Biến động tỷ giá ảnh hưởng đáng kể lợi nhuận nhiều 'ông lớn' dệt may

Sau 6 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp dệt may ghi nhận sự tăng trưởng mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận. Thậm chí có doanh nghiệp báo lãi tăng gấp 4 lần so với nửa đầu năm ngoái.

Nhiều doanh nghiệp dệt may tăng trưởng mạnh cả doanh thu và lợi nhuận

Sau 6 tháng, hầu hết các doanh nghiệp dệt may đều ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận, đứng đầu có Tổng CTCP Dệt may Hòa Thọ (mã HTG) với mức tăng 329%. Cụ thể, doanh thu 6 tháng HTG tạo ra 2.145 tỷ đồng, tăng 19,4% so với cùng kỳ. Chi phí phát sinh trong kỳ giảm đồng thời ghi nhận khoản lãi khác hơn 1,9 tỷ đồng giúp lợi nhuận trước thuế của HTG tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ, xấp xỉ 55 tỷ đồng. Lãi sau thuế thu về hơn 51 tỷ đồng.

Tăng trưởng trên 70% có CTCP Sợi Thế Kỷ (mã STK)CTCP May Sông Hồng (MSH). Nhóm tăng trưởng trên 50% có “ông lớn” Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã VGT), CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG), CTCP Damsan (mã ADS).

Những doanh nghiệp còn lại như CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã TCM), CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, mã GIL),… cũng đều khả quan.

Chỉ có 2 doanh nghiệp dệt may ghi nhận tăng trưởng âm, là Tổng Công ty May 10 - CTCP (mã M10) giảm hơn 5% lợi nhuận và CTCP X20 (mã X20) giảm gần 38% so với cùng kỳ. Thậm chí, doanh thu 6 tháng của 2 doanh nghiệp này cũng đều sụt giảm lần lượt 8% và 1,1% so với nửa đầu năm ngoái.

Trong khi đó dẫn đầu về cả doanh thu lẫn lợi nhuận 6 tháng đầu năm vẫn là những cái tên quen thuộc. Tập đoàn Dệt may Việt Nam - Vinatex ghi nhận doanh thu thuần 6 tháng đầu năm đạt 9.386 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ, hoàn thành 46% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt Lợi nhuận sau thuế đạt 481 tỷ đồng, tăng 58,4% so với số lãi nửa đầu năm ngoái.

Tính riêng quý II, doanh thu và lợi nhuận của VGT cũng đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Théo đó, doanh thu thuần đạt 4.986 tỷ đồng, tăng 16,7% so với quý II năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 302 tỷ đồng, tăng trưởng 59% so với cùng kỳ.

Hay Tổng CTCP May Việt Tiến (Vtec, mã VGG) với doanh thu thuần quý II đạt 2.752 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ, trong khi chi phí giá vốn tăng đến 23,3% nên lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ còn 290 tỷ đồng, tăng 16% so với quý II năm ngoái.

Trừ các loại chi phí phát sinh, riêng quý II, VTEC ghi nhận đạt 127 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ 121,5 tỷ đồng.

Tính chung 6 tháng đầu năm đạt doanh thu thuần 4.612 tỷ đồng, tăng 22,7% so với nửa đầu năm ngoái và thực hiện 55% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 270 tỷ đồng, thực hiện được 75% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 223,5 tỷ đồng, tăng 21% so với nửa đầu năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ hơn 215 tỷ đồng.

Biến động tỷ giá ảnh hưởng đáng kể lợi nhuận

Theo ghi nhận nửa đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may nước ta ghi nhận tích cực khi tăng 17% so với cùng kỳ, đạt 16,5 tỷ USD. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp dệt may trở thành các doanh nghiệp xuất khẩu lớn, có nguồn thu ngoại tệ ổn định.

Mặt khác, các doanh nghiệp dệt may phần lớn nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài về để gia công, giá thành sản xuất của doanh nghiệp cũng phụ thuộc nhiều vào tỷ giá USD/VND chưa kể việc phải vay nợ ngoại tệ.

Biến động thất thường của tỷ giá thời gian qua có tác động 2 chiều tới kết quả kinh doanh của nhóm ngành dệt may. Một số doanh nghiệp dệt may có giá trị xuất khẩu lớn và ít nợ vay USD sẽ vẫn được hưởng lợi ít nhiều từ khi tỷ giá USD/VND tăng, điển hình là VGG.

Ngược lại, những doanh nghiệp có dư nợ vay USD nhiều lại chịu những tác động tiêu cực khi tỷ giá USD/VND tăng như TCM hay GIL. Thời điểm 30/06, TCM vay nợ USD 29 triệu USD trong khi doanh thu từ xuất khẩu xấp xỉ 141 triệu USD. Con số này đối với GIL là 21 triệu USD trên 88 triệu USD thu được từ hoạt động xuất khẩu.

Thực tế 6 tháng đầu năm, lỗ tỷ giá "ăn mòn" đáng kể lợi nhuận của các doanh nghiệp dệt may.

Nổi bật là Vinatex, lãi từ chênh lệch tỷ giá tính đến 30/6/2018 ghi nhận giảm 33% so với cùng kỳ từ 32,8 tỷ đồng xuống còn 22 tỷ đồng. Trong khi đó, lỗ từ chênh lệch tỷ giá lại tăng 121% từ mức 23 tỷ lên 50,8 tỷ đồng khiến Vinatex lỗ ròng từ chênh lệch tỷ giá lên tới 28,8 tỷ đồng sau 6 tháng.

Hay như Sợi Thế kỷ cũng lỗ ròng hơn 11,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn còn ghi nhận lãi tại khoản mục này. Nhiều doanh nghiệp dệt may khác cũng chung cảnh bị ảnh hưởng bởi tỷ giá như Thành Công lỗ hơn 7 tỷ, Việt Thắng lỗ hơn 2,5 tỷ đồng hay Hòa Thọ cũng lỗ 1,9 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái còn lãi hơn 5,6 tỷ đồng…

May Việt Tiến là cái tên hiếm hoi duy trì được lãi từ chênh lệch tỷ giá trong nửa đầu năm nay với mức 4,1 tỷ đồng, tăng 3,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

THANH HÀ

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/bien-dong-ty-gia-anh-huong-dang-ke-loi-nhuan-nhieu-ong-lon-det-may-3463709.html