Bích họa và khoan cắt bê tông

Khi những bức tranh tường (bích họa) ở Hà Nội bỗng xuất hiện ngày càng nhiều, có hai luồng ý kiến khác nhau. Một cho rằng nó làm cho đường phố đẹp hơn. Một bên ý kiến lại theo chiều hướng khác. Có nghĩa là có khen cũng lại có chê. Hay là khen một ít chê một ít. Để thấy rằng việc gì cũng cần phải được tìm hiểu tới nơi tới chốn để tránh khả năng quá đà.

Tường một ngôi nhà trong làng bích họa Tam Thanh (Tam Kỳ - Quảng Nam).

Bích họa theo nghĩa là nghệ thuật vẽ tranh trên tường, đã tồn tại trên thế giới cả nghìn năm. Ở Việt Nam cũng không thiếu gì khi ta hiểu những bức vẽ trên các bức vách đình chùa, nhà thờ đều được gọi chung là bích họa. Nếu ở những ngôi chùa miền Bắc, hình ảnh quen thuộc trên các bức bích họa là các sự tích rút ra từ kinh Phật được thể hiện với các tông màu giản dị thì bích họa trong các ngôi chùa Nam Bộ rực rỡ với các tông màu tươi vui. Đặc sắc và thường là những bức bích họa khổ lớn là tranh trong các nhà thờ…

Với văn hóa dân gian thuần Việt, đình miếu, nhà thờ họ tộc đều có bích họa hồn nhiên, ngộ nghĩnh về các loài vật… Những bức bích họa đó mang những niềm tin tôn giáo, thể hiện các điển tích điển cố và ít nhiều gửi gắm cả những bài học nhân quả của giáo lý tôn giáo.

Nói như thế để thấy, suy cho cùng việc vẽ tranh lên tường không phải là mới mẻ.

Trong những bức bích họa kể từ khi hội họa phương Tây vào Việt Nam, có thể kể đến bức tranh tường rất lớn ở giảng đường Đại học Đông Dương, số19 Lê Thánh Tông (Hà Nội). Bức tranh rộng 80m2 do đích thân họa sĩ Victor Tardieu - Hiệu trưởng đầu tiên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, vẽ. Trong bức bích họa khổng lồ ấy có khoảng 200 nhân vật, nghĩa là có đầy đủ các nhân vật quan trọng và đời sống xã hội Hà Nội lúc đương thời.

Trong đó chính giữa tranh là chiếc cổng tam quan và cây đại nép dưới tán đa cổ thụ, 2 bên cột tam quan ghi câu đối: Nhân tài quốc gia chi nguyên khí/ Đại học giáo hóa chi bản nguyên (Nhân tài là nguyên khí của quốc gia, Đại học là gốc của giáo dục). Còn ở cổng ghi dòng chữ: Thăng đường nhật thất (Lên giảng đường cũng như khi về nhà)…Có thể nói đó là một bức bích họa vừa lộng lẫy vừa sâu sắc cho giảng đường một trường đại học bậc nhất ở Đông Dương lúc bấy giờ.

Trên thế giới, bích họa là nghệ thuật cộng đồng rất phổ biến. Không kể những ngôi làng, những đường phố mà tranh tường nổi tiếng rực rỡ ở Mỹ, ở châu Âu thì thế giới người ta nhắc đến những bức bích họa trên vách nhà người dân ở Palestine, nơi mà các họa sĩ đã vẽ với mong muốn giúp người dân quên đi nỗi buồn chiến tranh đã kéo dài hơn nửa thế kỷ qua; tại Rio de Janeiro ở Brazil, các họa sĩ cũng đã thực hiện nhiều bức bích họa với màu sắc rực rỡ trên vách nhà của các cư dân khu ổ chuột, mong họ có thêm niềm tin vào tương lai…

Ngay cả ở những nơi trên thế giới mà hội họa có đẳng cấp cao hơn, bích họa cũng không bị quá so kè về chiều sâu nghệ thuật. Yếu tố thị giác của bích họa được chú trọng hơn cả ở màu sắc, bởi trong chừng mực có thể, bích họa đường phố có ý nghĩa mang đến niềm tin, niềm vui cho đông đảo công chúng bình dân là chính.

Và quan trọng nhất, yếu tố nhân văn trong việc vẽ lên một bức tranh đường phố mới là đáng kể.

Xét ở những góc độ này, làng bích họa đầu tiên của Việt Nam nằm tại xã Tam Thanh (Tam Kỳ, Quảng Nam), một dự án do các họa sĩ Hàn Quốc giúp đỡ thực hiện cách đây vài năm, là một nét văn hóa đáng trân trọng. Vốn là một làng chài nghèo, làng bích họa Tam Thanh giờ đây đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn nhờ hàng trăm bức tranh tường rực rỡ, sinh động.

Cả một đoạn đê sông Hồng chạy qua Hà Nội cũng vậy, con đường gốm sứ đã phủ lên đó một màu sắc khác. Chỉ tiếc là những dự án cộng đồng như vậy, chưa bao gồm việc thay đổi nhận thức của cả cộng đồng trong việc giữ gìn và làm cho nó đẹp hơn.

Tuy nhiên, khi gần đây sau phố Phùng Hưng, người ta thấy bích họa xuất hiện trên phố Phan Đình Phùng và nhiều khu phố khác, thì những ý kiến tranh luận trở lên rộng rãi hơn.

Mọi sự so sánh đều khập khiễng, khi nhìn những bức tường vẽ tranh hôm nay, ta nghĩ về những bức tường được tranh thủ để vẽ quảng cáo và rao vặt, đủ mọi thứ, từ khoan cắt bê tông đến thông bể phốt… Đã từng có một thời, hễ có mảng tường nào trống là có quảng cáo. Cho nên, đương nhiên, tường để vẽ bích họa thì còn hơn là để rao vặt - nếu so sánh, có thể có ngay một mệnh đề như vậy.

Chúng tôi, một lần nữa khẳng định rằng những bức bích họa hồn nhiên, tươi đẹp, thậm chí còn mang tính giáo dục là một hoạt động đầy tính nhân văn. Khi đặt nét bút vẽ, bất kể trẻ em hay là họa sĩ, người lớn đều mong muốn đem lại lợi ích cho cộng đồng. Nhưng vẽ tranh lên tường, cũng như cuộc sống, cần sự tiết chế. Vẽ ở đâu, vẽ như thế nào, phố nào cần tranh tường, phố nào không… lại đòi hỏi một tư duy thẩm mỹ khác, của các nhà quản lý đô thị. Nếu không, đến lúc nào đó, khắp Hà Nội lòe loẹt tranh tường, thì thực ra nó cũng không hơn “khoan cắt bê tông” là mấy!

Cẩm Thúy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/bich-hoa-va-khoan-cat-be-tong-tintuc420676