bí thư Tỉnh ủy lái xe cho công sứ. Bây giờ công sứ lái xe cho Bí thư Tỉnh ủy nhé.

Dứt lời, hắn lao xe vùn vụt vào đồn lính khố xanh gần đó. Thế là Phan Văn Định bị bắt, kết án 8 năm, giam ở nhà lao Quảng Nam và chuyển xuống nhà lao Hội An rồi đày đi Lao Bảo, Quảng Trị. Ra tù, ông Phan Văn Định tiếp tục tham gia cách mạng, là sĩ quan cao cấp của Quân khu 4 cho đến khi nghỉ hưu, sống cùng gia đình tại TP Vinh, Nghệ An. Sau ngày đất nước thống nhất 1975, ông Phan Văn Định đã nhiều lần trở vào thăm Đà Nẵng, Quảng Nam, mảnh đất mà buổi ban đầu còn ngập chìm trong bóng đêm của thực dân, phong kiến được ông và các đồng chí thân yêu của ông gieo những hạt giống cách mạng đầu tiên đã nảy mầm tươi tốt. Do tuổi cao, sức yếu, năm 1984, ông Phan Văn Định qua đời!

THÁI MỸ

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_205958_bi-thu-tinh-uy-lai-xe-cho-cong-su-phap.aspx