Biên độ hợp lý để uốn nắn học trò vào khuôn phép tôn sư trọng đạo?

Câu chuyện Ban giám hiệu Trường THPT Nguyễn Trãi – Thanh Hóa ra quyết định đuổi học 8 học sinh vì nói xấu thầy cô trên Facebook, đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều giới, nhiều ngành trong xã hội.

Trước những phản ứng không đồng thuận, Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu hủy bỏ quyết định trên. Tuy nhiên, phía sau sự cố không vui này, còn có nhiều điều cần suy ngẫm một cách nghiêm túc!

Trường THPT Nguyễn Trãi nơi xảy ra sự việc

Sự việc bắt đầu từ giáo viên chủ nhiệm Đậu Thị Bích nhìn thấy trên màn hình điện thoại của học sinh T. hiện thị cuộc nói chuyện từ tài khoản Facebook có tên là “Đ.C.B” có nội dung không mấy hay ho về thầy cô và trường học. Giáo viên chủ nhiệm Đậu Thị Bích đã báo cáo với lãnh đạo Trường THPT Nguyễn Trãi, đồng thời mời gặp và trao đổi với phụ huynh của những học sinh liên quan đến những thông tin kia. Cho rằng hành vi của 8 học sinh lớp 10A5 nằm ở mức độ "chưa bao giờ gặp nhóm học sinh có hành vi lăng mạ thầy cô và nhà trường trên mạng xã hội như vậy”, nên Ban Giám hiệu ra quyết định kỷ luật bằng hình thức đuổi học.

Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi - Bùi Nguyễn Tiến chia sẻ: Việc xử lý 8 học sinh là căn cứ theo Thông tư 08/TT ngày 21/3/1988 về hướng dẫn khen trường và kỷ luật học sinh. Bởi lẽ, “nhóm học sinh bị đuổi học trao đổi với nhau có nội dung tục tĩu, xúc phạm giáo viên, dọa đốt trường, đốt sổ đầu bài, ném mắm tôm vào nhà cô chủ nhiệm…”. Rõ ràng, thái độ ngỗ ngược và xấc xược của 8 học sinh lớp 10A5 rất đáng báo động về đạo đức học đường. Hình thức đuổi học các em, là một phản ứng hơi vội vàng và không mang tính giáo dục, nhưng cũng không thể xem nhẹ hoặc bỏ qua. Thiết yếu phải có một hình thức kỷ luật khác, phù hợp hơn và có tính răn đe hơn! Học sinh không tôn trọng thầy cô hôm nay, thì ngày mai vào đời sẽ ngạo mạn phủ nhận những chuẩn mực trật tự của xã hội, thậm chí sẽ trở thành những kẻ bôi xóa và phản loạn!

Do ngành giáo dục nhiều năm qua đã nảy sinh quá nhiều bất câp và tai tiếng, nên tâm lý không hài lòng đang nhắm vào những người đứng trên bục giảng bằng cái nhìn khích bác và tiêu cực. Đây là một vấn nạn đáng ái ngại. Không thể nhân danh dân chủ hoặc tiến bộ để bênh vực mọi sai quấy của học sinh. Nếu các bậc phụ huỵnh và dư luận cứ gây áp lực ồn ào để giáo viên thỏa hiệp trước các biểu hiện lệch lạc ở lứa tuổi mới lớn, thì sẽ đẩy nhanh sự trượt dài hư hỏng cho thế hệ tương lai. Cần tạo ra một biên độ nhất định để giáo viên được áp dụng những biện pháp sư phạm văn minh nhằm uốn nắn học sinh đi vào khuôn phép tôn sư trọng đạo!

Giáo dục thời công nghệ số, phải chăng nên bám chặt lấy tiêu chí lâu đời nhất mà cha ông từng nhắc nhở “tiên học lễ, hậu học văn”? Nếu trường học chỉ quan tâm đến thành tích điểm số, thì sự nghiệp đào tạo nhân cách rất dễ lụi bại!

LÊ THIẾU NHƠN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/bien-do-hop-ly-de-uon-nan-hoc-tro-vao-khuon-phep-ton-su-trong-dao-post230152.html