Biển Đen 'tăng nhiệt'

Mối quan hệ vốn căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp tục bị đẩy lên nấc thang mới sau vụ Nga bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine với cáo buộc các tàu này xâm phạm lãnh hải Nga tại eo biển Kerch.

Ngày 25-11, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết, tàu tuần tra của Nga đã bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine tại eo biển Kerch kết nối Biển Đen và biển Azov. Nga cáo buộc Ukraine không thông báo trước về việc 3 con tàu qua eo biển Kerch, đồng thời cho biết các tàu của Ukraine đã đi lại một cách nguy hiểm và phớt lờ những chỉ dẫn của phía Nga nhằm kích động căng thẳng, buộc Moscow phải dùng tới vũ lực để ngăn chặn quân đội Ukraine xâm phạm bất hợp pháp vùng biển Nga. FSB nêu rõ 3 con tàu của Ukraine đã không phản hồi những yêu cầu hợp pháp của giới chức Nga, xâm phạm biên giới Nga để tiến hành các hoạt động bất hợp pháp trong vùng lãnh hải Nga. Phía Nga đánh giá đây là hành động khiêu khích.

Trong khi đó, phía hải quân Ukraine lại khẳng định nước này đã thông báo trước cho Nga về lộ trình di chuyển những con tàu của họ, vốn bắt buộc phải đi qua eo biển Kerch để đến biển Azov. Phía Ukraine cho rằng Nga đã cố tình cho tàu chặn đường qua eo biển Kerch. Với sự yểm trợ của máy bay quân sự quần đảo phía trên, tàu cảnh giới của Nga đã đâm vào tàu kéo Ukraine, nổ súng và giữ cả 3 con tàu với 23 thủy thủ Ukraine. Đụng độ cũng khiến ít nhất 6 thủy thủ Ukraine bị thương. Ukraine gọi đây là "hành động có chủ định" của phía Nga.

Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) công bố bức ảnh về vụ đụng độ giữa các tàu Nga và Ukraine ngày 25-11. Ảnh: TASS.

Vụ việc khiến tình hình trong khu vực nóng lên từng giờ. Ngày 26-11, với 276 phiếu ủng hộ và 30 phiếu chống, Quốc hội Ukraine đã thông qua đề xuất áp đặt thiết quân luật trong thời gian 30 ngày của Tổng thống Petro Poroshenko. Tình trạng thiết quân luật bắt đầu từ ngày hôm nay (28-11), tại các khu vực biên giới của nước này.

Về phía Nga, người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov ngày 27-11 cho rằng việc Ukraine áp đặt tình trạng thiết quân luật có nguy cơ làm gia tăng xung đột tại các khu vực của nước này, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam. Ông Dmitry Peskov cho biết vụ đụng đột nói trên không cần một cuộc hội đàm trực tiếp giữa Tổng thống hai nước bởi lực lượng biên phòng Nga đã "dẹp yên những đối tượng vi phạm lãnh thổ Nga". Theo ông Peskov, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong vài ngày tới sẽ đưa ra lập trường chính thức về vụ đụng độ trên eo biển Kerch.

FSB cũng công bố lời khai của thủy thủ đoàn trên 3 tàu hải quân Ukraine bị bắt giữ sau vụ đụng độ trên eo biển Kerch. Trong đoạn băng ghi lại buổi thẩm vấn, các thủy thủ Ukraine, trong đó có thuyền trưởng, thừa nhận đã được cảnh báo trước về những hậu quả tiềm tàng khi xâm phạm biên giới Nga. Tuy nhiên, họ đã cố tình phớt lờ yêu cầu rời khỏi lãnh hải của lực lượng bảo vệ biên giới Nga gửi qua sóng vô tuyến. Trong lời khai của mình, thuyền trưởng Lesovoy, sĩ quan Drach và thủy thủ Tsybizov cho biết đã được chính quyền Kiev trực tiếp ra lệnh di chuyển từ Odessa đến Mariupol qua eo biển Kerch.

Được biết, căng thẳng giữa Moscow và Kiev xung quanh eo biển Kerch đã âm ỉ từ nhiều tháng qua, khi các quan chức Ukraine cáo buộc Nga đang tìm cách phong tỏa cửa ngõ duy nhất để tàu Ukraine tiến vào các cảng trên bờ biển Azov nhằm làm xói mòn nền kinh tế nước này và tăng cường quyền kiểm soát với vùng biển khu vực. Trước đó, năm 2003 Nga và Ukraine đã ký một hiệp ước công nhận eo biển Kerch và biển Azov là vùng lãnh hải chung, nhưng kể từ khi sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga năm 2014 và xây dựng cầu Kerch, Moscow bắt đầu tăng cường hoạt động kiểm soát tại khu vực này.

Vụ va chạm mới nhất ngày 25-11 vừa qua giữa Nga và Ukraine chính là “giọt nước tràn ly” trong mối quan hệ vốn không hề bình lặng giữa hai quốc gia láng giềng. Theo bình luận viên Mark Moore của New York Post, vụ việc có nguy cơ mở ra một mặt trận mới trong cuộc xung đột kéo dài nhiều năm qua ở miền Đông Ukraine. Ngoài ra, vụ việc cũng sẽ đẩy mối bất hòa giữa Nga và phương Tây đi xa và trầm trọng hơn, khi Ukraine đã nhiều lần đề xuất Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) "can thiệp" vào vấn đề này.

HÀ LAN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/bien-den-tang-nhiet-555609