Biên chế tiếp tục giảm mạnh

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 1016/QĐ-TTg phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước và biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2019 còn 259.598 biên chế. Như vậy, người hưởng lương từ ngân sách đã giảm 5.508, so với cách đây 5 năm, biên chế đã giảm gần 19.000 người.

Triển khai Trung tâm hành chính công, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và cũng là một giải pháp sắp xếp bộ máy.

Những con số biết nói

Năm 2015, theo quyết định của Chính phủ, tổng biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước năm 2015 của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế công chức của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, biên chế công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và biên chế công chức cấp xã) là 277.055 biên chế. Dù mức lương của công chức nhà nước theo biên chế không cao, nhưng do số lượng quá lớn nên khoản tiền trả cho gần 300.000 biên chế mỗi năm ngốn của ngân sách gần 20.000 tỉ đồng. Năm 2016, con số này là 272.916 biên chế; năm 2017 là 269.084 biên chế; năm 2018 là 265.106 biên chế.

Theo Quyết định 1016/QĐ-TTg mới được phê duyệt thì chỉ tiêu biên chế năm 2019 là 259.598, nghĩa là so với chỉ tiêu năm 2018 đã giảm 5.508 biên chế. Đây cũng là đợt giảm mạnh nhất trong 5 năm trở lại đây, tỉ lệ giảm chỉ tiêu trong hai năm 2017-2018 chỉ đạt 1,5% (tương đương 4.000 biên chế).

Cùng với việc giảm biên chế, Chính phủ cũng cắt giảm rất mạnh biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập từ khối giáo dục, y tế. Như vậy, số người hưởng lương từ ngân sách sẽ ngày một giảm đi, đúng tinh thần của Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị rằng: Đến năm 2021 sẽ giảm 10% biên chế công chức và giảm thêm 10% biên chế thuộc khối các đơn vị sự nghiệp để cơ cấu lại bộ máy nâng cao năng lực của các cơ quan hành chính nhà nước.

Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ, ông Vũ Đăng Minh, cho biết thực hiện Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, số người tinh giản được Bộ Nội vụ thẩm tra từ năm 2015 đến ngày 6/8/2018 là 39.823 người. Trong đó, năm 2016 tinh giản được 11.923 người; năm 2017 là 12.660 người; 7 tháng đầu năm 2018 cả nước tinh giản được 9.462 người. Trong đó, tính theo chính sách được hưởng thì người hưởng chính sách về hưu trước tuổi là 34.515 người, hưởng chính sách thôi việc ngay là 5.234 người, hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học là 29 người, hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước là 40 người.

Như vậy, với nhiều “mũi tấn công” vào “thành trì” biên chế, công cuộc tinh giản biên chế đã có kết quả bước đầu, đã không còn là con số âm bất chấp những “sắc lệnh” cắt giảm như trước đây nữa.

Cơ cấu lại đội ngũ, tăng lương cho cán bộ công chức

Chia sẻ với Đại Đoàn Kết về những khó khăn trong thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, ông Vũ Đăng Minh cho biết, kết quả từ những con số được tinh giản biên chế từ năm 2015 đến nay cho thấy: Số người được giảm đa số là người nghỉ hưu trước tuổi. Như vậy, chất lượng của tinh giản là chưa đảm bảo. Tinh giản biên chế là hướng tới đối tượng không làm được việc trong nền công vụ, phải tìm được công chức “cắp ô” để tinh giản, theo đó sẽ tuyển người đủ đức, đủ tài vào khu vực nhà nước như thế mới đúng tính chất tinh giản, nâng cao năng lực của bộ máy nhà nước. Và tất nhiên, muốn giữ chân được người tài thì phải tăng lương. Mà muốn tăng lương mà không tinh giản biên chế ắt sẽ tắc.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Hữu Dũng- nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động, Bộ LĐTBXH cho rằng, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức là khoản tiền được trả cho cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm với tiêu chuẩn chức danh tương ứng và gắn với chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, quản lý, thực thi công vụ, cung cấp dịch vụ công.

Tiền lương phải được tính đúng, tính đủ hao phí lao động, có tính đến đặc thù lao động của cán bộ, công chức, viên chức và bảo đảm cho họ sống chủ yếu bằng lương, có mức sống trên mức trung bình của lao động xã hội, tạo động lực khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức làm việc với lương tâm, trách nhiệm và hiệu quả cao, góp phần chống tiêu cực, tham nhũng.

Theo đó, cần đẩy mạnh hơn nữa tinh giản biên chế để lấy tiền tăng lương cho công chức. Đồng thời điều chỉnh chi tiêu công, cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước, tăng cường huy động các nguồn ngoài nhà nước, hợp tác công - tư (PPP) cho đầu tư phát triển, giảm tỉ trọng ngân sách nhà nước trong tổng mức đầu tư toàn xã hội để dành nguồn cho cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Có thể nói, tinh giản, gọn nhẹ, tăng hiệu quả bộ máy vẫn là cái gốc. Việc đưa ra chỉ tiêu biên chế 2019 giảm sâu so với năm trước khẳng định quyết tâm này của Đảng, Chính phủ. Từ đó tạo ra những kỳ vọng về đột phá tiền lương đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là nhóm đối tượng thuộc hệ thống các cơ quan quyền lực có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội.

Nguyên Khánh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chinh-tri/bien-che-tiep-tuc-giam-manh-tintuc413358