Biển Đông là tâm điểm của họp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN

Hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông đẩy Mỹ, đồng minh và các nước trong khu vực hợp tác sâu rộng hơn về quốc phòng.

Từ 18-20/10, Bộ trưởng Quốc phòng 10 nước ASEAN sẽ tham dự kỳ họp thường niên lần thứ 12 tại Singapore cùng các bộ trưởng từ Trung Quốc, Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản, theo South China Morning Post.

Tình trạng căng thẳng kéo dài trên Biển Đông được dự đoán sẽ là chủ đề chính trong phiên họp trên, giữa lúc Trung Quốc và Mỹ gia tăng căng thẳng tại khu vực.

Máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc tuần tra trên Biển Đông. Ảnh: AP.

Máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc tuần tra trên Biển Đông. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng phái đoàn các nước sẽ hướng đến tìm kiếm sự đồng thuận về các vấn đề ít gây tranh cãi như cứu trợ thiên tai, hợp tác nghiên cứu hàng hải và chống khủng bố, gồm đề xuất của Singapore trong việc thiết lập mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo chống khủng bố trong khu vực.

Theo SCMP các chuyên gia không mong đợi nhóm bộ trưởng đưa ra bất kỳ bước tiến thực tế nào về vấn đề tranh chấp lãnh thổ trong kỳ họp lần này.

Chủ đề nóng

South China Morning Post nhận định thái độ chỉ trích ngày càng gay gắt của Mỹ đối với các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông cũng có khả năng trở thành "chủ đề nóng" trong kỳ họp ASEAN diễn ra vào tuần tới.

Trước đó, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã lên án hành vi hung hãn của Bắc Kinh trong việc điều tàu khu trục gây hấn với tàu chiến Mỹ hồi cuối tháng 9.

"Washington có thể nhắc lại cam kết ủng hộ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, đồng thời đề cập đến hành động của Bắc Kinh trên Biển Đông", ông Aaron Rabena, thành viên Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Philippines, cho biết. "Trong lúc quan hệ Mỹ - Trung rơi vào căng thẳng, các nước ASEAN sẽ đối mặt với sức ép từ cả hai phía".

Theo một số chuyên gia, hoạt động quân sự hóa của Bắc Kinh trên Biển Đông không những khiến ASEAN lo ngại mà còn khuyến khích các đồng minh của Mỹ, gồm Ausralia, Nhật Bản, New Zealand, Anh và Pháp, hợp tác sâu rộng hơn tại khu vực.

"Chúng ta có thể kỳ vọng các cuộc đàm phán mạnh mẽ và quan trọng sẽ diễn ra tại phiên họp cấp bộ trưởng tới đây", bà Elena Collinson, nhà nghiên cứu thuộc Viện Quan hệ Australia - Trung Quốc, Đại học Công nghệ Sydney, cho biết.

“Bất kỳ quyết định nào… cũng cần xem xét mối quan hệ của mỗi nước ASEAN với cả Trung Quốc và phương Tây”, bà Collinson nói.

Từ ngày 18-20/10, Bộ trưởng Quốc phòng 10 nước ASEAN tham dự kỳ họp thường niên lần thứ 12 tại Singapore cùng các bộ trưởng từ Trung Quốc, Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản. Ảnh: AP.

Trung Quốc lo ngại vì bị chú ý trên Biển Đông

Ngoài hội nghị cấp bộ trưởng vào tuần tới, Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ khai mạc buổi diễn tập hợp tác hàng hải vào cuối tháng này. Giới chuyên gia cho rằng đây là động thái "xây dựng niềm tin" hơn là biến chuyển chiến lược.

Các nước Đông Nam Á cũng hướng đến việc thắt chặt quan hệ với nhiều quốc gia khác, gồm Mỹ và Nhật Bản, nhằm chống lại sức ảnh hưởng của Trung Quốc.

"Cuộc chơi giữa Bắc Kinh và Washington đã bắt đầu..., và nó đang ở mức báo động", bà Pooja Bhatt của Trung tâm nghiên cứu Không lực ở New Delhi nhận xét. "Vì hai cường quốc trên mâu thuẫn, các quốc gia khác buộc phải lo ngại về tình hình an ninh, họ đang phản ứng bằng cách thúc đẩy xây dựng các mô hình tăng cường an ninh".

Tàu chiến Mỹ thực hiện các hoạt động tuần tra trên Biển Đông. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Trung Quốc bị tố "khiêu khích bất hợp pháp" các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ trên vùng Biển Đông, trong khi Anh và Pháp cũng thực hiện nhiều hoạt động tại khu vực này trong năm nay.

"Bắc Kinh có vẻ lo ngại trước những sự chú ý này", ông Bill Hayton của viện nghiên cứu Chatham House nói. "Trung Quốc đã quyết định gây khó dễ cho các quốc gia khác, mức độ nghiêm trọng của cuộc chạm trán giữa tàu Trung Quốc và tàu Mỹ vừa qua là vô cùng đáng quan ngại".

Chuyên gia Collinson cho rằng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông "chắc chắn đã gia tăng" trong năm qua.

"Để đạt được bất kỳ sự thay đổi nào trên vùng biển tranh chấp, thông điệp phải được truyền tải qua nhiều hơn một kênh", bà Collinson nói. "Tuy nhiên, ngoài Mỹ, các quốc gia khác khá miễn cưỡng trong việc đưa ra bất kỳ cam kết nào nhiều hơn là khẳng định 'quan ngại sâu sắc'".

"Là nước nhỏ, thành viên của khối ASEAN sẽ gánh chịu hậu quả của các cuộc xung đột trong khu vực", bà nói.

Máy bay trinh sát Mỹ bị TQ yêu cầu rời Biển Đông 'ngay lập tức' Máy bay trinh sát P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ làm nhiệm vụ trong không phận quốc tế ở Biển Đông bị Trung Quốc yêu cầu "rời khỏi đây ngay lập tức".

Chi Mai

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/bien-dong-la-tam-diem-cua-hop-bo-truong-quoc-phong-asean-post884268.html