Bích Câu Đạo quán - Chứng tích Đạo Giáo Thần tiên tại kinh thành Thăng Long

Di tích Bích Câu Đạo Quán tọa lạc tại số 14 phố Cát Linh (phường Cát Linh, quận Đống Đa), đã được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia năm 1990. Hàng năm, người dân mở hội vào mồng 4/2 âm lịch, kỷ niệm ngày thành đạo của Tiên Ông.

Được xây dựng từ Thế kỉ XV với lối kiến trúc độc đáo, di tích hiện nay còn lưu giữ lại những thánh tích phản ánh nội dung tín ngưỡng của người Việt.

Màn rước kiệu về Di tích Bích Câu Đạo Quán trước khi tiến hành lễ hội truyền thống.

Nơi hội tụ của những tài năng văn chương

Theo sử sách ghi lại, Bích Câu Đạo Quán được xây dựng vào thời Lê Thánh Tông (thế kỷ XV) - là nơi để các đạo sĩ đến luyện phép trường sinh và thờ cúng thần tiên. Sang thế kỷ XVII, đạo Giáo suy thoái, phần lớn các quán dần trở thành đền, chùa. Trong khuôn viên Bích Câu Đạo Quán cũng có thêm chùa và điện thờ Mẫu.

Theo truyện “Bích Câu kỳ ngộ ký” của Đoàn Thị Điểm có ghi, vào đời vua Lê Thánh Tông (1442-1479) có chàng trai nhà nghèo tên là Trần Tú Uyên, chỉ dựng được một căn lều tạm bên ngòi nước ở phường Bích Câu làm nơi ăn học. Một hôm đi xem hội ở chùa Ngọc Hồ (tức chùa Bà Ngô, nay thuộc phường Quốc Tử Giám) chàng gặp tiên nữ Giáng Kiều, hai người cảm mến và yêu nhau nhưng do người trần thế, kẻ thiên đình mà không đến được với nhau.

Để được sống gần người yêu, nàng Giáng Kiều đã hóa phép náu mình vào bức họa rồi hiện hình thành người trần thế chung sống với chàng. Họ sinh được một con trai đặt tên là Châu Nhi. Sau này Tú Uyên sinh ra phóng đãng, uống rượu, bỏ học hành. Khuyên can chồng không được, Giáng Kiều tức giận bỏ về trời. Tú Uyên sống một mình hiu quạnh, buồn bã toan tự tử thì Giáng Kiều lại xuất hiện khuyên bảo chồng chú tâm học nghề thuốc cứu người. Tú Uyên nghe lời vợ học hành thành đạt, cứu chữa cho người dân quanh vùng. Được một thời gian thì cả hai cùng cưỡi Hạc bay về trời.

Sáng nay 13/3 (tức 4/2 âm lịch), Lễ hội Truyền thống Di tích Bích Câu Đạo Quán được tổ chức với nhiều hoạt động như: Lễ dâng hương, tế lễ, trình diễn thư pháp, giao lưu văn nghệ truyền thống… Các hoạt động này tạo nên những nét đặc sắc, có sức ảnh hưởng và lan tỏa mạnh mẽ các giá trị văn hóa truyền thống đến cộng đồng dân cư.

Di tích Bích Câu Đạo Quán thuộc làng An Trạch, thờ Đức tiên ông Trần Tú Uyên làm Thành hoàng làng. Sau nhiều năm chiến tranh, loạn lạc, Bích Câu Đạo Quán bị đổ nát. Đời vua Gia Long, tổng trấn Bắc thành là Lê Chất cho tu sửa lại.

Trong thời kỳ toàn quốc kháng chiến, Bích Câu Đạo Quán là trụ sở của Ủy ban Kháng chiến Hàng Bột. Sau này, bị quân Pháp phá hủy và đến năm 1953 Nhân dân khôi phục lại như hiện nay.

Ngoài việc thờ phụng Đức tiên ông Trần Tú Uyên, Bích Câu Đạo Quán còn là nơi hội tụ của các vị tao nhân, mặc khách đến xin thư, ca, phú, dâng thơ, vịnh thơ, xin đơn thuốc đều linh nghiệm. Các vị quan lại, nho sinh học và làm việc ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng thường qua lại quán, biến nơi đây thành địa điểm tụ hội của những tài năng văn chương trong cả nước.

Màn trống hội mở màn Lễ hội Truyền thống Di tích Bích Câu Đạo Quán diễn ra sáng 13/3.

Mang đặc trưng của kiến trúc truyền thống

Bích Câu Đạo Quán ngày nay nằm quay mặt ra hướng Nam (nhìn ra phố Cát Linh). Tổng thể các công trình kiến trúc hiện nay của di tích gồm: Nghi môn, Tiền tế, Hậu cung, nhà Mẫu, nhà Khách. Kiến trúc chính của đền Bích Câu được làm theo dạng chữ “đinh” dạng “tiền đao hậu đốc” gồm Tiền tế và Hậu cung.

Bích Câu Đạo Quán còn bảo lưu được một số di vật phản ánh nội dung tín ngưỡng của di tích, như: 3 pho tượng đạo Lão (gồm Tiên Ông, Tiên Bà, Tiên Con), khám thờ, hương án, hoành phi, cửa võng, câu đối, biển gỗ, hạc thờ, chấp kích… đều được chạm khắc đẹp, chau chuốt tạo cho di tích trở nên linh thiêng, huyền bí.

Hàng năm, Nhân dân mở hội vào mồng 4/2 âm lịch kỷ niệm ngày thành đạo của Tiên Ông, ngày mồng 3/6 kỷ niệm ngày Chân Nhân bay về trời và ngày 12/8 ngày sinh của Tiên Ông cũng là lễ hội chính của đền.

Trong ngày hội chính có các chương trình lễ tụng kinh thỉnh Phật, thỉnh Thánh, tế lễ. Đặc biệt, sau phần lễ là chương trình văn nghệ biểu diễn ca trù và hoạt cảnh Tiên Ông tu học, làm thuốc cứu người rồi gặp tiên nữ.

Các hoạt động diễn xướng truyền thống tại lễ hội.

Bích Câu Đạo Quán là một di tích tiêu biểu minh chứng cho Đạo giáo thần tiên đã tồn tại trong đời sống người dân Thăng Long và cũng là một địa chỉ được nhiều du khách thăm quan, chiêm bái. Bích Câu Đạo Quán gắn liền với truyền thuyết về mối duyên kỳ ngộ giữa nàng tiên Giáng Kiều và chàng trai họ Trần Tú Uyên nơi hạ giới, gửi gắm ước mơ người và tiên hòa hợp của nhân gian. Nơi đây được xem như sự khởi đầu của việc truyền bá những tư tưởng của Đạo Lão trong tôn giáo ở Việt Nam.

Đàm Mai

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bich-cau-dao-quan-chung-tich-dao-giao-than-tien-tai-kinh-thanh-thang-long.html