Bị uy hiếp nhưng công an đến lại kêu công an về

Án sơ thẩm bị hủy vì chưa làm rõ ý thức chủ quan của người bị hại về việc bị giữ tại quán cà phê là có trái ý muốn hay không.

Cơ quan CSĐT Công an quận Tân Bình, TP.HCM đang điều tra lại vụ bắt giữ người trái pháp luật mà TAND TP.HCM đã hủy án theo thủ tục chung từ tháng 6-2016. Ông Phan Văn Hùng, một trong bốn bị cáo của vụ án cho biết đã nhận được giấy triệu tập để lấy lời khai.

Ở quán từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều

Theo hồ sơ, từ năm 2009 đến 2014, ông Hùng và ông LVM có quan hệ làm ăn trong lĩnh vực san lấp mặt bằng. Ông M. nợ tiền của ông Hùng. Tháng 6-2014, ông Hùng được một người quen gọi điện thoại báo tin đã tìm được nơi cư trú của ông M. Người này cũng cho hay là ông M. mới trúng hợp đồng nên sẽ có tiền trả nợ. Hay tin, ông Hùng đi từ TP Cần Thơ lên TP.HCM để đòi nợ.

Sáng sớm 16-7-2014, ông Hùng cùng hai người nữa canh me trước nhà ông M. ở đường Hà Huy Giáp, phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM. Khi thấy ông M. chạy xe ra, ông Hùng nói một người chạy theo xem, nếu đúng là ông M. thì giữ lại và đưa vào quán ông Hùng đang ngồi để ông làm việc.

Sau khi nói chuyện tại quán cà phê ở quận 12 không xong, cả nhóm đưa ông M. lên xe taxi đến quán cà phê ở đường Trường Sơn, phường 2, quận Tân Bình để gặp ông B. (một chủ nợ khác của ông M.). Tại đây, một nhóm ba người khác (chưa rõ lai lịch, do ông B. kêu đến) đã có những lời lẽ, hành động uy hiếp tinh thần, đe dọa đánh đập, chích tàn thuốc vào mặt, yêu cầu ông M. trả nợ, viết giấy nợ. Những người này câu lưu ông M. ở quán cà phê suốt từ 9 giờ sáng đến hơn 16 giờ cùng ngày. Trong thời gian này ông M. có gọi về cho vợ để mang giấy tờ nhà đất đến và trên đường đến quán thì bà này đã báo cho công an phường.

Lời khai của những người liên quan, nhân chứng và vợ chồng ông M. cũng như qua trích xuất đoạn ghi trong camera của quán cho thấy khoảng 13 giờ, hai chiến sĩ công an phường đến để xác minh tin tố giác của vợ ông M. do không thấy gì bất thường nên hai công an đi về. Sau đó vợ ông M. tiếp tục gọi điện thoại cầu cứu thì đến 16 giờ, công an phường đến quán cà phê và mời cả nhóm về phường làm việc. ông Hùng, ông b. và hai người đi cùng ông Hùng cùng bị khởi tố về tội bắt giữ người trái pháp luật theo khoản 1 Điều 123 BLHS.

Ông Phan Văn Hùng trình bày sự việc. Ảnh: P.LOAN

Ông Phan Văn Hùng trình bày sự việc. Ảnh: P.LOAN

Đầu năm 2016, xử sơ thẩm, TAND quận Tân Bình tuyên phạt ông Hùng và hai bị cáo khác một năm sáu tháng ba ngày tù (bằng thời gian tạm giam và được tự do tại phiên tòa). Bị cáo còn lại không bị tạm giam thì bị tòa tuyên một năm tù nhưng cho hưởng án treo. Theo tòa, các bị cáo có hành vi đe dọa dùng vũ lực để buộc ông M. đến quán cà phê và giữ ông từ 9 giờ đến 16 giờ. Tuy các bị cáo không thừa nhận hành vi nhưng căn cứ vào các chứng cứ khác trong hồ sơ thì đã có cơ sở kết luận các bị cáo đã phạm tội như cáo buộc của VKS.

Chưa rõ có bắt giữ hay không

Ba bị cáo không kháng cáo, riêng ông Hùng kháng cáo kêu oan. Ông Hùng cho rằng mình chỉ bàn bạc chuyện tiền nong, nợ nần với ông M., không có hành vi nào vi phạm pháp luật vì quán cà phê khá đông người.

Tháng 6-2016, TAND TP.HCM xử phúc thẩm vụ án. Tại tòa, ông Hùng khai ông từ Cần Thơ lên Sài Gòn để lấy tiền nợ và khó khăn lắm mới gặp được ông M. Do không giải quyết được nên mới đưa ông M. đi gặp ông H. để ba mặt một lời, giải quyết cho xong. Bị cáo không thuê hay nhờ người khác bắt giữ hay đánh đập và không có hành vi nào áp đảo tinh thần ông M…

Luật sư bào chữa cho ông Hùng thì đề nghị tòa tuyên bố ông không phạm tội.

Đại diện VKSND TP.HCM phát biểu: “Căn cứ các lời khai và đối chiếu camera tại quán thì quá trình điều tra chưa làm rõ được ý chí chủ quan của người bị hại khi đi theo và khi ở quán cà phê. Do đó, không rõ ông M. có thể hiện sự phản kháng đối với việc bị bắt giữ hay không”. Từ đó đại diện VKS đã đề nghị hủy án sơ thẩm về phần tội danh và hình phạt.

Tòa phúc thẩm nhận định khi công an phường đến quán cà phê để xác minh thì vợ chồng ông M. không có thái độ phản kháng hay kêu gọi sự hỗ trợ nên công an đã ra về. Ngoài ra, vợ chồng ông M. còn đồng tình ngồi tại quán đến tận 16 giờ cùng ngày. Trong khi cấp sơ thẩm chưa làm rõ được ý thức chủ quan của ông M. đối với việc ông bị giữ tại quán cà phê là trái ý muốn của ông hay không. Thậm chí vợ ông M. còn khai là khi công an phường đến thì mọi người nói không có gì nên họ mới ra về.

Từ đó HĐXX cấp phúc thẩm đồng tình với quan điểm của VKS, tuyên hủy án để điều tra, xét xử lại với tất cả bị cáo về phần tội danh và hình phạt.

Thế nào là bắt giữ người trái pháp luật?

Khoản 1 Điều 123 BLHS 1999 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009 quy định: “Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm”. Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật được hiểu là các hành vi ngăn cản, tước đoạt sự tự do hoạt động, tự do dịch chuyển thân thể của người khác trái với những quy định của pháp luật về căn cứ, thẩm quyền và thủ tục.

PHƯƠNG LOAN

Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/bi-uy-hiep-nhung-cong-an-den-lai-keu-cong-an-ve-694580.html