Biến động nhân sự cấp cao trong mùa đại hội cổ đông ngân hàng

Mùa đại hội cổ đông( ĐHCĐ) thường niên 2019 của ngành ngân hàng đang cận kề (cao điểm tháng 3-4/2019) và dự báo có nhiều biến động nhân sự cấp cao trong kỳ đại hội này.

Nóng nhân sự cấp cao

ĐHCĐ VietinBank dự kiến diễn ra vào ngày 23/4 tới đây. Một trong các nội dung quan trọng tại họp ĐHĐCĐ thường niên 2019 của VietinBank là công tác nhân sự nhiệm kỳ 2019 - 2024 do nhiệm kỳ cũ sẽ kết thúc trong năm nay. Năm 2018, ngân hàng có biến động về nhân sự cấp cao sau khi ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT, được điều chuyển làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh. Hiện ngân hàng có Chủ tịch là ông Lê Đức Thọ và Tổng giám đốc là ông Trần Minh Bình.

 Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Vietinbank nhận quyết định điều chuyển làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Vietinbank

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Vietinbank nhận quyết định điều chuyển làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Vietinbank

MBB vừa chốt danh sách cổ đông tham dự ĐHĐCĐ thường niên vào ngày 4/3 tới. Một trong các nội dung quan trọng của cuộc họp năm nay là việc bầu HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới 2019 - 2024. Do đó, ngân hàng cũng chốt danh sách cổ đông được đề cử, ứng cử nhân sự dự kiến bầu vào cùng ngày. Hiện Chủ tịch HĐQT của MBBank là ông Lê Hữu Đức. Ngoài ông Đức, HĐQT MBBank còn có 2 Phó Chủ tịch là ông Lưu Trung Thái (kiêm Tổng giám đốc) và ông Lê Công; 7 thành viên HĐQT khác trong đó có 1 thành viên HĐQT độc lập. Năm 2018, MBBank đạt 7.767 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 68% so với năm 2017. Đến cuối năm 2018, tổng tài sản MBBank đạt 362.361 tỷ đồng, tăng 15,4% so với hồi đầu năm; dư nợ cho vay khách hàng và huy động tiền gửi tăng 16,2% và 9%.

Eximbank cho biết, tiến hành ĐHCĐ năm nay vào ngày 26/4/2019, tại TP.HCM. Nội dung báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2018, phương hướng kinh doanh năm 2019 và một số nội dung thuộc thẩm quyền ĐHCĐ. Eximbank cũng đã chốt danh sách tham dự ĐHCĐ thường niên năm 2019 vào ngày 28/1/2019 vừa qua. Tài liệu ĐHCĐ được Eximbank cho biết, sẽ công bố trên website ngân hàng trước ngày đại hội diễn ra. Kết thúc hoạt động năm 2018 vừa qua, lợi nhuận Eximbank chỉ đạt 827 tỷ đồng trước thuế, giảm 19% so với năm 2017, do phải trích lập cao nên dẫn đến lỗ trong quý IV/2018. Cụ thể, liên quan đến 2 vụ tiền gửi “bốc hơi” khiến Eximbank bị lỗ tới 309 tỷ đồng trong quý IV/2018. Đồng thời, phải trích bổ sung dự phòng trái phiếu đặc biệt VAMC số tiền 514 tỷ đồng.

Với Eximbank, không chỉ có điểm nóng về vụ việc phải trích lập dự phòng cho khoản tiền nói trên mà trong kỳ ĐHCĐ năm nay dự kiến vấn đề nhân sự cấp cao cũng được cổ đông quan tâm. Trong kỳ ĐHCĐ thường niên năm trước, CEO Eximbank ông Lê Văn Quyết đã có ý kiến với HĐQT tìm kiếm Tổng giám đốc mới sau 2 vụ mất tiền gửi tiết kiệm, gây thất thoát hành trăm tỷ đồng cho Eximbank. Cụ thể, sau 2 vụ việc mất tiền tại Eximbank và cũng qua giai đoạn xử lý các tồn đọng, ông Lê Văn Quyết đã có nguyện vọng tìm kiếm nhân sự mới để tiếp tục điều hành Eximbank. Người thay thế vị trí ghế “nóng” nói trên được thị trường đồn đoán là ông Nguyễn Cảnh Vinh – Phó tổng giám đốc Eximbank. Thế nhưng, từ tháng 4/2018 đến nay, nhân sự cấp cao của nhà băng này vẫn giữ nguyên. Năm qua, Eximbank tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc tài sản.

MBBank và Eximbank dự kiến cũng có thay đổi về nhân sự cấp cao. Ảnh: IT.

Tuy nhiên, tâm lý của cổ đông Eximbank không khỏi ảnh hưởng, do trong nhiều năm không nhận được một đồng cổ tức. Ban lãnh đạo Eximbank cho rằng, trong nhiều năm qua, Ngân hàng phải tập trung xử lý nợ xấu nên phải tập trung mọi nguồn lực để xử lý các tồn đọng và xử lý nợ xấu nên cổ đông cũng phải hy sinh.

Một số ngân hàng cho biết, sẽ tiến hành bầu HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới trong kỳ ĐHCĐ năm nay. Trong đó, Saigonbank và MBBank sẽ bầu HĐQT, BKS nhiệm kỳ 5 năm 2019 - 2024. Tại VIB, nhiệm kỳ VII (2016 - 2019) của HĐQT và BKS của ngân hàng sẽ kết thúc và phiên họp tới đây, ngân hàng sẽ bầu nhiệm kỳ mới 4 năm (2019 - 2023), dự kiến HĐQT sẽ có 7 thành viên trong đó 6 thành viên thông thường và 1 thành viên độc lập. Vì thế, nhân sự cấp cao lĩnh vực này sẽ có nhiều biến động. Thực tế, trong các kỳ ĐHCĐ, nhân sự cấp cao luôn là điểm nóng.

Và áp lực vốn mỏng

Ngoài nhân sự cấp cao biến động thì tăng vốn là một trong những điểm nóng của ngành ngân hàng năm nay. Tại Vietinbank, một vấn đề khá nóng khác đó là kế hoạch tăng vốn điều lệ. Trên thực tế, các phương án tăng vốn của VietinBank đều gặp khó. Nguồn vốn ngân sách không sẵn sàng, việc phát hành cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu trong đó cổ đông nhà nước nắm giữ 64,5% vốn không khả thi. Tăng vốn qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu cũng có thể gặp khó khăn do quản lý thu chi ngân sách của Bộ Tài chính. Đối với phương án phát hành riêng lẻ, VietinBank đã chạm giới hạn cả về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa và sở hữu Nhà nước tối thiểu.

Bởi không tăng được vốn nên trong quý IV/2018, Vietinbank phải giảm dư nợ tín dụng tới 26.000 tỷ đồng do CAR giảm. Tuy nhiên, nhờ thu hẹp quy mô tín dụng và quy mô tài sản, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (hệ số CAR) mới được cải thiện. Theo tiết lộ từ cổ đông lớn Nhật Bản MUFG trong cuộc gặp Thủ tướng hôm 22/2, MUFG sẵn sàng hỗ trợ VietinBank trong tăng vốn và muốn nâng tỷ lệ sở hữu lên 50% tại Vietinbank thay vì chỉ ở mức xấp xỉ 20% cổ phần của nhà băng hiện nay.

Vietcombank vừa được NHNN chấp thuận sửa đổi vốn điều lệ lên 37.088 tỷ đồng, tiếp tục kế hoạch trở thành ngân hàng lớn nhất Việt Nam. Trước đó, hồi cuối tháng 1, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận nhà đầu tư Mizuho mua cổ phần của Vietcombank để đảm bảo duy trì tỷ lệ sở hữu 15% vốn điều lệ, bên cạnh việc nhà đầu tư khác là GIC đến từ Singapore mua 2,55% cổ phần của nhà băng này, qua đó giúp Vietcombank tăng vốn lên hơn 37.000 tỷ. Được biết thương vụ đã hoàn tất từ cuối tháng 12/2018 và đối tác cũng chuyển tiền xong cho Vietcombank trước ngày 4/1.

Thế nhưng, vào ngày 26/4 tới đây, Vietcombank sẽ tổ chứ ĐHCĐ thường niên 2019. Một trong những nội dung đáng chú ý là ngân hàng sẽ tiếp tục tăng vốn, bởi kế hoạch phát hành vốn cho đối tác ngoại mới thực hiện được 1/3 trong tổng số cổ phiếu dự kiến chào bán. Lần tăng vốn năm nay có thể ngân hàng sẽ thực hiện qua việc tiếp tục phát hành riêng lẻ hoặc trình cổ đông phương án phát hành tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu (chia cổ phiếu thưởng) và chi trả cổ tức bằng cổ phiếu. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Vietcombank tính đến hết năm 2018 đạt 20.029 tỷ đồng.

Hiện Vietcombank đang đứng thứ 2 sau VietinBank về vốn điều lệ, nhưng mức chênh lệch rất ít. Với kế hoạch tăng vốn hoàn tất trong năm nay của nhà băng này, trong khi VietinBank vẫn đang bế tắc trong việc tăng vốn, chắc chắn Vietcombank sẽ sớm trở thành ngân hàng có vốn lớn nhất Việt Nam. Việc đáp ứng các chuẩn mực Basel II cận đề đè nặng các nhà băng, vì vậy cầu về tăng vốn điều lệ để nâng hệ số an toàn vốn (CAR) tiếp tục tăng năm nay.

Không chỉ các “ông lớn” trong ngành đang đứng trước áp lực tăng vốn mà với nhà băng nhỏ càng khó khăn hơn khi không tăng được vốn nhiều năm qua như: Saigonbank, VietA Bank,VietBank… hiện vốn điều lệ chỉ hơn mức 3.000 tỷ đồng.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/bien-dong-nhan-su-cap-cao-trong-mua-dai-hoi-co-dong-ngan-hang-158770.html