Biên cương mùa mận chín

Tháng 5 âm lịch. Mận hậu, mận tam hoa chưa chín rộ đỏ cành nhưng đã vào mùa quả chín. Nếu mùa xuân hoa mận trắng rừng, trắng đất, trắng trời... đẹp mê hồn bao nhiêu thì mùa hạ, mận lại mê dụ người ta trong vườn cây trĩu quả bấy nhiêu. Hẹn nhau từ mùa hoa mận, mà bây giờ mùa quả chín, các nhà thơ mới lên Lai Châu thăm vùng đất biên cương theo 'con đường trải dài mây trắng'.

Đồng bào Mông, Hà Nhì bán các món ăn truyền thống tại phiên chợ Dào San. Ảnh: Tuệ Lâm

Vượt 376km đường trường, 7 nhà văn đã đứng trên đỉnh cao 1.600km - thị trấn Sa Pa thơ mộng và kỳ diệu. Đang trưa nhưng nắng không gắt gao. Độ nóng hình như chỉ đủ làm ửng hồng đôi má những cô gái Mông đang ngồi bán đào, bán mận. Thế rồi đi hơn 2 giờ nữa, sau khi đã vượt thêm hơn 100km đường dốc núi quanh co, thành phố trẻ Lai Châu như người thanh niên mới lớn đã hiện ra trước chúng tôi với những tòa nhà sừng sững chọc trời và một quảng trường mênh mông nắng gió.

Bữa cơm gặp mặt tối ấy sao mà thích thú. Toàn đặc sản miền rừng, nhất là món rau dến núi rất hợp với phụ nữ. Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đỗ Thị Tấc quán triệt: “Chiến dịch sẽ chia làm 2 mũi tiến công. Nhóm thứ nhất do Nguyễn Thị Mai làm nhóm trưởng với 3 thành viên: Thành Đức Trinh Bảo, Trịnh Công Lộc, Trần Kim Anh đi hướng Phong Thổ bằng xe của Ban Tuyên giáo tỉnh. Nhóm thứ hai do Đỗ Thị Tấc làm nhóm trưởng với 3 thành viên: Bùi Kim Anh, Đỗ Bạch Mai, Hoàng Việt Hằng tiến lên Sìn Hồ bằng xe của Hội Nhà văn. Phải chia thế mới đi được nhiều, mới thực tế được cuộc sống của dân và bộ đội”.

Vậy là 6 giờ sáng hôm sau, chúng tôi đã chia làm hai đoàn đi về Sìn Hồ và Phong Thổ. Dọc đường xe đi, con suối Mường So nước trong xanh uốn lượn như dải lụa mềm chảy theo với người. Nhưng nhiều nhất vẫn là mây trắng. Mây sà xuống nước cắt dòng suối ra từng khúc. Mây trùm lên những vườn mận xanh tốt lá mướt mát sương. Mây bò lên dốc, trườn xuống khe. Mây ngập tràn miệng vực.

Đứng ở điểm cao nào cũng cảm giác dưới chân là một thung lũng sữa trắng, đặc sệt đang bốc khói. Sáng nay lại đúng phiên chợ Dào San, phiên chợ họp trên độ cao 1.800m trên đỉnh Chùng Sủa Sằn. Thảo nào dọc đường thấy nhiều cô gái người Mông, Dao, Hà Nhì ăn mặc đẹp về chợ. Chợt nhớ đến bài thơ “Phiên chợ Dào San” của nhà thơ Điện Biên Trương Hữu Thiêm, tôi đọc mấy câu: “Vó ngựa khua rầm rập/ Nhạc dập dồn lưng mây/ Trai mười mường phầm phập/ Gái chín bản phây phây/ Có vợ, đem theo vợ/ Có chồng, rủ cả chồng/ Chẳng có cứ đến chợ/ Sẽ gặp người đi không”..., cả đoàn nghe thơ mà háo hức vô cùng.

Nhưng chợ Dào San bây giờ khác thời Lai Châu chưa tách tỉnh. Hàng hóa phong phú và nhiều vô kể, rực rỡ muôn sắc màu, nhưng đa phần là hàng Trung Quốc. Nông sản địa phương chỉ là rau, măng, ngô, đỗ không có gì lạ. Thậm chí tìm mua nải chuối chín cũng khó, vì ở đây đồng bào trồng chuối để nhập sang Trung Quốc rất được giá nên không bán chuối ở chợ nhà. Duy nhất có món phở dân tộc Mông có vẻ hấp dẫn. Bánh phở làm bằng bột sắn lọc trong như thạch, thái dài, to bằng 2 ngón tay, chan nước thịt băm, 10 nghìn đồng một bát.

Ở cuối chợ có bãi đất rộng tập trung toàn đàn ông. Đó là nơi mua bán các loại chim rừng. Chỉ tiếc rằng, đoàn nhà văn toàn người không biết chơi chim nên không ai vào hỏi giá. Không thấy hàng thắng cố nào trong chợ. Chỉ thấy nhiều cô gái Mông, Hà Nhì địu con hoặc dắt con len lỏi xem các sạp hàng quần áo sặc sỡ. Trên đường vào chợ, có chiếc ti vi to của Đồn BP Dào San đang mở chương trình tuyên truyền về ngày bầu cử, có rất nhiều bà con dân tộc đi chợ xúm lại xem.

Chúng tôi lên đường vào xã Tông Qua Lìn, một xã nghèo của Phong Thổ. Tuy nhiên, với thời gian một buổi chiều, đoàn chỉ đến được bản Căng Há, vì các bản cách nhau khá xa và đường rất khó đi. Dọc theo con dốc ngoặt ngoẹo ấy, những căn nhà của người Hà Nhì nằm rải rác. Nhà nào cũng 3 gian nhỏ, tường đất trình dày, lợp mái tôn, duy nhất một cửa ra vào thấp bé như cửa hang... Trong mỗi căn nhà đó đều thắp một ngọn điện đỏ quạch không nhìn rõ mặt người.

Chúng tôi vào căn nhà đầu tiên là gia đình ông Vàng A Tả. Căn nhà đất chỉ khoảng 3 chục mét vuông mà 8 người sống, gồm 2 bố mẹ và 6 người con. Ba chiếc giường kê sát nhau lùng bùng ri đô và chăn màn. Bấy giờ nhà ông đang ăn cơm nên thấy chúng tôi, dù là khách lạ họ cũng mời: “Vào ăn cơm đi. Ở đâu đến đấy?”. Mâm cơm chẳng có gì ngoài mấy bát rau luộc và nước chấm đen đen.

Khi biết chúng tôi ở Hà Nội lên thăm, họ vui lắm. Hỏi gì cũng xởi lởi trả lời. “Sắp tới có đi bầu cử không?”. “Đi chứ”. “Ai đi?”. “Cả nhà đi, từ 18 tuổi là đi, không được bỏ phiếu hộ nhau”. “Biết chữ không?”, “Mình không biết nhưng con biết. Nó đọc cho”. Thế mới biết, chính quyền ở đây tuyên truyền rất tốt và nhân dân chấp hành rất nghiêm việc bầu cử. Chúng tôi xin chụp ảnh cùng, mấy cụ già thích lắm, cứ bảo: “Nhớ gửi ảnh lên cho mình nhìn nhé”.

Nói chung, đến nhà nào cũng vậy. Nhà cửa đơn sơ, bữa ăn đơn giản, cuộc sống đơn điệu theo vòng thời gian từ nhà lên nương rồi lại về nhà. Nương thì hẹp và chỉ trồng được một vụ ngô hay lúa. Nhà thì bé lại đông con, không có nghề thủ công, không nuôi được gia súc. Mang tiếng người Hà Nhì có truyền thống cấy lúa nước ruộng bậc thang, chăn nuôi gia súc và có nghề thủ công dệt vải mà đến bản này chẳng thấy chuồng trại đâu, chẳng thấy khung cửi đâu. Vậy mà họ vẫn tồn tại vững bền qua bao đời trên vùng biên này giống như những cây vườn không tưới tắm mà vẫn xanh tươi tháng ngày bên bờ giậu.

Và bờ giậu ấy là gì? Đó là những đồn Biên phòng trên miền biên cương xa xôi nơi đây. Thiếu tá, Đồn trưởng Đồn BP Dào San tên là Trương Minh Đức, sinh năm 1980, quê gốc Hà Nội mới về đồn 2 tháng và vừa mới lấy vợ. Biết chúng tôi là nhà văn nên trong bữa cơm, anh đã hào hứng kể nhiều chuyện tiếu lâm địa phương khiến chúng tôi cười rũ.

Còn Chính trị viên, Trung tá Vàng A Lầu (người dân tộc Mông ở Sơn La) thì hiền hậu, dịu dàng như con gái. Anh cho chúng tôi khá nhiều thông tin hấp dẫn và lý thú: Đồn BP Dào San quản lý 19km đường biên giới nằm trên 3 xã giáp với Trung Quốc. Đặc biệt, ở đây có cột mốc 79 ở độ cao 2.880m so với mực nước biển, là cột mốc cao nhất trên lãnh thổ Việt Nam. Từ cột mốc này, lên trên khoảng 200m nữa, ta sẽ chinh phục đỉnh Phàn Liên San cao 3.012m, nơi ranh giới tự nhiên phân chia lãnh thổ Việt Nam và Trung Quốc, nơi có vài bức tường thành đã bỏ hoang, chứng tích về một vùng biên viễn trong lịch sử đã từng khốc liệt.

Đi tuần tra nơi đây, chiến sĩ phải đi ròng rã từ 3 đến 4 ngày, nếu mùa đi phát quang đường biên, có khi phải đi 2 tháng mới về đơn vị. Những lần ấy, chiến sĩ phải đeo theo lương thực, thực phẩm mà ăn. Có khi người tuần tra bên ta gặp người tuần tra bên bạn giữa rừng thẳm núi cao, rét mướt, đói bụng, họ xin nhau cái bánh, gói mỳ, chai nước... là chuyện bình thường.

Cha ông nói “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Chúng tôi nói: “Đến một nơi gian khổ, biết một rổ chuyện đời”. Thật vậy, có đi xa, vượt núi băng rừng lên đây với BĐBP mới biết họ đâu chỉ mỗi việc đeo súng tuần tra dọc đường biên canh giữ phên giậu Tổ quốc. Đã nhiều đồn cử cán bộ vào làm lãnh đạo cho xã, nhiều cán bộ đồn đã tham gia ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân xã. Rồi các anh dạy dân trồng trọt, chăn nuôi, đến dạy dân học chữ; từ việc đỡ đầu cho các cháu nhà nghèo vượt khó đến xây dựng trường học, mua sắm sách vở. Ở Đồn BP Dào San, các anh còn tổ chức lớp cai nghiện cho người nghiện ma túy tại đồn hằng tháng trời..., phỏng ở đâu làm được như BĐBP?

Một đêm nằm lại Đồn BP Dào San, càng thấu hiểu cuộc đời người chiến sĩ Biên phòng. Nghe bên ngoài sương lạnh nhỏ giọt trên mái nhà, trên những cây mận hậu đang vào mùa quả chín, mới ngẫm ra rằng, gia tài vật chất của người lính thời nào cũng đơn giản. Chỉ gói gọn trong chiếc ba lô, nhưng các anh có rất nhiều những giá trị phi vật chất. Ấy là tình cảm, sự tin yêu của nhân dân đối với các anh. Các anh là “gia tài” của Tổ quốc, là nguồn cảm hứng đích thực nhất, trong sáng nhất cho các nhà văn chúng tôi yên tâm khi cầm bút mà không sợ mình viết nhầm.

Nguyễn Thị Mai

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bien-cuong-mua-man-chin/