Bị truy tố tội Rửa tiền, bố Giang Kim Đạt phải đối diện mức án nào?

Trong vụ án của Giang Kim Đạt, bố đẻ của bị cáo này là Giang Văn Hiển bị truy tố vào khoản 3 Điều 251 Bộ luật Hình sự, tội Rửa tiền. Theo các chuyên gia pháp lý, đây là tội danh rất hiếm khi xử lý ở nước ta.

Theo dự kiến từ ngày 21 đến 24.1, TAND TP.Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử Giang Kim Đạt và đồng phạm. Trong vụ án này, 3 bị cáo bị truy tố về tội Tham ô tài sản gồm Trần Văn Liêm (SN 1955, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) - nguyên Tổng giám đốc Vinashinlines, Giang Kim Đạt (SN 1977, ở Bình Thạnh, TP.HCM) - nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanh Vinashinlines, Trần Văn Khương (SN 1950, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) - nguyên Kế toán trưởng Vinashinlines.

Bị cáo Giang Kim Đạt.

Riêng bị cáo Giang Văn Hiển (SN 1950, ở quận 2, TP.HCM) - bố của Giang Kim Đạt - bị truy tố về tội Rửa tiền. Vậy hành vi này đã được bị cáo Hiển thực hiện thế nào?

Vụ án Giang Kim Đạt là một trong 6 vụ đại án tham nhũng, kinh tế được Ban thường trực Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo đưa ra xét xử từ nay đến cuối năm 2016 và đầu năm 2017.

Theo cáo trạng, để tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng về nguồn gốc bất hợp pháp của số tiền do phạm tội mà có, Giang Kim Đạt đã nhờ bố là Giang Văn Hiển đứng tên mở các tài khoản ngân hàng để nhận tiền giúp. Bị cáo Hiển đã trực tiếp làm thủ tục đứng tên mở 22 tài khoản ngoại tệ tại 4 ngân hàng trong nước gồm ACB, Eximbank, Sacombank và Vietcombank. Tổng cộng đã có 92 lần các công ty nước ngoài chuyển tiền vào tài khoản của Giang Văn Hiển. Tổng cộng số tiền Giang Văn Hiển đã nhận thông qua các tài khoản ngân hàng kể trên là gần 16 triệu USD, tương đương hơn 260 tỷ đồng.

Sau khi có tiền trong các tài khoản, Giang Văn Hiển rút ra chuyển tiền mặt cho Giang Kim Đạt; mua 40 bất động sản gồm nhà, đất đứng tên Giang Văn Hiển và người thân cho gia đình; chuyển nhượng, cho tặng bất động sản và mua đi bán lại 13 ô tô đứng tên Giang Văn Hiển.

Với hành vi trên, trong quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã khởi tố Giang Văn Hiển về các tội Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; Không tố giác tội phạm; khởi tố bổ sung tội Tham ô tài sản. Tuy nhiên, xét hành vi khách quan, ý thức chủ quan của Giang Văn Hiển, vào cuối tháng 4.2016, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã có quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can đối với Giang Văn Hiển sang tội Rửa tiền. Chuyển sang giai đoạn truy tố, bị cáo Giang Văn Hiển bị truy tố vào khoản 3 Điều 251 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ 8 đến 15 năm tù.

Theo luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), căn cứ vào Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC, hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự, Rửa tiền là tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác liên quan đến tiền, tài sản nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản là việc thực hiện, hỗ trợ thực hiện hoặc thông qua người khác để thực hiện, hỗ trợ thực hiện bằng các hành vi như gửi tiền và mở tài khoản ở ngân hàng; cầm cố, thế chấp tài sản; cho vay, ủy thác, thuê, mua tài chính; chuyển tiền, đổi tiền... nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản đó.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/phap-luat/bi-truy-to-toi-rua-tien-bo-giang-kim-dat-phai-doi-dien-muc-an-nao-739909.html