Bị xử lý nồng độ cồn rồi tự đốt xe, là hành vi trái pháp luật

Hành vi tự đốt xe của chủ xe khi lực lượng cảnh sát giao thông đang xử lý vi phạm nồng độ cồn là hành vi trái pháp luật, gây cản trở người thi hành công vụ.

Mới đây PLO có thông tin "Người điều khiển bị xử lý nồng độ cồn, chủ xe đốt luôn xe của mình", sự việc đã được một số người dân quay lại video đưa lên mạng xã hội khiến không ít người bức xúc. Trong khi đó, một số người thắc mắc không biết hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào.

Trong một nhóm trên mạng xã hội, thành viên CQĐ bình luận: “Lại đi tù vài năm hoặc phạt hành chính thêm vài triệu”. Trong khi đó, tại một fanpage đăng tải clip đã có hàng trăm ý kiến khác nhau. Một người để lại bình luận: “Cần xử lý hành vi hủy hoạt tài sản, gây mất trật tự công cộng".

 Hành vi tự đốt xe của chủ xe khi lực lượng cảnh sát giao thông đang xử lý vi phạm nồng độ cồn là hành vi trái pháp luật, gây cản trở người thi hành công vụ.

Hành vi tự đốt xe của chủ xe khi lực lượng cảnh sát giao thông đang xử lý vi phạm nồng độ cồn là hành vi trái pháp luật, gây cản trở người thi hành công vụ.

Liên quan đến sự việc, Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, trong trường hợp này, sau khi kiểm tra nồng độ cồn, lực lượng chức năng đã xác định người điều khiển xe máy có nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/lít hít thở. Hành vi trên đã vi phạm nồng độ cồn.

Căn cứ điểm e khoản 8 điều 6 Nghị định 100/2019 quy định: phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe điều khiển xe trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí hít thở. Theo đó, khi kiểm tra nồng độ cồn và phát hiện người điều khiển xe có hành vi vi phạm nồng độ cồn thì lực lượng cảnh sát giao thông có quyền lập biên bản xử lý về hành vi vi phạm nồng độ cồn trên và quyết định tạm giữ xe máy.

Hành vi tự đốt xe của chủ xe, khi lực lượng cảnh sát giao thông đang xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn là trái pháp luật, gây cản trở người thi hành công vụ. Trong trường hợp trên, chiếc xe máy là tang vật và là cơ sở để lực lượng cảnh sát giao thông tiến hành lập biên bản xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn và chiếc xe có thể bị tạm giữ. Hành vi tự đốt xe của chủ xe đã trực tiếp gây cản trở lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện công vụ. Căn cứ điều 330 Bộ luật hình sự năm 2015, hành vi tự đốt xe của chủ xe có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ.

Đồng thời, việc chủ xe máy bất ngờ mở nắp bình xăng, lấy bật lửa tự đốt xe tại khu vực đường giao thông là tại nơi công cộng. Hành vi này có thể gây ùn tắc giao thông hoặc ảnh hưởng đến an toàn của những người tham gia giao thông khác. Căn cứ khoản 1 điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Như vậy, hành vi tự đốt xe của chủ xe còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng.

Tùy vào việc cơ quan chức năng điều tra cụ thể như tính chất hành vi, mức độ, hậu quả, lỗi để có hành vi xử lý tương ứng, phù hợp. Nếu thấy chưa tới mức xử lý hình sự và do sự nhận thức có phần hạn chế thì tôi cho là cần có hình thức xử phạt hành chính theo quy định.

XUÂN THỦY

Nguồn PLO: https://plo.vn/bi-xu-ly-nong-do-con-roi-tu-dot-xe-la-hanh-vi-trai-phap-luat-post762544.html