Mục sở thị tượng Nam thần - 'bảo vật quốc gia' tại Bạc Liêu

Tượng Nam thần, niên đại Văn hóa Óc Eo, thế kỷ XII – XIII là một trong 4 'bảo vật quốc gia' tại Bạc Liêu.

Tỉnh Bạc Liêu vinh dự có 4 hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia. Trong đó, nổi bật là tượng Nam thần, niên đại Văn hóa Óc Eo, thế kỷ XII – XIII (được khai quật tại di tích kiến trúc nghệ thuật tháp cổ Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu). (Ảnh: Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu)

Tỉnh Bạc Liêu vinh dự có 4 hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia. Trong đó, nổi bật là tượng Nam thần, niên đại Văn hóa Óc Eo, thế kỷ XII – XIII (được khai quật tại di tích kiến trúc nghệ thuật tháp cổ Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu). (Ảnh: Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu)

Theo Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu, đây là pho tượng thần bằng đồng đầu tiên được phát hiện trong các di tích khảo cổ ở Nam Bộ. Tượng cao 19cm, rộng 10cm. Tượng được đúc trong tư thế ngồi quỳ, có đủ đầu, mình, 2 tay và 2 chân. Các bộ phận trên cơ thể cân đối hài hòa, với kỹ thuật đúc đồng tinh xảo, hoa văn trang trí sắc nét. Tất cả những chi tiết về hình dáng của tượng tạo nên một dáng vẻ oai phong, uy nghi của một vị thần. (Ảnh: Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu)

Đầu tượng đội mũ với chỏm mũ được tạo hình hoa sen 3 tầng nhọn dần lên phía chóp. Tầng trên cùng là chóp nhọn để trơn. Tầng giữa có trang trí đúc nổi 9 hoa sen và tầng dưới cùng có 11 hoa sen nối tiếp nhau. (Ảnh: Thanh Tùng)

Khuôn mặt tượng thần tròn đầy. Trán rộng, phẳng, hai hàng lông mày nổi cao, cong dài, nối liền dãy và đối xứng nhau qua sóng mũi. Mắt lồi tròn, có mí nổi, nhìn thẳng. Mũi to cao, cánh mũi khá rộng. Miệng rộng, môi dày, có ria mép nổi cao và vểnh lên ra hai bên. (Ảnh: Thanh Tùng)

Theo Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu, với các yếu tố tạo hình, kỹ thuật chế tác độc đáo cho thấy pho tượng thể hiện giá trị là một tác phẩm nghệ thuật, phản ánh được trình độ của nghệ thuật đúc tượng của vương quốc Phù Nam đã đạt đến độ tinh xảo. (Ảnh: Thanh Tùng)

Từ tượng thần có thể nghiên cứu về mặt khoa học với nhiều góc độ như lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, mỹ thuật, phong tục, tín ngưỡng, kỹ thuật đúc đồng... của thời kỳ văn hóa Óc Eo. (Ảnh: Thanh Tùng)

Tượng không chỉ những có giá trị ở di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Vĩnh Hưng Bạc Liêu, Nam bộ Việt Nam nói riêng mà còn có giá trị trong việc nghiên cứu về lịch sử vương quốc Phù Nam – một vương quốc lớn nhất ở Đông Nam Á thời cổ. (Ảnh: Thanh Tùng)./.

Thanh Tùng-Thanh Tiến/VTC News

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/di-san/muc-so-thi-tuong-nam-than-bao-vat-quoc-gia-tai-bac-lieu-840011.vov