BIDV xin giảm nhẹ hình phạt cho các cựu lãnh đạo

Ngày 29/10, phiên tòa xét xử 12 bị cáo trong vụ gây thiệt hại nghiêm trọng tại ngân hàng BIDV tiếp tục với phần tranh luận.

Tại phiên tòa, Luật sư Nguyễn Huy Thiệp - người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho BIDV cho biết, trong vụ án này, BIDV được xét là bị hại, vì vậy có quyền đề nghị mức hình phạt với các bị cáo, đưa ra mức bồi thường và phương án bồi thường với thiệt hại tại BIDV.

Luật sư cũng đánh giá mức độ sai phạm của các cựu cán bộ tại BIDV và nêu lên những đóng góp của các cựu cán bộ này, đặc biệt là 2 bị cáo Trần Lục Lang và Đoàn Ánh Sáng.

Các bị cáo tại phiên xét xử.

Các bị cáo tại phiên xét xử.

Luật sư Thiệp cho rằng, bản chất hoạt động ngân hàng là hoạt động kinh doanh rủi ro, những khoản vay đều có khả năng rủi ro. Đối với khoản vay của Công ty Bình Hà, đây là dự án nông nghiệp được ưu tiên phát triển, được tỉnh Hà Tĩnh ủng hộ và BIDV đã giải ngân đúng địa chỉ, đúng đơn vị.

Theo Luật sư, thời gian đầu, Công ty Bình Hà trả đều lãi. Sau khi gặp khó khăn, chi phí tại doanh nghiệp này đã bị đẩy lên cùng với đó là ảnh hưởng nặng nề của bão khiến dự án không đạt được mong muốn như ban đầu, thậm chí phát sinh khoản nợ dẫn đến BIDV có khoản nợ xấu. Sau khởi tố, dư nợ gốc của Công ty Bình Hà là hơn 1.250 tỷ đồng. Công ty Bình Hà phải có nghĩa vụ trả nợ cả gốc và lãi cho BIDV. Công ty này sau đó đã có phương án tái cơ cấu, chuyển một phần sang trồng chuối nhưng vì vướng vào vụ án, vườn chuối không có người chăm sóc, thu hoạch nên không thu được lợi nhuận để trả nợ.

Về số tiền trên 21 tỷ đồng mà bị cáo Dũng chiếm đoạt thì bị cáo này phải có trách nhiệm bồi thường, bởi đây là số tiền thu được từ việc bán bò. Với số tiền nộp lại này, BIDV sẽ cấn trừ trong dư nợ gốc với Công ty Bình Hà.

Còn đối với khoản vay của Công ty Trung Dũng, Luật sư Thiệp cho rằng doanh nghiệp này là khách hàng mục tiêu, khách hàng loại A, được hưởng chính sách mở rộng. Doanh nghiệp của bị cáo Đoàn Hồng Dũng kinh doanh thép nhưng gặp khó khăn, khi phát hiện không trả nợ được cho BIDV, ngân hàng đã đôn đốc chi nhánh Hà Thành thực hiện các biện pháp giảm thiểu rủi ro. Hiện, số dư nợ của doanh nghiệp này còn hơn 800 tỷ đồng nợ gốc, việc này buộc Trung Dũng tiếp tục trả nợ gốc và lãi cho BIDV. Qua đây, Luật sư Thiệp cũng đề nghị bị cáo Đoàn Hồng Dũng và vợ là Nguyễn Thị Thanh Sơn phải liên đới bồi thường số tiền hơn 263 tỷ đồng.

Với trách nhiệm của 8 cựu cán bộ tại BIDV, Luật sư Thiệp đề nghị áp dụng mức án thấp nhất có thể với những người này, do họ đã có nhiều đóng góp cho ngành ngân hàng, có vai trò thứ yếu, không vì tư lợi và các bị cáo đã tích cực phối hợp với cơ quan điều tra trong quá trình điều tra vụ án.

Bên cạnh đó, Luật sư cho rằng, 8 cựu cán bộ BIDV chỉ là người làm công ăn lương, hậu quả xảy ra là rủi ro trong kinh doanh chứ không nhằm mục đích tư lợi. Vì vậy, Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử không buộc các bị cáo phải bồi thường dân sự.

Mộc Thanh

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bidv-xin-giam-nhe-hinh-phat-cho-cac-cuu-lanh-dao-114972.html