Biển Đông: Mỹ, Nhật 'động thủ' khiến Trung Quốc 'toát mồ hôi hột'

Chiến hạm lớn nhất của Nhật Bản – Kaga vừa có màn phô trương sức mạnh với nhóm tàu sân bay tấn công đầy uy lực USS Ronald Reagan của Mỹ ở khu vực Biển Đông sóng gió.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan

Lực lượng hải quân của hai nước Mỹ và Nhật Bản đã tiến hành các bài tập huấn luyện khả năng triển khai theo đội hình và phối hợp hành động chung. Cuộc tập trận diễn ra vào ngày 31/8. Chiến hạm của hai nước Mỹ và Nhật Bản còn diễn tập các thủ tục tiếp viện cho nhau. Cuộc tập trận đã cho thấy hạm đội của hai bên có thể phối hợp hành động “nhuần nhuyễn” như thế nào, Chuẩn Đô đốc của Mỹ - ông Karl Thomas cho biết.

Ông Thomas – người chỉ huy Đội 70 đóng tại Nhật Bản của Mỹ, nhấn mạnh rằng, cuộc tập trận chung giữa họ đã giúp “tăng cường hơn nữa khả năng tương tác, phối hợp” mà lực lượng hai bên “đã xây dựng trong những năm qua.”

Đội tàu chiến của Nhật Bản dưới sự dẫn dắt của chiến hạm lớn nhất Kaga đã đến Vịnh Subic của Philippines ngày hôm qua (1/9) cùng với hai tàu khu trục. Philippines là chặng dừng chân đầu tiên trong hành trình kéo dài hai tháng của đội tàu chiến Nhật Bản ở vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chiến lược. Các chiến hạm của Nhật Bản dự kiến sẽ đến thăm một loạt cảng ở Indonesia, Singapore, Ấn Độ và Sri Lanka. Hoạt động triển khai này được cho là nhằm để tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Hải quân Nhật Bản với Hải quân của các nước đối tác đồng thời “đóng góp cho hòa bình và sự ổn định” trong khu vực, chỉ huy của đội tàu Nhật Bản – Chuẩn Đô đốc Tatsuya Fukuda phát biểu.

Chiến hạm JS Kaga - biểu tượng sức mạnh mới của Nhật Bản

Cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Nhật Bản diễn ra ở Biển Đông - nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Kể từ năm 2013, Trung Quốc bắt đầu tiến hành đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo và các công trình trái phép trên quy mô lớn ở Biển Đông. Hoạt động bồi đắp làm thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông của Trung Quốc hiện nay đang gây ra sự lo ngại, bất bình rất lớn trong khu vực nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung. Trong thời gian qua, Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối, đối phó và đáp trả một cách quyết liệt và mạnh mẽ chưa từng có của các nước láng giềng cũng như của các cường quốc lớn trên thế giới.

Cả Nhật Bản và Mỹ đều không có tranh chấp ở Biển Đông nhưng cả hai nước này đều đang là những lực lượng đi đầu trong việc chống lại tham vọng độc chiếm Biển Đông chiến lược của Trung Quốc. Tokyo cũng có tranh chấp với Bắc Kinh ở biển Hoa Đông và nước này không tránh khỏi cảm giác lo ngại trước những tham vọng của nước láng giềng.

Việc Nhật Bản bắt tay với Mỹ trong các hành động ở Biển Đông luôn khiến Bắc Kinh tức giận.

Chiến hạm Kaga đã gia nhập vào hàng ngũ chính thức của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản hồi năm ngoái. Chiến hạm JS Kaga được thiết kế chuyên để chống tàu ngầm. Trong tương lai, chiếc tàu sân bay trực thăng này có thể sẽ được trang bị chiến đấu cơ tối tân F-35.

Dù không được gọi tên chính thức là tàu sân bay nhưng chiến hạm Kaga của Nhật Bản được thiết kế không khác gì những chiếc tàu sân bay trực thăng – thứ vũ khí được ví là “bá chủ đại dương”. Tàu Kaga dài 250m, có trọng lượng nước rẽ là 27.000 tấn và có thể mang tới 14 chiếc trực thăng.

Trong khi đó, USS Ronald Reagan là thế hệ tàu sân bay hạt nhân đầu tiên có khả năng chiến đấu hiệu quả nhất của Hải quân Mỹ. Siêu hàng không mẫu hạm thuộc lớp Nimitz này là thế hệ tàu sân bay hạt nhân thứ hai của Mỹ. Tàu sân bay lớp Nimitz được đánh giá là tàu chiến lớn nhất thế giới hiện nay, và cũng là tàu sân bay tiên tiến nhất thế giới. Tàu dài hơn 330m, tốc độ trên 30 hải lý/giờ.

Là tàu thứ 9 thuộc lớp Nimitz, USS Ronald Reagan được đưa vào sử dụng từ năm 2003. Tàu có lượng choán nước toàn tải 113.600 tấn, mang theo 90 máy bay các loại. Máy bay chiến đấu chủ lực trên các tàu lớp Nimitz là tiêm kích trên hạm F/A-18. Hàng không mẫu hạm này tham gia nhiều chiến dịch quân sự của Mỹ ở trên khắp thế giới.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan được trang bị vũ khí gồm 2 hệ thống tên lửa Mk 29 Sea Sparrow, 2 hệ thống tên lửa dẫn đường RIM-116 Rolling. Tàu Reagan cũng được trang bị những hệ thống phòng thủ, radar, hệ thống tích hợp vũ khí, hệ thống chỉ huy và công nghệ thông tin tối tân nhất. USS Ronald Reagan là bản nâng cấp hiện đại hơn rất nhiều so với phiên bản mà nó thay thế - USS George Washington.

Kiệt Linh(tổng hợp)

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/quoc-te/201809/bien-dong-my-nhat-dong-thu-khien-trung-quoc-toat-mo-hoi-hot-613392/