Biến cố nguy hiểm khi tăng acid uric máu

Khi xã hội càng phát triển nhanh chóng, kéo theo đó là sự thay đổi trong lối sống, chế độ ăn uống thiếu lành mạnh dẫn đến nhiều hệ lụy liên quan đến sức khỏe. Trong đó, bệnh Gout – hay còn gọi là thống phong – hiện gia tăng với một tốc độ nhanh trên toàn thế giới.

Ảnh: TL

Ảnh: TL

Bên cạnh việc gây đau nhức khớp dữ dội từng đợt, giảm chất lượng cuộc sống, tàn phế, bệnh Gout còn được báo cáo là làm tăng tần suất tử vong trên người bệnh trẻ tuổi (premature death).

Tử vong liên quan đến các biến cố đi kèm đặc biệt bệnh lý về tim mạch, thận và mạch máu não. Những bệnh nhân sưng đau khớp cơn đầu tiên, được xác chẩn là Gout, sau đó không tái khám hoặc những trường hợp sưng đau khớp tự điều trị là những nhóm người có nguy cơ mắc các biến cố này.

Một khoảng thời gian sau, mặc dù hết sưng khớp và không tiếp tục theo dõi sau đó, rồi bệnh nhân đột nhiên xuất hiện nhồi máu cơ tim cấp, đột quỵ, sỏi thận và bệnh thận mạn với nhiều mức độ khác nhau. Dấu hiệu sưng đau khớp dữ dội, hệt như phần nổi của tảng băng chìm, khiến người bệnh chủ quan, chỉ chăm chăm giải quyết triệu chứng khớp xương tức thời, mà quên mất ẩn sâu bên dưới, tình trạng tăng acid uric máu ngấm ngầm gây tổn thương nội tạng theo thời gian.

Biểu hiện viêm cấp của Gout - khớp sưng, nóng, đỏ, đau cấp tính. Ảnh: TL

Acid uric máu phản ánh mức độ chuyển hóa purin, một loại hợp chất có nhiều trong chất đạm (thịt heo, thịt bò, gia cầm, hải sản và các động vật thân mềm, rượu bia …). Bình thường acid uric có mặt trong máu ở một ngưỡng nhất định và sẽ ở dạng hòa tan, chất này sau đó sẽ được đào thải qua thận.

Khi cơ thể dung nạp purin quá mức bài xuất khiến acid uric máu vượt ngưỡng, hoặc khi thận của bạn bị suy không thể bài xuất được acid uric ra khỏi máu, chất này sẽ kết tụ thành các tinh thể hình kim lắng đọng vào trong khớp, lâu dần sẽ kích hoạt tình trạng viêm khớp và phóng thích các chất gây viêm, tích tụ thành sỏi thận urat, hình thành các nốt cục tophi dưới da với nhiều kích thước khác nhau, hệ lụy sau cùng là tàn phế, lỡ loét da khó lành và viêm mô tế bào.

Chính các tinh thể này đi kèm với hiện diện của các chất gây viêm trong máu làm tổn hại thành mạch, nội tạng, khởi kích các bệnh lý đi kèm như: đái tháo đường, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, bệnh thận mạn…

Tinh thể urat hình kim soi trên kính hiển vi phân cực (C) và hình ảnh cấu trúc xương trên phim X-quang ở giai đoạn Gout mạn (D)

Khi bạn xuất hiện đau khớp, đặc biệt là cơn đau khớp về đêm, đau dữ dội, kèm theo sưng khớp, nóng khớp, da vùng khớp và chung quanh tấy đỏ, các khớp đau thường là khớp ngón bàn chân cái, khớp gối nhưng cũng có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào thì bạn cần đến ngay với bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp.

Không nên để khớp sưng tái đi tái lại. Những biện pháp như đắp lá cây, cắt lễ, hoặc tự ý sử dụng các dược liệu không rõ nguồn gốc, không có chỉ định của bác sĩ có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn.

Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ kiểm tra siêu âm khớp, Xquang khớp, xét nghiệm máu để đo nồng độ acid uric máu và các thông số đánh giá mức độ viêm. Một số trường hợp nếu khớp của bạn sưng to, tràn dịch nhiều, bác sĩ chuyên khoa khớp có thể sẽ tiến hành hút dịch khớp, điều này bên cạnh việc giảm triệu chứng đau khớp, còn giúp bác sĩ chẩn đoán xác định Gout thông qua việc tìm thấy tinh thể urat trong dịch khớp của bạn dưới kính hiển vi phân cực nền đen.

Hình ảnh qua siêu âm khớp cho thấy chuỗi tophi trong khớp tại túi hoạt dịch đầu trên, phía trước xương chày

Để điều trị cơn Gout cấp, các bác sĩ chuyên khoa khớp sẽ sử dụng các thuốc giảm đau phù hợp với cơ địa của bạn. Sau đó, để kiểm soát bệnh tăng acid uric máu mạn và ngừa tái phát Gout cấp, bên cạnh việc tuân thủ điều trị thuốc, bạn cần phải có chế độ ăn cân bằng cùng với việc vận động thể dục phù hợp.

Bạn lưu ý không dùng các thực phẩm có hàm lượng đạm – purin cao: sữa dinh dưỡng, nước yến, các loại thịt, hải sản…sẽ có thể khiến khớp của bạn sưng trở lại. Việc tập luyện nhẹ nhàng sẽ cải thiện tình trạng Gout của bạn, tuy nhiên bạn cần tránh chấn thương những vị trí các khớp, đặc biệt là các khớp đã từng sưng viêm.

Cơn đau khớp đầu tiên là phát súng tiên phong báo hiệu bản thân bệnh nhân không thể dung nạp với tình trạng tăng acid uric máu kéo dài. Do đó, sau khi xuất viện, bạn cần phải tuân thủ điều trị, tái khám theo hẹn, theo dõi nồng độ acid uric máu, có một chế độ dinh dưỡng hợp lý: tiết chế đạm, ăn nhiều rau củ quả, trái cây… và tập thể dục thể thao đều đặn sẽ giúp bạn khỏe mạnh, dự phòng những đợt bùng phát Gout cấp trong tương lai. Tất cả những điều này sẽ được bác sĩ chuyên khoa khớp dặn dò tận tình trước khi bạn xuất viện.

Sau cùng, bạn hãy nhớ rằng: sau đợt đau khớp đầu tiên, tình trạng tăng acid uric máu vẫn còn hiện diện đó, nguy cơ mắc các bệnh lý đi kèm đã nêu trên vẫn còn đó. Hết sưng đau khớp không phải là hết tất cả mà là chúng ta sẽ phải tập sống chung và chế ngự Gout như thế nào.

BS-CKI. Đỗ Thiên Ân

(Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM)

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/bien-co-nguy-hiemkhi-tang-acid-uric-mau-22162.html