Biến động khó lường, lời cảnh báo tới hai trụ cột kinh tế Việt Nam

Những thay đổi về chính sách cần tính đến tác động tới hai ngành trụ cột của nền kinh tế là bất động sản và ngân hàng; cũng như những tác động mang tính dây chuyền tới thị trường tài chính.

Sự hồi phục diễn ra không đồng đều

Tại Diễn đàn dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023 ngày 12/5, ông Francois Painchaud - Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam - cho rằng: Việc ban hành Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế là kịp thời và phù hợp để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế. Kích thích tài khóa trong khuôn khổ chương trình này trong năm 2022-2023 giúp tăng cường phục hồi, chữa lành các vết sẹo do đại dịch gây ra, đồng thời giúp tăng trưởng bền vững và bao trùm.

Cuộc sống dần trở lại trạng thái bình thường. Ảnh: Lương Bằng Tăng trưởng Việt Nam được dự báo sẽ đạt 6% vào năm 2022 và 7,2% trong năm 2023. Lạm phát dự kiến sẽ tăng lên, nhưng vẫn thấp hơn một chút so với mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là 4%. Vẫn sẽ có những rủi ro và sự bất định đáng kể đối với triển vọng kinh tế. Rủi ro đối với tăng trưởng nghiêng về phía tăng trưởng chậm lại, trong khi rủi ro đối với lạm phát nghiêng về phía tăng lạm phát. Ông Francois Painchaud, IMF

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, sự phục hồi của Việt Nam diễn ra không đồng đều. Kể từ khi nới lỏng các hạn chế, sự phục hồi kinh tế phần lớn được hỗ trợ bởi sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực chế biến chế tạo và xuất khẩu được hỗ trợ bởi các chính sách kinh tế vĩ mô nới lỏng.

Tăng trưởng trong quý 4/2021 và quý 1/2022 ở mức khoảng 5% vẫn thấp hơn mức trước đại dịch do cầu trong nước và hoạt động dịch vụ còn yếu, mặc dù đang cải thiện trong thời gian gần đây.

Phân tích sâu hơn sự phục hồi từng ngành kinh tế, Tổng giám đốc FiinGroup Nguyễn Quang Thuân đánh giá: Ngành bất động sản đang gặp những thách thức lớn trong ngắn hạn do những tác động từ chính sách và vốn tín dụng (đây là yếu tố rủi ro quan trọng nhất cần theo dõi). Khó khăn của ngành bất động sản sẽ có tác động đến một số ngành liên quan bao gồm: xây dựng và vật liệu xây dựng, đặc biệt là ngành ngân hàng… ”.

Theo lãnh đạo FiinGroup, một số ngành vẫn cần được “kích hoạt” cho hồi phục mạnh hơn nữa. Một số ngành có sự hồi phục rất chậm như hàng không và du lịch quốc tế, xây dựng & vật liệu. Yếu tố này sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cao hơn nhất là trong bối cảnh môi trường lãi suất đã “tạo đáy” và lạm phát có thể gia tăng vượt kỳ vọng.

Ông Nguyễn Quang Thuân lưu ý, ngành ngân hàng, tài chính vẫn phát triển tốt qua tâm dịch Covid-19, nhưng những khó khăn của ngành bất động sản hiện đối mặt có thể làm thay đổi bức tranh của ngành ngân hàng trong 2-3 năm tới. Thay đổi về chính sách cần tính đến những tác động tới hai ngành trụ cột của nền kinh tế: bất động sản và ngân hàng; cũng như những tác động mang tính dây chuyền tới thị trường tài chính nói chung và các ngành liên quan của Việt Nam. Ở nước ta hiện có sự liên thông rất lớn giữa thị trường tiền tệ, thị trường trái phiếu, tín dụng ngân hàng và thị trường chứng khoán/cổ phiếu.

Phát triển thị trường tài chính là vấn đề cần lưu ý

Cảnh giác lạm phát

Ông Francois Painchaud gợi ý, trong ngắn hạn, Việt Nam cần hoạch định chính sách mau lẹ, chủ động điều chỉnh quy mô và cấu phần hỗ trợ chính sách để phù hợp với tốc độ phục hồi. Nếu rủi ro tăng trưởng chậm lại trở thành hiện thực khi Việt Nam phải đối phó với áp lực lạm phát, chính sách tài khóa nên đóng vai trò là tuyến phòng thủ đầu tiên mà không cần đến sự hỗ trợ thêm của chính sách tiền tệ.

“Cho đến nay, chính sách tiền tệ đã hỗ trợ một cách thích hợp nhưng cần phải ngày càng cảnh giác với rủi ro lạm phát. Nếu áp lực lạm phát kéo dài xuất hiện, Ngân hàng Nhà nước nên thắt chặt vị thế chính sách tiền tệ của mình và truyền thông rõ ràng những biện pháp giúp kiềm chế lạm phát”, đại diện IMF đề xuất.

Dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2022 nằm trong khoảng 4% - 4,5%. Dự báo lạm phát năm 2023 của Việt Nam khoảng 5%- 5,5%. Ông Nguyễn Bích Lâm

Phân tích sâu về lạm phát của Việt Nam, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng: Lạm phát chuỗi cung ứng là nhóm yếu tố tạo áp lực lớn nhất đến lạm phát của nền kinh tế trong thời gian tới. Kinh tế nước ta có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ 37% chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế; tỷ lệ này trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo - ngành có vai trò là động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế chiếm 50,98%.

Ngoài ra, giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao cũng khiến lạm phát tăng. Kinh tế Việt Nam có đặc điểm khi giá nguyên vật liệu tăng 1% thì giá sản phẩm đầu ra tăng 2,06%, đồng nghĩa với gia tăng lạm phát của nền kinh tế, do đó rủi ro nhập khẩu lạm phát là không thể tránh khỏi trong bối cảnh các nền kinh tế là đối tác thương mại lớn, quan trọng hàng đầu của Việt Nam như Mỹ, EU, Hàn Quốc... đều dự báo lạm phát ở mức đáng lo ngại.

“Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô 350 nghìn tỷ đồng, cùng với các gói hỗ trợ của năm 2021 đang thẩm thấu vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế sẽ làm cho tổng cầu tăng đột biến, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch là áp lực lớn lên lạm phát trong năm 2022 và 2023”, ông Nguyễn Bích Lâm đánh giá.

Một trong những giải pháp kiểm soát lạm phát được ông Nguyễn Bích Lâm khuyến nghị là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ, thực hiện hài hòa chính sách tài khóa và tiền tệ. Sử dụng chính sách tiền tệ đúng liều lượng, hợp lý, không quá chú trọng vào chính sách tiền tệ để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng vì hỗ trợ tín dụng và hạ lãi suất cho vay dẫn tới gia tăng lạm phát và rủi ro cho hệ thống ngân hàng.

Lương Bằng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bien-dong-kho-luong-loi-canh-bao-toi-hai-tru-cot-kinh-te-viet-nam-2018680.html