Biến đổi khí hậu và dân số đô thị

Biến đổi khí hậu tác động đến đô thị như thế nào? Người dân TP.HCM hẳn nhận thấy rất rõ tác động này khi những đợt triều cường gây ra úng ngập khắp nơi, kéo theo nhiều hệ lụy khác.

Nhưng còn một thứ khó “nhìn” hơn. Đó là tác động làm gia tăng dân số. Một hội thảo khoa học được tổ chức tại TP.HCM gần đây cho thấy, với xu hướng gia tăng tần suất và mức độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, mưa bão, sạt lở đất…, biến đổi khí hậu đang gián tiếp tạo ra lực “đẩy” cư dân ở các khu vực chịu ảnh hưởng về TP.HCM, nơi có khí hậu ôn hòa, điều kiện tự nhiên thuận lợi hơn.

Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, PGS-TS Lê Thanh Sang, trong tương lai, TP.HCM sẽ tiếp tục là điểm đến của các cuộc di cư vì tác động của môi trường, chủ yếu là từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Trung bộ, vốn đang phải đối mặt với các vấn đề môi trường ngày càng gay gắt. Trong khi tỷ lệ dân số cả nước giảm một nửa thì riêng TP.HCM tỷ lệ tăng dân số gần gấp đôi. Giai đoạn tăng mạnh nhất là 1999-2009, chiếm đến 1/5 dân số tăng thêm của cả nước. Dân số tăng tại TP.HCM chủ yếu là do người di cư, đến từ tất cả các vùng miền trong nước.

Theo kịch bản về biến đổi khí hậu và nước biển dâng mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ĐBSCL là khu vực chịu tác động nặng nề và nghiêm trọng nhất từ biến đối khí hậu. Nếu nước biển dâng lên 1m thì khoảng 39% diện tích (gần 1,6 triệu ha) ĐBSCL bị ngập, khoảng 35% dân số (gần 6,3 triệu người) sẽ bị tác động trực tiếp. Việc các nước thượng nguồn sông Mê Kông xúc tiến xây dựng hàng loạt đập thủy điện cũng khiến ĐBSCL càng thêm dễ bị thương tổn. Nhiều nghiên cứu cho thấy các đập thủy điện sẽ chặn dòng chảy, gây giảm lượng phù sa và thiếu nước nghiêm trọng, gây ra những khó khăn lớn cho sinh kế và đời sống sinh hoạt của người dân.

Trong khi đó, bản thân đô thị TP.HCM trong quá trình phát triển đã và đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức phát sinh từ quá trình gia tăng dân số cơ học: Thiếu không gian cây xanh đô thị và bê tông hóa quá mức bề mặt đô thị; tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường và sức khỏe dân cư, chưa xây dựng được các mô hình xử lý chất thải bền vững…

Gia tăng dân số là gia tăng nguồn nhân lực cho TP.HCM, góp phần vào phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế của thành phố, nhưng đồng thời cũng làm tăng sức ép đối với yêu cầu giải quyết các vấn đề về bố trí không gian, tổ chức cuộc sống đô thị để đảm bảo phát triển bền vững. Mà những cuộc di cư được dự báo là sẽ còn tiếp tục và với số lượng người lớn hơn.

Cẩm Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/bien-doi-khi-hau-va-dan-so-do-thi.aspx