Biến đổi khí hậu - tiếng chuông cảnh báo thế giới

Nắng nóng, mưa lũ, cháy rừng, lở đất có lẽ đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với toàn thể người dân thế giới trong năm 2018. Từ châu Á tới châu Âu, hay châu Mỹ, thậm chí là ngay cả những khu vực từng có khí hậu ôn hòa, nắng nóng và mưa lũ kỷ lục, kéo dài đã và đang làm đảo lộn cuộc sống, ảnh hưởng tới sản xuất, đe dọa kinh tế, an ninh...

Lũ lụt nghiêm trọng tại Nhật Bản làm 200 người thiệt mạng.

Nắng nóng hoành hành trên khắp châu Âu với nhiệt độ trên 40 độ C đã trở thành “chuyện thường nhật” ở Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Italy Anh. Nhiều thành phố châu Âu liên tục chứng kiến những mức kỷ lục mới về nhiệt độ.

Ngày 4/8 đã được ghi nhận là ngày nắng nóng nhất tại Pháp kể từ năm 2003. Mức nhiệt độ 46,8 độ C cũng là kỷ lục ở Bồ Đào Nha trong 15 năm qua. Mùa Hè năm nay trở thành mùa Hè nóng nhất tại Thụy Điển trong 260 năm qua. Italy phải ban bố "báo động đỏ" về tình trạng nắng nóng tại 18 thành phố.

Đáng lo ngại, số người tử vong và nhập viện do nắng nóng liên tục gia tăng tại châu Âu. Chỉ trong 1 tuần, số người thiệt mạng vì nắng nóng ở Tây Ban Nha đã lên tới 9 người. Trong đợt nắng nóng kéo dài 15 ngày ở Anh và xứ Wales từ tháng 6 sang tháng 7 vừa qua, số người tử vong đã cao hơn mức trung bình tới khoảng 700 người.

Nắng nóng không chỉ gây thiệt hại về người mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế. Pháp phải dừng hoạt động 4 lò phản ứng điện hạt nhân nhằm tránh rủi ro có thể xảy ra. Khu vực miền Đông nước Đức đang trải qua một trong những đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 55 năm qua, khiến sản lượng nông nghiệp bị ảnh hưởng tới 70%.

Nắng nóng gay gắt đang tàn phá nhiều cánh đồng lúa mì ở phía Bắc châu Âu, trong khi thời tiết khô hạn và mưa lớn tại các nước ở khu vực Biển Đen làm dấy lên lo ngại về nguy cơ mất mùa, đẩy giá loại ngũ cốc này tăng cao. Cơ quan tư vấn Strategie Grains đã hạ mức dự báo sản lượng thu hoạch lúa mì trong năm nay tại Liên minh châu Âu (EU), vựa lúa mì lớn nhất thế giới, dưới 130 triệu tấn, mức thấp nhất trong 6 năm qua. Chỉ trong 3 tuần qua, giá lúa mì đã tăng hơn 20% tại thị trường châu Âu và Mỹ.

Trong khi đó, các nước châu Á cũng phải hứng chịu nắng nóng khắc nghiệt. Với mức nhiệt lên mức kỷ lục trong 111 năm qua, Hàn Quốc đã ghi nhận khoảng 3.300 con gia súc, gia cầm chết, gây thiệt hại kinh tế ước tính trên 15 triệu USD. Tại Nhật Bản, hơn 130 người đã thiệt mạng và trên 70.000 người phải nhập viện trong đợt nắng nóng bất thường bắt đầu từ đầu tháng 7, sau khi trải qua đợt mưa lớn gây lũ lụt và lở đất nghiêm trọng tại khu vực miền Tây khiến hơn 200 người thiệt mạng và hàng chục người mất tích.

Trong khi đó, nắng nóng kinh hoàng với nhiệt độ lên đến hơn 40 độ C gần như “thiêu cháy” nhiều thành phố của Canada, khiến hơn 70 tử vong trong tháng 7. Đây còn là “thủ phạm” của những vụ cháy rừng chưa thể kiểm soát ở Mỹ, đặc biệt tại bang miền Tây California, thiêu rụi hơn 117.350 ha rừng, gần bằng diện tích của thành phố Los Angeles.

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) khẳng định các hiện tượng thời tiết cực đoan với cường độ và tần suất ngày càng tăng là hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu, mà chính con người, với những hoạt động sản xuất công nghiệp và sinh hoạt hằng ngày, góp phần gây ra.

Các số liệu trong Báo cáo khí hậu hằng năm của Mỹ do Hội Khí tượng cùng Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia nước này công bố ngày 1/8 cho thấy trong năm 2017, ba loại khí thải hàng đầu gây biến đổi khí hậu gồm carbon dioxide (CO2), mêtan và nitrous oxide (NO2) đều tăng kỷ lục. Riêng lượng khí thải CO2 toàn cầu đã tăng gần gấp 4 lần so với đầu những năm 60 của thế kỷ trước.

Các nhà khoa học cho rằng chỉ khi nào duy trì mức nhiệt tăng trong khoảng từ 1,5-2 độ C, nắng nóng, cháy rừng, bão, nước biển dâng, lũ lụt và hạn hán mới có thể được kiểm soát, thậm chí ngay cả khi duy trì được mức nhiệt này, nguy cơ khí hậu bất ổn và khó đoán vẫn tồn tại. Bởi vậy, trách nhiệm đầu tiên của mỗi quốc gia là giảm nhẹ nguy cơ biến đổi khí hậu thông qua việc tuân thủ và duy trì Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Điều quan trọng là giảm bớt lượng khí phát thải ra môi trường bằng cách giảm thiểu sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo.

Ngọc Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/bien-doi-khi-hau-tieng-chuong-canh-bao-the-gioi.aspx