Biến chứng nguy hiểm và việc buộc phải nhớ của người tiểu đường

Thạc sĩ Trần Quốc Khánh – Bệnh viện hữu nghị Việt Đức cho biết bệnh tiểu đường được coi là 'đại dịch' với hàng trăm triệu người mắc trên thế giới. Tại Việt Nam bệnh tiểu đường cũng có khoảng 3-4 triệu người mắc.

Biến chứng đáng sợ nhất

Bệnh tiểu đường biến chứng vô cùng đáng sợ vì nó có thể phá hủy toàn bộ các cơ quan cơ thể từ não tới bàn chân như biến chứng thần kinh, mạch máu ngoại vi, suy thận. Biến chứng sợ nhất là tim mạch gây đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

Bác sĩ Khánh ám ảnh câu chuyện bố của người bạn đã ra đi đúng sáng mùng 1 Tết vì một cơn nhồi máu cơ tim. Bệnh nhân lên một cơn nhồi máu cơ tim dù được đưa đi cấp cứu nhưng đã ngừng tim. Bệnh nhân có tiền sử tiểu đường hơn 10 năm.

Hay một trường hợp khác cũng là người quen của bác sĩ Khánh muốn được tư vấn phẫu thuật ở vùng đốt sống. Tuy nhiên, khi hỏi tiền sử bệnh nhân cho biết đã bị đái tháo đường hơn 20 năm. Những người bị tiểu đường lâu thì nguy cơ nhồi máu cơ tim rất cao. Mặc dù kết quả điện tim, siêu âm tim rất tốt nhưng bác sĩ vẫn chưa yên tâm nên tiếp tục cho bệnh nhân tiến hành chụp CT 256 dãy. Kết quả, bệnh nhân bị hẹp động mạch vành thân trung. Bị hẹp động mạch vành thân trung như vậy, theo bác sĩ, bệnh nhân có nguy cơ xảy ra hai tình huống xơ vữa động mạch gây nhồi máu cơ tim.

Trong khi đó, theo nghiên cứu có khoảng 25% bệnh nhân đái tháo đường trên 10 năm có nguy cơ nhồi máu cơ tim. Những người bệnh này sau nhồi máu cơ tim nếu được cứu sống thì nguy cơ tử vong do suy tim trong thời gian trước cũng cao hơn người bình thường bị nhồi máu cơ tim được cứu sống.

Khi bị tiểu đường, bác sĩ Khánh khuyến cáo người đó nên thực hiện sàng lọc nguy cơ nhồi máu cơ tim bằng các biện pháp chụp mạch vành vì chỉ siêu âm hay điện tim thôi chưa thể phát hiện nguy cơ có hẹp mạch vành hay không. Bệnh nhân đã bị tiểu đường trên 10 năm cần chủ động khám bác sĩ tim mạch và chủ động khi có nghi ngờ đề phòng biến cố nhồi máu cơ tim.

TS Nguyễn Quang Bảy- Trưởng Khoa Nội Tiết – Đái tháo đường , Bệnh Viện Bạch Mai cũng cho biết với bệnh nhân tiểu đường tuyp 2 dao động đường huyết nhiều làm tăng biến chứng tim mạch.

Theo TS Bảy, kết quả nghiên cứu trên 29.260 bệnh nhân ở Mỹ trong 2 năm được công bố trên tạp chí “Diabetes Obesity and Metabolism ngày 10 tháng 6 năm 2020. Trung bình các bệnh nhân được đo HbA1C 9 lần trong 2 năm, và tiến hành đánh giá dao động HbA1C trong vòng mỗi 6 tháng đến 1 năm. Mức độ dao động đường huyết/HbA1C được chia làm 4 nhóm.

Kết quả theo dõi trong trung bình 4 năm có 3.746 bệnh nhân bị biến chứng tim mạch, gồm bệnh mạch vành và đột quỵ. Trong đó những bệnh nhân có dao động HbA1C thuộc một phần tư nhiều nhất có tỷ lệ bị biến chứng tim mạch cao hơn 59% so với nhóm có dao động HbA1C thuộc một phần tư thấp nhất. HbA1C cứ tăng 1 đơn vị độ lệch chuẩn thì biến cố tim mạch tăng 18%.

Biến chứng nguy hiểm và nguyên tắc vàng của người tiểu đường. Ảnh minh họa

Biến chứng nguy hiểm và nguyên tắc vàng của người tiểu đường. Ảnh minh họa

Người bệnh cần làm gì?

TS Bảy cho biết bệnh nhân tiểu đường cần duy trì đường huyết ổn định và phải tái khám theo lịch của bác sĩ. Nhiều bệnh nhân vô cùng chủ quan thấy đường huyết ổn định đã không điều trị dẫn tới bệnh âm thầm biến chứng ra các bộ phận khác của cơ thể.

Trong bệnh tiểu đường TS Bảy cho biết 2 nguyên tắc cực kỳ quan trọng:

Thứ nhất, chế độ ăn của người bệnh tiểu đường là phải duy trì các bữa ăn đầy đủ, đều đặn hàng ngày, tuyệt đối không được bỏ bữa vì bỏ bữa ăn là yếu tố nguy cơ lớn của hạ đường máu. Bỏ bữa ăn sáng càng nguy hiểm vì dễ gây hạ đường máu ban ngày hơn do buổi sáng là thời điểm chúng ta làm việc và gắng sức nhiều.

Thứ hai, cần tập thể dục. Tập thể dục có thể làm giảm 1/3 nguy cơ tử vong ở các bệnh nhân đái tháo đường.

Theo kết quả 2 nghiên cứu được báo cáo tại Hội nghị Đái tháo đường châu Âu năm 2020, nguy cơ tử vong do nguyên nhân bất kỳ ở các bệnh nhân đái tháo đường có thể giảm 1/3 nhờ tập thể dục ở cường độ trung bình đến nặng, hoặc đạp xe.

Mặc dù khuyến cáo của Hội Đái tháo đường Mỹ, nhấn mạnh tập thể dục mang lại nhiều lợi ích cho các bệnh nhân tiểu đường tuyp 2 như làm giảm các biến chứng và tử vong tim mạch. Tại Châu Á, nghiên cứu của BS Yun-Ju Lai từ Bệnh viện Cựu Chiến binh Đài Loan trên 4.859 bệnh nhân tiểu đường tuyp 2 ở Đài Loan là nghiên cứu lớn đầu tiên. Kết quả cho thấy nguy cơ tử vong ở các bệnh nhân tiểu đường tuyp 2 giảm từ 25 đến 32%.

Khánh Chi

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/bien-chung-nguy-hiem-va-nguyen-tac-vang-cua-nguoi-tieu-duong-279673.html