Biển Đông: Giữa căng thẳng, Mỹ có động thái thách thức Trung Quốc

Một tàu khu trục của Mỹ hôm qua (28/8) đã đi vào gần những đảo mà Trung Quốc đang đòi chủ quyền bất hợp pháp ở Biển Đông, quân đội Mỹ cho hay. Đây là một động thái có thể khiến Bắc Kinh nổi giận trong bối cảnh quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang 'căng như dây đàn'.

 tàu khu trục mang tên lửa lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ

tàu khu trục mang tên lửa lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ

Khu vực Biển Đông nhộn nhịp là một trong số rất nhiều điểm nóng ngày một tăng lên trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, trong đó có cuộc chiến thương mại, các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào quân đội Trung Quốc và mối quan hệ giữa Mỹ với Đài Loan. Tờ Reuters hôm 27/8 đưa tin, Trung Quốc đã từ chối không cho tàu chiến của Hải quân Mỹ đến thăm thành phố cảng Qingdao của nước này.

Tàu Wayne E. Meyer – một tàu khu trục mang tên lửa lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ, đã tiến hành chiến dịch ở Biển Đông, đi vào khu vực trong phạm vi 12 hải lý so với Đá Chữ Thập (Fiery Cross) và Đá Vành Khăn (Mischief Reefs), bà Reann Mommsen – nữ phát ngôn viên của Hạm đội Số 7 đóng tại Nhật Bản của Hải quân Mỹ, cho biết. Đá Chữ Thập (Fiery Cross) và Đá Vành Khăn (Mischief Reefs) vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc tranh chấp.

Chiến dịch trên được thực hiện “nhằm thách thức những đòi hỏi chủ quyền tham lam và bảo vệ các tuyến đường biển theo luật quốc tế”, bà Mommsen nhấn mạnh.

Chiến dịch của quân đội Mỹ ở Biển Đông diễn ra vào đúng thời điểm cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang chóng mặt khi hai bên tiếp tục áp đặt thêm nhiều mức thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của nhau. Chiến dịch của tàu chiến Mỹ cũng diễn ra vào thời điểm Trung Quốc đang gây quan ngại rất lớn cho cộng đồng quốc tế nói chung và các nước có lợi ích ở Biển Đông nói riêng khi liên tiếp có những động thái coi thường luật pháp quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của nước khác và gây hấn với các nước có tranh chấp trong khu vực.

Mỹ từ lâu đã có chiến dịch phản đối mạnh mẽ những đòi hỏi chủ quyền tham lam, phi lý và trái luật của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với 4 nước láng giềng Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Trung Quốc đang ngang nhiên đòi chủ quyền đến 90% Biển Đông - một khu vực biển có những tuyến đường hàng hải chiến lược có tính sống còn đồng thời chứa các nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú.

Trung Quốc đã và đang gây ra một làn sóng phản đối dữ dội và quyết liệt chưa từng có của các nước láng giềng trong khu vực cũng như của cộng đồng thế giới vì việc nước này đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trái phép ở Biển Đông. Sau một thời gian dài tiến hành các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông, gần đây, Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông như triển khai vũ khí, tên lửa đến các khu vực có tranh chấp đồng thời tăng cường các cuộc tập trận, bắn tên lửa ở những nơi này.

Chưa dừng lại ở đó, trong những tháng gần đây nhất, Trung Quốc bắt đầu có những hành động gây hấn với các nước có tranh chấp ở Biển Đông và đi xa hơn nữa là xâm phạm hẳn vào các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước khác. Cụ thể, hồi tháng Sáu, ở Philippines đã nổi lên một làn sóng phẫn nộ khi tàu Trung Quốc đâm vào tàu cá của Philippines và bỏ mặc số phận của các ngư dân Philippines trên con tàu đang chìm dần. Sau vụ việc với Philippines, Trung Quốc tiếp tục gây bất bình bằng hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam khi nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc hồi tháng Bảy và tháng Tám đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

Để phản đối đòi hỏi chủ quyền tham lam cũng như các bước đi quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ đã và đang đẩy mạnh chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông. Tư lệnh Không quân Mỹ gần đây tuyên bố, nước này không có kế hoạch giảm cường độ của chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông – một chiến dịch mà Bắc Kinh miêu tả là nguồn cơn gây ra căng thẳng ở khu vực này.

Kiệt Linh (tổng hợp)

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/quoc-te/201908/bien-dong-giua-cang-thang-my-co-dong-thai-thach-thuc-trung-quoc-639194/