Biến động khó lường

Giá dầu thô thế giới tăng lên mức cao nhất trong bốn năm qua, sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu chủ chốt khác từ chối tăng sản lượng nhằm hạ nhiệt thị trường dầu mỏ. Khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc có nguy cơ tác động tiêu cực kinh tế toàn cầu và thị trường dầu mỏ, cùng nguồn cung được dự báo khan hiếm hơn, thị trường 'vàng đen' tiếp tục đối mặt nhiều thách thức.

Bình luận quốc tế

Giá dầu thô Brent Biển Bắc giao tháng 11 đã tăng tới gần 81 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11-2014. Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 11 cũng tăng 1,52 USD lên 72,30 USD/thùng sau khi lên mức cao nhất trong hai tháng qua. Giá dầu tăng đột biến sau cuộc họp của các thành viên OPEC và các nước đối tác sản xuất dầu mỏ, trong đó có Nga, tại thủ đô Algiers của Algeria, mà không có đề xuất chính thức nào về tăng sản lượng dầu mỏ theo lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ D.Trump. Sau thời gian dài giá dầu ở mức thấp, các nước xuất khẩu dầu mỏ trong và ngoài OPEC đã phải tìm mọi biện pháp để kéo giá dầu lên. Thỏa thuận Algiers năm 2016 của 25 quốc gia trong và ngoài OPEC về cắt giảm 1,8 triệu thùng dầu/ngày là một trong những giải pháp đó, song thỏa thuận này sẽ hết hạn cuối năm nay. Do đó, các nước cần thảo luận kỹ lưỡng để mở rộng hợp tác, đối phó những thách thức ngày càng tăng. Các nhà sản xuất cho rằng, mức giá 80 USD/thùng là phù hợp với cả nhà sản xuất và người tiêu dùng, bảo đảm thị trường toàn cầu cân bằng.

OPEC đã tăng dự báo về sản lượng dầu mỏ toàn cầu, đồng thời dự báo nhu cầu dầu sẽ tăng trong dài hạn, nhất là tại các nước đang phát triển. Theo dự báo, nguồn cung tất cả các sản phẩm hydrocarbon trên toàn cầu, chủ yếu là dầu và khí hóa lỏng, sẽ tăng từ mức hiện tại 98,4 triệu thùng/ngày lên 104,5 triệu thùng/ngày vào năm 2023 và 111,9 triệu thùng/ngày vào năm 2040.

Những con số này cao hơn so dự báo hồi năm 2017, nguyên nhân do sự gia tăng sản lượng dầu mỏ tại các nước ngoài OPEC mà đứng đầu là Mỹ. Tổng sản lượng khai thác của các nước ngoài OPEC được dự đoán sẽ tăng 8,6 triệu thùng/ngày, lên 66,1 triệu thùng/ngày vào năm 2023 do nhu cầu toàn cầu tăng. Tuy nhiên, nhu cầu về dầu mỏ cũng tiếp tục tăng lên bất chấp sự gia tăng thị phần của các loại ô-tô điện và các nước tăng cường chính sách khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Bởi tại các quốc gia đang phát triển vốn có sự gia tăng dân số và phát triển về kinh tế, dầu mỏ vẫn là một trong những nhân tố quan trọng quyết định tốc độ tăng trưởng.

Việc các nhà sản xuất dầu mỏ không muốn tăng sản lượng là nhằm giữ cho giá dầu ổn định. Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhận định, sau khi đạt sản lượng kỷ lục 100 triệu thùng/ngày hồi tháng 8 vừa qua, thị trường “vàng đen” thế giới có thể rơi vào tình trạng cung không đủ cầu và giá nhiên liệu tăng cao do Iran và Venezuela giảm sản lượng xuất khẩu dầu mỏ. IEA cho rằng, thị trường dầu mỏ thế giới đang bước vào thời kỳ “quyết định” khi “mọi thứ trở nên cạnh tranh hơn”. Các lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran sẽ có hiệu lực từ tháng 11 tới được dự báo sẽ tác động thị trường. Sản lượng dầu mỏ của Iran - thành viên của OPEC - trong tháng 8 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7-2016, sau khi nhiều khách hàng, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ, hai nhà nhập khẩu dầu hàng đầu, phải dừng nhập khẩu dầu mỏ từ quốc gia Hồi giáo, do lo ngại các lệnh trừng phạt của Mỹ. Sản lượng dầu mỏ của Iran đã giảm 500 nghìn thùng/ngày kể từ tháng 5. Trong khi đó, cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ cũng tạo ra những thách thức mới cho thị trường dầu mỏ. Để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế vốn bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại với Mỹ, Trung Quốc cần tìm kiếm nguồn cung dầu mỏ giá rẻ. Và những nhân tố này sẽ khiến giá dầu khó có thể đứng yên.

Tháng 8 vừa qua, việc Mỹ đã vượt Nga và A-rập Xê-út trở thành nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới có thể dẫn tới những tính toán nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Mỹ trên thị trường này. Các quốc gia sản xuất dầu mỏ trong và ngoài OPEC từ chối lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ D.Trump về tăng sản lượng dầu mỏ được cho là sẽ gây áp lực cho thị trường vàng đen ở Mỹ. Dù A-rập Xê-út hứa bù đắp việc giảm sản lượng khai thác ở Venezuela và Iran, song quốc gia đồng minh của Mỹ lại “bắt tay” với Nga từ chối đề xuất tăng sản lượng từ Mỹ. Những toan tính bảo vệ lợi ích của các “đại gia” dầu mỏ do vậy đang khiến “thị trường vàng đen” diễn biến khó lường.

ANH THƯ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/37731002-bien-dong-kho-luong.html