Bia ký trên đỉnh núi Hùng

Trong sâu thẳm tâm thức của mỗi người con đất Việt, Đền Hùng và ngày Giỗ Tổ Hùng Vương từ bao đời nay đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh, được vun đắp qua nhiều thế hệ, trở thành điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng dân tộc. Nơi đây còn lưu giữ nhiều hiện vật quý báu, trong đó có những tấm bia đá đặt tại các đền trên núi Nghĩa Lĩnh...

Hàng ngày, ông Hoàng Xuân Dũng- Thủ từ Đền Thượng dành thời gian tìm hiểu về ý nghĩa các tấm bia đá đặt tại nhà quan cư.

Trong tiết trời tạnh ráo của những ngày cuối Xuân, anh Nguyễn Văn Vinh ở quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng cùng hơn 40 đồng nghiệp đã về Đất Tổ để thắp nén tâm hương tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân đã có công dựng nước. Vãn cảnh núi non hùng vĩ, tận hưởng không khí trong lành và thả hồn trong tiếng chuông ngân vọng lại từ chùa Thiên Quang, anh Vinh chăm chú đọc từng dòng chữ khắc trên tấm bia đá đặt tại gác Tam Quan thuộc khu vực đền Hạ. Đó là bia ghi việc làm đường lên núi miếu Hùng.

Bia có hai mặt một mặt viết chữ Hán, một mặt viết chữ quốc ngữ. Nội dung bia ghi việc bà Lê Thị Trại người xã Thị Cầu, tỉnh Bắc Ninh đã tự nguyện bỏ ra 1.000 đồng Đông Dương để xây dựng đường bậc lên xuống núi Hùng. Bia được lập ngày mồng 1 tháng 11 năm Đinh Tỵ niên hiệu Khải Định thứ 2 (1917).

Nội dung bia đá có đoạn như sau: “Trên núi Hùng có miếu thờ Hùng Vương. Các núi khác đều chầu vào, riêng núi này cao đẹp nhất. Bên sườn núi có đường đi vốn gập ghềnh khúc khuỷu. Trước đây tuy có sửa sơ qua nhưng dáng núi dựng như bức tường, bậc cao như nấc thang, mỗi khi có mưa xuống thì hư hại, đường lầy sụt. Lên núi rất khó nhọc, mong đá được mài nhẵn, tên được sửa nhọn, như thơ trong Kinh thi, đại để phải chờ đợi. Nay, mùa xuân, tháng ba, có mở hội rước thần, người xa gần đến lễ bái, chen vai nhau mà đi. Bà chủ hiệu Nghĩa Lợi, vốn là người buôn bán lớn ở Hà Nội đến dâng hương, thấy đường lên núi khó khăn, lòng thành tự nhiên khởi phát, xin tự nguyện bỏ ra 1.000 đồng để tu sửa đường. Bèn thuận theo sở nguyện, bàn bạc với quan ở tòa Công chính lo việc trù liệu, làm công việc lớn, lại được vị Gai Y Gia tán thành, lấy vị trưởng quan ở sở Công chính trong tỉnh giỏi khéo quán xuyến công việc. Rồi sai người thiết kế, đo dài ngắn, chỗ nào cao hạ thành thấp, chỗ nào khúc khuỷu sửa thành thẳng, chỗ nào hẹp sửa cho rộng, chỗ nào gập ghềnh lấp cho phẳng. San sửa thành từng bậc rồi xây, dùng bằng đá cho được bền lâu. Khởi công từ ngày mồng 10 tháng 8, đến ngày mồng 1 tháng 11 thì hoàn thành. Từ đây lên núi vào miếu theo bậc mà lên do con đường này, không phải khốn đốn bỏ nhiều sức lực, mọi người để hết lòng thành vào việc lễ bái, việc đó đáng nói là việc thiện vậy!...”.

Đọc đến đây, anh Vinh xúc động chia sẻ: “Điều đọng lại trong tôi - thế hệ sinh sau cảm thấy vô cùng biết ơn nghĩa cử của người đi trước thấy việc nghĩa là làm, không màng danh lợi hay tiếng tăm. Việc làm cao đẹp ấy của bà đã được ghi danh sử sách để con cháu muôn đời sau tưởng nhớ mỗi khi về với Đất Tổ Vua Hùng”.

Du khách tìm hiểu về công đức của nhà hảo tâm được khắc trên bia đá tại khu vực Đền Hạ.

Cùng với tấm bia đá ở đền Hạ, trong nhà quan cư tại đền Thượng còn có gắn ba bia đá ghi việc tu sửa đền Thượng. Tất cả đều được khắc bằng chữ Hán, có niên đại vào thời Nguyễn. Trong đó, đáng lưu ý bia số ba “Hùng Miếu kỷ niệm bia” được khắc vào mùa Xuân năm Quý Hợi, niên hiệu Khải Định thứ 8 (1923) có đoạn ghi: “...Thử nghĩ, 25 triệu con cháu chúng ta, chẳng phải ra đời từ một bọc (trăm trứng) của Lạc Long Quân và Âu Cơ ấy sao? Từ đó, lúc mạnh thì thắng, lúc yếu thì thua, bởi các nước mạnh thôn tính. Thế giới do đó được bảo vệ sinh tồn bằng máu thịt. Trong thời gian ấy, thần tổ sinh bọc trăm trứng luôn phù hộ con cháu. Hàng ngày đang thắp hương thờ cúng thơm tho nơi miếu thờ vua tổ là để báo nguồn, báo nghĩa...”. Hiện tại, ba bia đá này được bảo quản cẩn thận, thuận tiện cho du khách thập phương chiêm bái.

Ông Hoàng Xuân Dũng- Thủ từ đền Thượng cho biết: “Được giao trọng trách chăm sóc, bảo quản khu vực đền Thượng, hàng ngày tôi không chỉ hướng dẫn du khách thực hành nghi lễ thờ cúng theo đúng quy định mà còn dành thời gian nghiên cứu về ý nghĩa của các tấm bia đá để nâng cao hiểu biết. Từ đó, tuyên truyền cho đồng bào, du khách thập phương nâng cao ý thức gìn giữ bia đá như báu vật và giải thích mỗi khi du khách thắc mắc”.

Bia ký tại chùa Thiên Quang hay đền Thượng cùng nhiều tấm bia đá còn được lưu giữ tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng ngày nay chủ yếu ghi lại quá trình trùng tu, tôn tạo các đền chùa trong di tích, ca ngợi công đức của các Vua Hùng và lịch sử lễ hội ngày 10/3 âm lịch cùng việc chuẩn bị lễ phẩm và thực hiện những nghi lễ dâng cúng Tổ tiên.

Nói về giá trị của những tấm bia đá đặt ở núi thiêng Nghĩa Lĩnh, Nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Tiến Khôi - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Phú Thọ, nguyên Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đánh giá: “Văn bia là một tác phẩm thành văn được ghi trên đá có tính quan trọng và tầm ảnh hưởng lớn mang tính lịch sử. Những tấm bia đá ở Đền Hùng ghi lại công lao to lớn của các Vua Hùng trong việc dựng nước và lịch sử ngày Giỗ Tổ 10/3; cùng với sự đóng góp công đức của những nhà hảo tâm trong việc tu bổ Đền Hùng. Do đó, chúng ta cần hiểu, trân trọng và phát huy hơn nữa những giá trị của cha ông để lại”.

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam từ buổi đầu các Vua Hùng chọn đất đóng đô, chọn được đất linh, đất đẹp sơn chầu thủy tụ hay ghi nhớ công đức của các Vua Hùng đã thôi thúc ông cha ta chép lại, tạc lại bằng những mỹ tự trên bia đá lưu đến muôn đời sau.

Hồng Nhung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/den-hung/bia-ky-tren-dinh-nui-hung/210050.htm