Biến cố thay đổi cuộc đời Mark Twain

Khi Mark Twain 11 tuổi, cha cậu qua đời, mọi người mong chờ cậu tìm việc làm để phụ giúp gia đình. Cậu nghỉ học, xin làm ở một xưởng in, rồi viết báo.

Sam (thuở nhỏ, Mark Twain thường được gọi là Sam) có thể đã tiếp tục nhởn nhơ hàng giờ trên Đảo Rùa hay khám phá Hang MacDowell như thế mãi, nhưng rồi một thảm kịch bất ngờ đã lái cuộc đời cậu theo hướng khác.

Năm 1847, khi Sam 11 tuổi, cha cậu qua đời vì bệnh viêm phổi. Giờ đây mọi người mong chờ cậu tìm việc làm để phụ giúp gia đình. Sau giờ học, Sam đi làm chân chạy việc vặt, trông hiệu tạp hóa và học việc trong hiệu rèn của thị trấn.

Sau khi học hết lớp năm, Sam bỏ học và nhận việc “phụ việc xưởng in” tại tờ báo Tin tức Missouri. Công việc của cậu là giúp chủ tòa soạn sắp chữ cho nội dung các bài báo bằng một chiếc máy khổng lồ, khó sử dụng gọi là máy in.

Đây là công việc nặng nhọc, dơ dáy và tệ hơn cả là không trả lương. Thay vì tiền lương, Sam được bao ăn ở cộng thêm hai bộ quần áo mỗi năm. Quần áo đương nhiên là lấy từ tủ đồ cũ của ông chủ. Ông ta cao lớn gấp đôi Sam, nên đồ sang tay của ông ta thùng thình đến buồn cười.

Sam lúng túng trong mớ quần áo quá khổ. Đống áo sơ mi “cho tôi cảm giác khó chịu như thể sống trong một túp lều xiếc”, sau này Sam viết. “Tôi phải kéo cạp quần lên tận tai thì mới vừa chân".

 Nhà văn Mark Twain. Ảnh: Ungo.

Nhà văn Mark Twain. Ảnh: Ungo.

Vậy nhưng Sam đã kiên cường vượt qua và học những kỹ năng cậu cần để chuyển sang công việc tiếp theo. Năm 15 tuổi, cậu nhận lời mời của anh trai Orion đến làm việc cho tờ Nhật báo Hannibal mà anh ta làm chủ. Đồng lương không khá hơn là bao, và anh Orion thường gặp khó khăn trong việc trả lương.

Nhưng Sam đã cố gắng tận dụng những gì mình có. Cậu bắt đầu viết những bài báo hài hước dưới bút danh W. Epaminondas Adrastus Blab.

Một lần, khi Orion đi công tác, Sam xuất bản “số Nhật báo đặc biệt” của riêng mình, châm biếm các công dân đứng đầu của Hannibal. Trò giật gân này tạo nên một cơn chấn động, khiến cái tên Samuel Langhorne Clemens trở thành đề tài bàn tán của mọi nhà.

Cuối cùng, Sam quyết định rằng học việc thế đủ rồi và cần thăm thú những vùng đất khác trên thế giới. Năm 17 tuổi, cậu nói với mẹ rằng cậu sẽ nhận việc tại một xưởng in ở thành phố New York. Trước khi chúc phúc cho con trai, Jane Clemens bắt cậu lập lời cam kết ứng xử tốt. Sam phải hứa sẽ không uống rượu, đánh bạc hay nghịch phá.

Sam từng sợ rằng mình sẽ khó mà giữ được lời hứa, nhưng cậu háo hức thu dọn hành lí và lên đường ngao du. Cậu không bao giờ ở lại một nơi quá lâu. Sau New York, cậu tới Philadelphia, St. Louis, Cincinnati và San Francisco, cùng nhiều nơi khác nữa.

Mỗi khi có chút thời gian rảnh rỗi, dù hiếm hoi, Sam viết thư về nhà cho mẹ.

“Con như điên lên vì thôi thúc muốn dịch chuyển... dịch chuyển... Dịch chuyển!”, cậu thú nhận trong một lá thư, “Những lần trì hoãn vô hạn chết tiệt!... Con ước rằng mình không bao giờ phải dừng chân ở bất cứ đâu cả tháng. Ngay khi có cơ hội khoanh tay lại và ngồi xuống là con lại làm chuyện bậy, nhiều hơn tất cả những sự tha thứ con có thể nhận được".

Nhiều năm sau, khi đã trở thành một nhà văn nổi tiếng, Sam xin lỗi mẹ về thói nghịch ngợm thuở niên thiếu - phần nhiều trong đó đã được ông biến thành truyện trong hai cuốn tiểu thuyết Những cuộc phiêu lưu của Tom SawyerNhững cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn.

“Con khiến mẹ bất an hơn bất kỳ đứa con nào khác!”, Jane Clemens nói với con trai nay đã được cả thế giới biết đến với cái tên Mark Twain.

“Chắc là mẹ sợ con không sống nổi”, Sam nói.

“Không”, bà đáp. “Mẹ sợ rằng con sẽ sống dai là khác!”.

David Stabler / NXB Kim Đồng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bien-co-thay-doi-cuoc-doi-mark-twain-post1241368.html