Biên giới Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ hỗn loạn vì người di cư

Khu vực biên giới giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đang chìm trong khủng hoảng khi những ngày gần đây, hàng chục nghìn người di cư dồn về đây để tìm cách vượt biên trái phép vào châu Âu, dẫn tới các cuộc đụng độ với lực lượng cảnh sát và binh sĩ Hy Lạp.

Hơi cay, bom khói mù mịt giữa dòng người hỗn loạn-đó là cảnh tượng được các phương tiện truyền thông thế giới nhắc tới rất nhiều về khu vực biên giới Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ trong vài ngày trở lại đây. Tường thuật lại diễn biến ở khu vực này trong ngày 7-3, hãng tin AP cho biết, một nhóm người di cư đã cố kéo đổ hàng rào với hy vọng có thể “chọc thủng biên giới” để vào Hy Lạp, trong khi các nhóm khác liên tiếp ném đá vào cảnh sát. Lực lượng cảnh sát Hy Lạp giải quyết tình hình bằng cách bắn đạn hơi cay về đám đông và đã có vài người bị thương trong các vụ đụng độ. Đến tối cùng ngày, cảnh sát phải dùng vòi rồng để dập tắt các đám lửa sáng rực dọc biên giới. Thế nhưng số người di cư đổ về đây vẫn ngày càng tăng…

 Binh sĩ và cảnh sát Hy Lạp tìm cách ngăn chặn người di cư vượt biên trái phép. Ảnh: CNBC

Binh sĩ và cảnh sát Hy Lạp tìm cách ngăn chặn người di cư vượt biên trái phép. Ảnh: CNBC

Tình trạng hỗn loạn và đụng độ ở khu vực biên giới giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ bùng phát sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 28-2 vừa qua tuyên bố mở cửa biên giới cho người di cư tìm cách đến châu Âu thay vì tiếp tục giữ những người này ở lại để đổi lấy khoản viện trợ tài chính từ Liên minh châu Âu (EU) theo thỏa thuận đạt được năm 2016. Theo lập luận của phía Thổ Nhĩ Kỳ, nước này không còn đủ khả năng chứa hàng trăm nghìn người di cư, đặc biệt khi ngày càng có nhiều người tị nạn từ Syria chạy sang.

Đáp lại, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho rằng quyết định của Ankara chẳng khác nào hành động “bật đèn xanh” cho dòng người di cư tràn vào Hy Lạp cũng như châu Âu. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN, ông Kyriakos Mitsotakis cũng chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm thỏa thuận về kìm hãm dòng người di cư năm 2016 và tuyên bố thỏa thuận này không còn hiệu lực. Ông nói: “Hãy nghiêm túc nhìn nhận, giờ đây, thỏa thuận đó đã chết. Nó không còn hoạt động vì Thổ Nhĩ Kỳ quyết định vi phạm hoàn toàn thỏa thuận, vì những gì diễn ra ở Syria. Hy Lạp không phải là nước làm gia tăng căng thẳng tình hình hiện nay, chúng tôi có quyền bảo vệ chủ quyền ở các khu vực biên giới”.

Tương tự, phía Thổ Nhĩ Kỳ cũng khẳng định thỏa thuận nói trên không còn hiệu lực vì nước này chẳng nhận được sự hỗ trợ tài chính như EU đã hứa. Trước tình hình này, được biết EU đang xem xét bổ sung 500 triệu euro viện trợ cho người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ để giảm bớt căng thẳng, nhưng Ankara vẫn chưa hồi đáp về đề xuất này.

Reuters dẫn một nguồn tin cho biết, kể từ ngày 29-2 đến nay, lực lượng chức năng Hy Lạp đã ghi nhận gần 40.000 người di cư cố gắng vượt biên trái phép vào lãnh thổ nước này và tiến hành hàng trăm vụ bắt giữ.

Theo thông tin từ Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), hiện có khoảng 116.000 người tị nạn và người di cư đang ở Hy Lạp. Mới đây, Bộ trưởng Di trú Hy Lạp Notis Mitarachi thông báo nước này sẽ trục xuất những người nhập cư trái phép mới vào Hy Lạp. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tiếp nhận khoảng 3,6 triệu người tị nạn Syria và đang đối mặt với những dòng người di cư khác tràn vào nước này.

Dòng người di cư đổ dồn về khu vực dọc biên giới chung giữa hai nước cũng khiến quan hệ giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ có chiều hướng gia tăng căng thẳng về vấn đề này. Trong khi Athens cáo buộc cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng hơi cay để đẩy người di cư vượt biên trái phép sang lãnh thổ Hy Lạp thì Ankara cũng tuyên bố sẽ triển khai 1.000 cảnh sát nhằm ngăn chặn Hy Lạp đẩy người di cư quay trở lại lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.

ANH VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/bien-gioi-hy-lap-tho-nhi-ky-hon-loan-vi-nguoi-di-cu-611819