Biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 tại châu Âu: Nguy cơ vẫn hiện hữu

Dù các ca mắc mới Covid-19 trên thế giới đang có xu hướng giảm, nhưng giới chuyên gia cho rằng, với sự xuất hiện những biến chủng của vi rút SARS-CoV-2, nguy cơ dịch vẫn hiện hữu tại nhiều quốc gia ở châu Âu. Hiện lãnh đạo các nước châu Âu đang thúc đẩy hàng loạt giải pháp để đối phó với biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2, ngăn chặn làn sóng Covid-19 lần thứ ba.

Các ca nhiễm mới Covid-19 tăng nhanh tại Cộng hòa Séc khiến các bệnh viện của nước này luôn trong tình trạng quá tải.

Các nước châu Âu đang lo ngại về làn sóng Covid-19 lần thứ ba bởi số lượng người nhiễm mới và nhập viện đã tăng trong tuần qua. Các ca mắc chủ yếu là do biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 gây ra. Biến chủng này xuất hiện ở Anh vào cuối năm ngoái với khả năng lây lan nhanh hơn, hiện đang hoành hành tại Bỉ và là nguyên nhân chính khiến cho dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở quốc gia được mệnh danh là “Trái tim của châu Âu”. Tính trong một tuần trở lại đây, số ca mắc mới ở Bỉ tăng 24% so với tuần trước đó, lên gần 2.300 ca nhiễm mới mỗi ngày.

Tương tự, Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp nhận định, tình hình dịch bệnh tại quốc gia này đang xấu đi khi số ca mắc mới ở một số địa phương tăng lên. Tại thành phố miền Bắc Dunkirk, tỷ lệ mắc bệnh đã vượt 900 người/ 100.000 dân, cao hơn gần 9 lần mức trung bình trên toàn quốc. Cả Bỉ và Pháp đã buộc phải kéo dài các biện pháp phong tỏa. Thành phố Nice ở phía Nam và thành phố Dunkerque ở phía Bắc nước Pháp đã buộc phải cấm việc dạo chơi trên bãi biển và các hoạt động ngoài trời. Chính quyền Bỉ tiếp tục cấm xuất, nhập cảnh cho tới ngày 17-3.

Còn tại Đức, các chuyên gia y tế cho rằng, Đức đã bắt đầu làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ ba do sự tấn công của các biến chủng. Số ca mắc mới Covid-19 ở Đức đã gia tăng trở lại trong những ngày qua, khoảng trung bình 10.000 ca/ngày. Chỉ số lây nhiễm trong 7 ngày cũng liên tục tăng, ở mức 62,6/100.000 dân. Chính phủ Pháp và Đức đang đàm phán để hạn chế việc đi lại xuyên biên giới sau khi Berlin nâng mức cảnh báo Covid-19 đối với khu vực Moselle của Pháp.

Theo Bộ trưởng châu Âu của Pháp, khu vực Moselle, giáp ranh với Đức và Luxembourg, đã chứng kiến sự gia tăng của vi rút biến chủng từ Nam Phi. Trong khi đó, Cộng hòa Séc đang trải qua những ngày có số ca nhiễm mới Covid-19 ở gần mức kỷ lục. Biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 từ Anh đã lan khắp đất nước, đẩy các bệnh viện tại Séc đến ngưỡng không thể chống chịu, buộc quốc gia Trung Âu này phải áp đặt một lệnh phong tỏa nghiêm ngặt từ ngày 1-3.

Trong bối cảnh các biến chủng mới có nguy cơ tiếp tục làm bùng phát thêm một làn sóng lây nhiễm Covid-19, lãnh đạo các nước châu Âu đã phải họp bàn cách thức thúc đẩy tốc độ sản xuất và triển khai tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Liên minh châu Âu (EU) hiện đang chậm hơn nhiều quốc gia như Israel, Anh và Mỹ trong việc triển khai tiêm phòng vắc xin ngừa Covid-19. Do đó, các lãnh đạo EU thống nhất sẽ đẩy nhanh quá trình cấp phép, sản xuất và phân phối vắc xin.

Trên thực tế, tình hình dịch Covid-19 đang được cải thiện khi nhiều nước triển khai tiêm chủng ở các giai đoạn khác nhau, làm dấy lên hy vọng rằng thế giới đã có trong tay một thứ công cụ hữu hiệu giúp đẩy lùi căn bệnh này. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn không ngừng cảnh báo đây chưa phải lúc có thể nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch đang thực hiện khi vẫn còn nhiều ẩn số chưa được giải đáp xung quanh vi rút SARS-CoV-2. Việc sớm dỡ bỏ phong tỏa có thể khiến làn sóng lây nhiễm mới bùng phát mạnh, khó kiểm soát và tạo gánh nặng cho các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Vì vậy, trong "cuộc đua" với vi rút SARS-CoV-2, các nỗ lực tiêm chủng cần được đẩy mạnh trên toàn thế giới, song song với việc áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch.

Thùy Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/992538/bien-chung-moi-cua-vi-rut-sars-cov-2-tai-chau-au-nguy-co-van-hien-huu