Biển Đông nóng: Việt Nam có chính nghĩa và lẽ phải

'Lợi thế lớn nhất của chúng ta là chính nghĩa và lẽ phải. Hai yếu tố này giúp Việt Nam có được sự ủng hộ mãnh mẽ của cộng đồng quốc tế'

Khu vực nhà giàn DK1, trong đó có Bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam.

Khu vực nhà giàn DK1, trong đó có Bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam.

Việc nhóm tàu địa chất Hải dương 8 của Trung Quốc có các hoạt động thăm dò địa chất trái phép gần khu vực bãi Tư Chính - Vũng Mây nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đang trở thành tâm điểm của dư luận trong những ngày vừa qua.

Trao đổi với Đất Việt chiều 23/7, ông Lê Việt Trường - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội khóa XIII nhấn mạnh, luật pháp quốc tế đã quy định rất rõ ràng bãi Tư Chính thuộc chủ quyền của Việt Nam, theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn cố tình đi đến khu vực bãi Tư Chính, sử dụng sức mạnh Hải quân đe dọa, gây khó cho những nước nhỏ hơn như Việt Nam. Hành động này đã khiến cộng đồng quốc tế cảm thấy bức xúc và lập tức lên tiếng bảo vệ công lý, chính nghĩa cho Việt Nam. Điều đó chứng tỏ rằng, thế giới vẫn có một trật tự rõ ràng, không phải Bắc Kinh muốn làm gì cũng được.

Mỹ là nước lên tiếng mạnh mẽ nhất trước các hoạt động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông. Washington yêu cầu Bắc Kinh ngừng ngay các thói bắt nạt nước khác và kiềm chế, tránh các hành động mang tính khiêu khích và gây bất ổn khu vực.

Phân tích về lợi thế và khó khăn của Việt Nam trong vấn đề bảo vệ chủ quyền Biển Đông, ông Trường cho rằng:

Lợi thế lớn nhất của chúng ta là chính nghĩa và lẽ phải. Hai yếu tố này giúp Việt Nam có được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Nhiều nước trên thế giới đã thể hiện quan điểm rất rõ ràng, mạch lạc ủng hộ Việt Nam trong vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.

Việt Nam có đầy đủ chứng cứ, tư liệu lịch sử, cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền tại khu vực bãi Tư Chính nói riêng và vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trên Biển Đông nói riêng. Chúng ta đã liên tục duy trì quản lý khu vực này trong nhiều năm qua, lịch sử cũng ghi nhận điều đó.

Theo Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội khóa XIII, Tuyên bố về Ứng xử trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc và ASEAN ký năm 2002 không có nhiều tác dụng. Quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Việt Nam là muốn có một Bộ quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) mang tính ràng buộc pháp lý.

"COC sẽ có tính pháp lý cao hơn, quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên có tính ràng buộc, có những nguyên tắc xử lý vấn đề xung đột để đảm bảo môi trường hòa bình hợp tác, phát triển. Về cơ bản Việt Nam và các nước khác trong khu vực ASEAN cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu này. Tuy nhiên cũng cần lưu ý một vài điểm.

Tư tưởng chủ đạo của Trung Quốc từ trước tới nay luôn là "gác lại tranh chấp và cùng nhau khai thác". Chính vì vậy, Việt Nam cần nói rõ quan điểm rằng bãi Tư Chính thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đó không phải là chỗ cho sự nhập nhèm, Việt Nam sẽ thực hiện quyền của một nước có độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển theo đúng luật pháp quốc tế", ông Lê Việt Trường nêu quan điểm.

Theo ông Trường, Việt Nam luôn luôn muốn các nước trên thế giới có sự quan tâm, chia sẻ trách nhiệm với các nước có quyền lợi trực tiếp trên biển Đông như Việt Nam, Philippines, Indonesia.

Hoàng Hải

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tinh-hinh-bien-dong-van-de-bien-dong/bien-dong-nong-viet-nam-co-chinh-nghia-va-le-phai-3384334/