Biển có tầm quan trọng thế nào trong phát triển kinh tế Việt Nam?

Có thể thấy, biển đảo là không gian sinh tồn và phát triển của các dân tộc Việt tạo ra thế và lực trong sự nghiệp phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng như góp phần quan trọng vào bảo vệ chủ quyền đất nước.

Căn cứ vào tuyên bố của Chính phủ Việt Nam về các vùng biển cũng như Luật biển Việt Nam và Công ước Luật biển thì có thể xác định: Biển Việt Nam là một bộ phận của biển Đông.

Biển Việt Nam rộng gấp hơn 3 lần diện tích lãnh thổ đất liền bao gồm vùng biển nằm trong phạm vi 200 hải lí, thềm lục địa và hai quần đảo ngoài khơi Hoàng Sa và Trường Sa.

Biển có tầm quan trọng đặc biệt trong phát triển kinh tế

Việt Nam cũng được xem là quốc gia biển với sự phân hóa lãnh thổ theo tỉ lệ cứ một phần đất có 3 phần biển, và cứ 100 km vuông đất có 100km chiều dài đường bờ biển.

Đường bờ biển Việt Nam kéo dài trên 3.260km theo hướng á kinh tuyến, cắt qua nhiều đơn vị tự nhiên – sinh thái khác nhau. Bờ biển Việt Nam khúc khuỷu, nhiều eo, vụng, vịnh ven bờ và cứ 20km đường bờ biển thì bắt gặp một cửa sông lớn đổ ra biển.

Trong vùng biển ven bờ và ngoài khơi của biển nước ta có trên 3.000 đảo lớn nhỏ trong đó có 2.773 đảo ven bờ, phân bố thành các tuyến và cụm đảo tập trung ở vùng ven bờ Quảng Ninh – Hải Phòng và hai quần đảo ngoài khơi là Hoàng Sa và Trường Sa.

Các quần đảo rạn san hô ngoài khơi (Hoàng Sa, Trường Sa) là các trung tâm phát tán dinh dưỡng, nguồn giống thủy hải sản và đóng vai trò sinh thái quan trọng cho toàn biển Đông. Nói về ý nghĩa kinh tế, mỗi hòn đảo được ví như “viên ngọc xanh” trên nền biển bạc; về ý nghĩa chủ quyền mỗi hòn đảo như một “cột mốc chủ quyền tự nhiên” của quốc gia; về ý nghĩa an ninh quốc phòng, mỗi hòn đảo như là một “chiến hạm tự nhiên” không thể đánh chìm.

Quần đảo Hoàng Sa gồm trên 30 đảo, đá, cồn san hô, đá ngầm và bãi cạn được chia thành 2 nhóm: Nhóm Am Vĩnh ở phía Đông và nhóm Lưỡi Liềm ở phía tây.

Quần đảo Hoàng Sa nằm cách đảo Lý Sơn của Việt Nam khoảng 120 hải lý. Tổng diện tích phần đất nổi của quần đảo này khoảng 10km vuông, đảo lớn nhất và quan trọng nhất là đảo Phú Lâm có chiều dài 1,7km, rộng 1,2km và diện tích đảo khoảng 1,5km vuông.

Nhóm lưỡi liềm nằm ở phía Tây, gần đất liền Việt Nam có hình cánh cung hay lưỡi liềm. Nhóm này gồm 8 đảo chính: Đá Bắc, Hoàng Sa, Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Ảnh, Quang Hòa, Bạch quy, Tri Tôn và các bãi ngầm, mỏm đá. Nhóm An Vĩnh nằm ở phía Đông bao gồm các đảo tương đối lớn của quần đảo Hoàng Sa và cũng là các đảo san hô lớn nhất của biển Đông như: Đảo Phú Lâm, đảo Cây, đảo Linh Côn, đảo Trung, đảo Bắc, đảo Nam, đảo Tây, đảo Hòn Đá.

Ngoài ra còn có nhiều mỏm đá, cồn cát và bãi cạn. Quần đảo Trường Sa nằm cách quần đảo Hoàng Sa về phía Nam khoảng 250 hải lý, bao gồm 100 đảo đá, cồn san hô, bãi ngầm, bãi cát, cách Cam Ranh khoảng 600 hải lý và cách đảo Đài Loan khoảng 900 hải lí.

Quần đảo Trường Sa chia làm 8 cụm: Song Tử, Thị Tứ, Loại Ta, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm và Bình Nguyên.. Có 9 đảo, bãi quan trọng là các đảo: Trường Sa, An Bang, Ba Bình, Nam Yết, Loại Ta, Thị Tứ, Song Tử Đông, Song Tử Tây và bãi An Nhơn. Tổng diện tích phần đất nổi của quần đảo Trường Sa khoảng trên 3km vuông, trong đó đảo Ba Bình lớn nhất, rộng khoảng 0,6km vuông.

So với quần đảo Hoàng Sa, độ cao của các quần đảo Trường Sa thấp hơn, trung bình 3-5m trên mực nước biển. Song Tử Tây là đảo cao nhất. Điều kiện tự nhiên của “ốc đảo san hô” này rất khắc nghiệt, nắng gió, bão giông thường xuyên, thiếu nước ngọt và cây xanh.

Nằm trải dài ven bờ Tây biển Đông theo hướng á kinh tuyến, phần lãnh thổ đất liền Việt Nam có lợi thế “mặt tiền” hướng biển, hướng ra “ngã ba đường” của thế giới và biển đã thực sự gắn bó với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của các dân tộc Việt từ bao đời.

Thế đứng tự nhiên và lịch sử như vậy đã tạo cho nước ta một vị thế địa chính trị, địa kinh tế và văn hóa cực kỳ quan trọng trong hình thế chiến lược phát triển không chỉ trong khu vực biển Đông mà còn trên bình diện toàn cầ.

Có thể thấy, biển đảo là không gian sinh tồn và phát triển của các dân tộc Việt tạo ra thế và lực trong sự nghiệp phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng như góp phần quan trọng vào bảovệ chủ quyền đất nước.

Biển nước ta là địa bàn chiến lược trong bảo vệ và phát triển đất nước, là phần tổ quốc thiêng liêng không thể tách rời của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Hoàng Thanh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/bien-co-tam-quan-trong-the-nao-trong-phat-trien-kinh-te-viet-nam-post241040.info