Tươi mãi 'Cỏ non thành cổ'

Trong dòng chảy của âm nhạc cách mạng Việt Nam có rất nhiều bài viết về chiến tranh hay và xúc động. Nhưng có lẽ chưa bài hát nào viết về người lính Cụ Hồ đã hy sinh lạ và độc như 'Cỏ non Thành cổ'.

Các em học sinh thả hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.

Là bởi, cỏ non luôn gắn với sức sống, sự tươi trẻ, còn thành cổ không thể khác đó là sự già nua, cổ kính. Vậy mà trong bài hát, hai hình ảnh tưởng như đối lập ấy lại hòa quyện, tan chảy vào nhau tạo ra những cảm xúc mãnh liệt khiến người nghe khó mà cầm được nước mắt.

Nhạc sĩ Tân Huyền, tên thật là Phan Văn Tần, ông có rất nhiều tác phẩm đi cùng năm tháng như: “Tiếng hò trên đất Nghệ An”, “Xe ta đi trong đêm Trường Sơn”, “Em đúng giữa giảng đường hôm nay”... Nhưng có lẽ “Cỏ non Thành cổ” mới là tác phẩm đỉnh cao, là bài hát để đời của ông.

Du khách tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại thành cổ Quảng Trị.

Xung quanh chuyện ra đời kiệt tác này của Tân Huyền, nhiều người cho rằng đây là sự thăng hoa và chói sáng đột ngột, là tia chớp của cảm xúc. Tôi thì không nghĩ và không tin vào điều đó.

Ở nước ta có rất nhiều tòa thành cổ, xét về mặt kiến trúc và sự cổ kính thì thành cổ Quảng Trị cũng như bao thành cổ khác mà thôi. Nhưng trong tâm khảm của mỗi người Việt Nam thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ” thì nơi này đã trở thành biểu tượng của sự dũng cảm, sự hy sinh quên mình vì Tổ quốc. Và còn là khúc bi hùng thời trận mạc, bởi không thể tính được mỗi tấc đất, mỗi viên sỏi thành cổ có bao nhiêu xương máu của người lính đã đổ xuống.

Đầu những năm 90 của thế kỷ XX khi được mời vào sáng tác ở Quảng Trị, Tân Huyền đã không tìm những bài thơ sẵn có để phổ nhạc, không ngồi trong phòng để tưởng tượng và viết nhạc mà ông lang thang thành cổ quyết tìm ra cái hồn, cái cốt của vùng đất thương đau này.

Thật may, nhạc sĩ đã phát hiện được cái tứ độc đáo ở nơi này, đó là sự đối lập đến tàn khốc giữa cỏ non và thành cổ, giữa chết chóc và sự hồi sinh. Không có sự hòa quyện nào tuyệt vời hơn, kỳ diệu hơn giữa một bên là gạch đá rêu phong và sự vươn mình của cỏ, là máu thịt của những người đã nằm xuống để hôm nay cỏ được tươi xanh.

Nhạc sĩ Tân Huyền.

Bài hát bắt đầu một cách nhẹ nhàng và dung dị, như một lời ru với những người đã khuất: “Cỏ non Thành cổ một màu xanh non tơ - Bình minh Thành cổ cỏ mềm theo gió đung đưa”. Nhưng từ bình minh của thành cổ cũng là của cuộc sống mới, từ sự non tơ đến vô tình của cỏ “Có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ - Người mẹ nào ngậm ngùi nuốt lệ”. Và vì thế cỏ xanh - cũng là thế hệ trẻ, những người được hưởng cuộc sống hòa bình, no ấm hôm nay hãy cứ non tơ, hãy cứ tràn trề nhựa sống nhưng xin chớ vô tình với những người đã hy không chỉ ở Quảng Trị một thời máu lửa mà trên khắp quê hương mình.

Bài hát chính là thông điệp nhắn gửi đến mọi người, nhất là thế hệ trẻ hôm nay hãy đừng để sự hy sinh của lớp lớp liệt sĩ trên mảnh đất này trở thành vô nghĩa. “Xin chớ vô tình” không phải chỉ với những người đã ngã xuống mà với công cuộc làm hồi sinh, đảm bảo sự trường tồn của dân tộc và đất nước.

Một góc thành cổ Quảng Trị.

Bài hát “Cỏ non Thành cổ” khi được công bố đã chiếm được tình cảm và lấy đi biết bao nước mắt của đông đảo người nghe. Nhiều ý kiến cho rằng đây chính là nén tâm nhang viếng những người dưới cỏ. Cũng giống như nhà thơ Lê Bá Dương mỗi năm đều trở về Quảng Trị thả hoa trên sông Thạch Hãn để tưởng nhớ đồng đội. Lê Bá Dương đã viết những câu thơ thật da diết:

“Đò xuôi Thạch Hãn ơi chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”.

Bài hát như xoa dịu nỗi đau của biết bao người có cùng hoàn cảnh - mất người thân trong chiến tranh. Bản thân nhạc sĩ cũng có người em trai “ra đi rồi mãi không về”. Ông kể: “Em trai tôi nhập ngũ năm 18 tuổi. Từ lúc em đi, mẹ tôi thường ra đầu ngõ ngóng về phương Nam. Nhưng rồi một ngày có tin của em tôi thì đó lại là giấy báo tử”. Một bà mẹ liệt sĩ khác gọi điện cho tác giả nghẹn ngào: Cảm ơn nhạc sĩ! Lần nào nghe bài hát này tôi cũng khóc vì nhớ thương con, nhưng tôi không còn thấy quặn thắt với nỗi đau như ngày xưa nữa.

“Cỏ non Thành cổ” là ca khúc đã làm tên tuổi Tân Huyền còn mãi với thời gian, dù nhạc sĩ đã hòa mình vào đất trời, cỏ cây. Đây cũng là bài hát nằm trong chùm ca khúc mà Tân Huyền được vinh dự trao tặng danh hiệu Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001 và được Bộ Quốc phòng trao giải Bài hát xuất sắc nhất về đề tài Lực lượng vũ trang nhân dân giai đoạn 1989 - 1994.

Bài hát này được rất nhiều ca sĩ thể hiện thành công như: Thái Bảo, Minh Huyền, Kim Tiến… nhưng Nhã Phương được cho là người hát hay nhất. Tân Huyền cũng thích Nhã Phương hát bài này nhất.

Xin đừng quên quá khứ hào hùng, xin đừng vô tình với những người đã nằm xuống cho sự trường tồn của quê hương, đất nước. Đó chính là điều mà nhạc sĩ muốn gửi gắm qua bài hát cho tất cả những ai hôm nay đang được sống trong hòa bình, tự do và hạnh phúc.

NGUYỄN KIM TUẤN

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/tuoi-mai-co-non-thanh-co-d70100.html