Bị tố gian lận với bức ảnh Mặt Trăng, Samsung có đáng trách?

Bức ảnh Mặt Trăng đã khiến Samsung nhận nhiều chỉ trích, nhưng theo các chuyên gia, việc 'tô vẽ' cho những bức ảnh là điều mà mọi smartphone hiện nay đang làm.

 Hai bức ảnh được đăng tải trên Reddit khiến Samsung bị tố gian lận. Ảnh: The Verge.

Hai bức ảnh được đăng tải trên Reddit khiến Samsung bị tố gian lận. Ảnh: The Verge.

Trong tuần này, Samsung trở thành tâm điểm gây tranh cãi khi một bức ảnh chụp Mặt Trăng từ điện thoại của hãng bị tố là “giả tạo”.

Cụ thể, một người dùng trên Reddit đã tạo một bức ảnh mờ về Mặt Trăng, sau đó chụp lại bằng camera trên Galaxy S23 Ultra. Kết quả cho thấy, camera của Samsung đã tự động “vẽ” thêm một số chi tiết không có thật, nhằm tạo ra hình ảnh rõ nét hơn. Bức ảnh Mặt Trăng đã khiến Samsung nhận về nhiều chỉ trích, một số người cho rằng đây chẳng khác gì một “trò bịp bợm AI”.

Tính năng chụp Mặt Trăng trên Galaxy S23 gây tranh cãi. Ảnh: Unwire.

Tuy nhiên, theo The Verge, điều Samsung làm không hẳn là đáng trách. Việc “tô vẽ” cho những bức ảnh chất lượng thấp vốn là điều mà mọi smartphone hiện nay đang làm. Hơn nữa, sự thật là đa số ảnh chụp bầu trời đêm đều được làm giả nhiều chi tiết để trông đẹp mắt hơn.

Mọi camera đều “nịnh mắt” người dùng

Máy ảnh trên điện thoại thông minh được cài đặt sẵn rất nhiều kỹ thuật để tạo ra những bức ảnh “nịnh mắt” người dùng nhất, bao gồm cả tính năng tăng độ nét. Ngay cả khi chúng ta tắt mọi chế độ làm đẹp và tối ưu hóa, hình ảnh vẫn được xử lý để làm sáng khuôn mặt và làm nổi bật các chi tiết nhỏ ở đúng vị trí.

Tính năng Face Unblur trên điện thoại Google Pixel là một ví dụ. Nếu khuôn mặt của đối tượng bị mờ do chuyển động, thiết bị sẽ sử dụng công nghệ máy học, kết hợp hình ảnh từ camera góc rộng với camera chính để mang lại hình ảnh sắc nét hơn. Face Unblur cũng có sẵn trong thiết bị, người dùng không phải thực hiện bất kỳ thao tác cài đặt nào để có được tính năng này.

Mọi camera của smartphone hiện nay đều được trang bị nhiều tính năng để tăng chất lượng hình ảnh. Ảnh: Slash Gear.

Tương tự như vậy, bức ảnh Mặt Trăng đã được Samsung thêm vào một vài chi tiết để tạo ra hình ảnh đẹp mắt và rõ nét hơn, dựa trên dữ liệu có sẵn từ bức ảnh mà người dùng chụp.

Như vậy, có khi nào khi chúng ta chụp ảnh một món ăn, thay vì làm cho hình ảnh rõ nét hơn, camera của Samsung sẽ tự động thêm một vài nhánh rau mùi để món ăn trông bắt mắt hơn không?

Câu trả là “không”, bởi những chi tiết được Samsung thêm vào không phải là ngẫu nhiên, chúng dựa trên dữ liệu sẵn có cộng thêm sự suy luận logic của AI. Hơn nữa, công nghệ của Samsung cũng chưa tinh vi đến vậy. Từ bức ảnh Mặt Trăng có thể thấy chất lượng hình ảnh vẫn khá thấp.

Đa số ảnh chụp trời đêm là giả

Nhiều hình ảnh bầu trời đêm tuyệt đẹp chúng ta thường thấy trên mạng hoặc có sẵn trong hình nền máy tính đều có một số chi tiết không có thật. Với công nghệ chỉnh sửa ảnh hiện nay, chúng ta có thể dễ dàng thêm vài ngôi sao lấp lánh vào bầu trời đen kịt hay thậm chí biến trăng lưỡi liềm thành trăng tròn chỉ bằng vài thao tác đơn giản.

Một bức ảnh được làm giả cực quang trên bầu trời đêm. Ảnh: Lynsey Schroeder

“Một trong những thủ thuật phổ biến là tô điểm cho bầu trời. Nhiều người sẽ lấy dải ngân hà từ một bức ảnh khác và đưa vào bức ảnh của mình. Một chuyên gia sẽ ngay lập tức phân biệt được thật giả, nhưng đa số mọi người thì không”, Lynsey Schroeder một nhiếp ảnh gia thiên văn chuyên nghiệp, cho biết.

Đây được xem là một vấn đề nhức nhối trong giới nhiếp ảnh thiên văn hiện nay. Năm 2019, National Geographic đã bị chỉ trích khi xuất bản một bức ảnh bầu trời đêm “giả tạo”.

Một bức ảnh thực tế về Mặt Trăng được chụp bằng iPhone. Ảnh: Tyler Nordgren

“Đôi khi những bức ảnh đó còn giành được giải thưởng và được công chúng biết đến nhiều hơn ảnh thật”, Schroeder chia sẻ.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả ảnh chụp bầu trời đêm đều là giả. Vẫn còn nhiều nhiếp ảnh gia có tâm, sẵn sàng dành thời gian và công sức để bắt được những khoảnh khắc đẹp diễn ra trong thực tế.

Chẳng hạn như nhóm của Schroeder, để chụp được bức ảnh đoạt giải về dải ngân hà từ San Manuel, Arizona, cô và đồng nghiệp đã cắm trại ở sa mạc cả đêm để chờ dải ngân hà vào đúng vị trí.

“Một khi bạn ngụy tạo dù chỉ là một chi tiết nhỏ, đó không còn là nhiếp ảnh nữa”, Schroeder nói.

Giải mã bí ẩn Thung lũng Silicon

Cuốn sách giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Thung lũng Silicon qua cái nhìn của người trong cuộc, đồng thời đưa ra những lời khuyên để giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp đi đúng hướng.

Kim Yên

Theo The Verge

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bi-to-gian-lan-voi-buc-anh-mat-trang-samsung-co-dang-trach-post1412594.html