Biển đảo Việt Nam qua góc nhìn điện ảnh

Trong khuôn khổ Liên Hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI được tổ chức từ ngày 23-27/11/2019 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hơn 200 hình ảnh về biển đảo của Việt Nam trong một số phim truyện, phim tài liệu Việt Nam, hình ảnh, tư liệu văn bản lịch sử về chủ quyền biển đảo Việt Nam sẽ được Viện phim Việt Nam giới thiệu tới công chúng qua cuộc triển lãm mang tên 'Biển đảo Việt Nam qua góc nhìn điện ảnh'.

Trong khuôn khổ Liên Hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI được tổ chức từ ngày 23-27/11/2019 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hơn 200 hình ảnh về biển đảo của Việt Nam trong một số phim truyện, phim tài liệu Việt Nam, hình ảnh, tư liệu văn bản lịch sử về chủ quyền biển đảo Việt Nam sẽ được Viện phim Việt Nam giới thiệu tới công chúng qua cuộc triển lãm mang tên “Biển đảo Việt Nam qua góc nhìn điện ảnh”

Từ bao đời nay, biển đảo mang lại nguồn cảm hứng vô tận cho các nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ điện ảnh. Hình ảnh biển đảo trở thành bối cảnh và góp phần tạo nên thành công của nhiều bộ phim. Và trong chuyến thăm Quân chủng Hải quân năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đep, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Thật đúng như vậy, nước ta với đường bờ biển dài 3.260 km, biển đảo luôn chiếm trọn tình yêu và niềm tự hào của người dân Việt Nam.

Trong khuôn khổ Liên Hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI được tổ chức từ ngày 23-27/11/2019 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hơn 200 hình ảnh về biển đảo của Việt Nam trong một số phim truyện, phim tài liệu Việt Nam, hình ảnh, tư liệu văn bản lịch sử về chủ quyền biển đảo Việt Nam sẽ được Viện phim Việt Nam giới thiệu tới công chúng qua cuộc triển lãm mang tên “Biển đảo Việt Nam qua góc nhìn điện ảnh”. Điện ảnh nước nhà hiện nay có hàng trăm bộ phim về đề tài biển đảo Tổ quốc. Từ các phim về đề tài chiến tranh thời kỳ thống nhất xây dựng đất nước như Chung một dòng sông, Trên hải phận Tổ quốc, Đầu sóng ngọn gió, Biển gọi, Những ngôi sao biển, Bài ca những người lấn biển, Đường ra đảo, Chặng đường mới của biển, Đảo thép, Trường Sa tháng 4 năm 1988, Dòng sông hoa trắng, Vị đắng tình yêu… đến các phim về thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế như: Đảo Lý Sơn, Làng lính nơi đảo xa, Hoàng Sa trong lòng Tổ quốc, Sóng nhà giàn, Đường biển Việt Nam, Mỹ nhân kế, Đảo của dân ngụ cư, Bám biển… Nhưng dù ở thời kỳ nào, phim truyện hay tài liệu hầu hết các bộ phim đều mang lại cho công chúng góc nhìn tổng thể, đa dạng và sâu sắc nhất về vấn đề biển đảo của nước ta. Đồng thời, tập trung phản ánh những câu chuyện văn hóa, lịch sử, về lòng yêu nước và ý thức về chủ quyền biển đảo đối với người xem.

Rõ nét nhất vẫn ở mảng phim tài liệu. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, nhiều bộ phim tài liệu quý về biển đảo của nước ta được các nhà làm phim Việt thực hiện và cho tới bây giờ, khi được chiếu lại trên truyền hình, các bộ phim ấy vẫn còn nguyên giá trị. Điển hình là bộ phim Đầu sóng ngọn gió của cố đạo diễn - NSND Nguyễn Ngọc Quỳnh nói về cuộc sống chài lưới và chiến đấu của nhân dân trên một hòn đảo ngoài khơi vịnh Bắc Bộ đã ngày đêm đánh trả máy bay Mỹ đến bắn phá đảo để giành lại bình yên cho dân làng. Hay những thước phim Trường Sa tháng 4/1988 của cố NSND Lê Mạnh Thích, vẫn khiến khán giả nhớ như in hình ảnh chân thực, xúc động về cuộc sống của những người lính Trường Sa trên tàu HQ505. Các chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn đã phải ngày đêm vật lộn với bão sóng, đề phòng bọn cướp biển, chịu đựng mọi gian khổ, thiếu thốn để hoàn thành nhiệm vụ giữ biển, giữ đảo. Đặc biệt, bộ phim tư liệu Đảo Lý Sơn ghi lại được hình ảnh chủ gia đình trên đảo còn lưu giữ văn tự đời cha ông để lại - từng được Vua nhà Nguyễn cử ra đảo Lý Sơn. Tư liệu quý này khẳng định vai trò đội thủy binh được Vua Nguyễn giao nhiệm vụ giữ đảo, khẳng định chủ quyền Việt Nam. Những bộ phim ở thời kỳ đổi mới như Bọt biển và sóng ngầm là một tác phẩm mang tính bảo tồn giá trị lịch sử văn hóa Việt Nam. Bộ phim khắc họa những yếu tố cốt lõi tạo nên lãnh thổ, cương vực và chủ quyền của dân tộc ngay từ thuở bình minh của lịch sử, trong bối cảnh nhà cầm quyền Trung Quốc đang leo thang các chiến lược bành trướng lãnh thổ của họ ở Biển Đông. Hay Những câu chuyện nhỏ trên biển lớn của đạo diễn Phan Huyền Thư, Chạm tới biển của hai đạo diễn Lê Ngọc Thanh - Lê Đức Hải, Đây là những câu chuyện xúc động về người lính đang làm nghĩa vụ quân sự ở Trường Sa, về người cựu chiến binh đầu tiên ra quần đảo thiêng liêng nhận phần mộ người con trai hy sinh, hay hành trình vươn ra biển của người Việt từ đầu Công nguyên và quá trình tham gia vào mạng lưới hải thương thế giới…

\

Ở các bộ phim truyện điện ảnh, từ bộ phim Chung một dòng sông đánh dấu sự ra đời và phát triển của nền phim truyện điện ảnh Cách mạng Việt Nam tới các bộ phim như Chị Tư Hậu, Vị đắng tình yêu, Đời cát, Mỹ nhân kế, Đảo của dân ngụ cư, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Lạc giới, Người bất tử... dù nội dung không quá đặc trưng như ở mảng phim tài liệu, nhưng những hình ảnh, bối cảnh xen kẽ trong nhiều bộ phim đều nêu bật được vẻ đẹp của biển cả với nước xanh, cát trắng, những dãy núi đá vôi chạy dọc bờ kỳ vĩ và thơ mộng.

Dù ở thời kỳ nào những bộ phim về chủ đề biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc vẫn không ngừng phát triển, giới làm nghề vẫn đang ngày đêm cho ra nhiều tác phẩm được làm theo nhiều hình thức khác nhau. Tất cả các bộ phim ấy đều rất ấn tượng, với những câu chuyện, những hình tượng đánh thức lòng tự hào về biển đảo yêu thương và những giá trị đó sẽ nuôi dưỡng lòng yêu nước trong mỗi trái tim con người Việt Nam hôm nay và mai sau.

Xuân Thu

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/bien-dao-viet-nam-qua-goc-nhin-dien-anh-2019111718573877.htm