Biển hiệu tiếng Trung át chữ Việt ở Đà Nẵng: 'Bình thường'

Các nhà hàng, dịch vụ làm đẹp ven biển Đà Nẵng mà đặc biệt tại quận Sơn Trà các tấm biển hiệu bằng chữ Hàn, chữ Trung Quốc lấn át tiếng Việt.

Xung quanh thông tin những biển hiệu chữ nước ngoài lấn át chữ Việt ở Đà Nẵng, ngày 27/2, trao đổi với báo Đất Việt, lãnh đạo UBND phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) cho rằng, thông tin không hoàn toàn chính xác.

"Biển hiệu nào có cả tiếng nước ngoài và tiếng Việt ở trong phường đều được làm theo luật như tiếng Việt được viết to hơn. Biển hiệu ghi song ngữ điều này là bình thường", lãnh đạo UBND phường Phước Mỹ nói.

Theo vị lãnh đạo này, các nhà hàng trong phường đều chấp hành đúng nội quy, quy định của pháp luật. Nếu có nhà hàng in biểu hiệu không đúng, đoàn kiểm tra liên ngành sẽ nhắc nhở ngay.

Dọc các tuyến đường ven biển, các nhà hàng hải sản, cửa hàng lưu niệm tại Đà Nẵng nhan nhản các bảng hiệu tiếng nước ngoài lấn át tiếng Việt. Ảnh: CAND

Trong khi đó, về việc này, cùng ngày, ông Hà Vỹ, phó giám đốc Sở văn hóa và thể thao thành phố Đà Nẵng cho rằng, có tình trạng nhiều biển hiệu chữ nước ngoài lấn át chữ Việt ở Đà Nẵng.

"Chúng tôi sẽ kiểm tra và dẹp bỏ những biển hiệu không đúng quy định", ông Vỹ cho biết.

Như báo chí đưa tin, thời gian gần đây, dọc các tuyến phố du lịch, các nhà hàng hải sản, dịch vụ làm đẹp chăm sóc sức khỏe, các cửa hàng bán hàng lưu niệm ven biển Đà Nẵng mà đặc biệt là tại quận Sơn Trà các tấm biển hiệu, quảng cáo bằng chữ Hàn, chữ Trung Quốc đang lấn át tiếng Việt.

Đáng lo ngại ở đây là việc quy định bảng hiệu, quảng cáo không chỉ nhằm cung cấp thông tin, tạo mỹ quan đô thị mà trong ý nghĩa nào đó còn thể hiện chủ quyền quốc gia, cần thực hiện nghiêm và thống nhất.

Tình trạng này đã từng được chính quyền TP. Đà Nẵng xử lý nhưng sau đó sự việc vẫn diễn như cũ. Không hiếm có thể gặp cảnh các biển hiệu quảng cáo chỉ dùng tiếng nước ngoài hoặc nếu có thêm tiếng Việt thì chữ Việt chỉ là hàng chữ nhỏ xíu bên dưới.

Tại các tuyến đường du lịch của quận Sơn Trà, biển hiệu có sử dụng yếu tố tiếng nước ngoài, đặc biệt tiếng Hàn Quốc khá phổ biến như: Trầm Hương Soo Gong Jin Dan, Nhà hàng Mysikga, Nhà hàng Lẩu Đà Nẵng (đường Phạm Văn Đồng), Nhà hàng V&K, Ba Hưng Bakery (đường Nguyễn Văn Thoại), Bếp Vàng Gold Kitchen, Glow Spa, Spa Xinh Xinh (đường Ngô Quyền)... Tình trạng lạm dụng tiếng nước ngoài trên biển hiệu gây bức xúc trong một bộ phận người dân…

Trước đó, ngày 23/2, dư luận Đà Nẵng cũng xôn xao khi nhà hàng S.H, tại số 262 B, đường Võ Nguyên Giáp, quận Sơn Trà bị khách hàng tố chặt chém giá món ăn gần 10 triệu đồng. Đáng nói hơn, nhà hàng này xuất hóa đơn hoàn toàn bằng chữ Trung Quốc cho khách hàng.

Ngay sau khi tiếp nhận phản ánh của du khách, các cơ quan chức năng, UBND quận Sơn Trà và Chi cục quản lý thị trường đã xuống làm việc với quản lý nhà hàng S H này để xác minh làm rõ sự việc.

Điều đáng nói, không riêng nhà hàng S H, mà S.H. chỉ là một trong hàng trăm nhà hàng, cửa hàng khác kinh doanh phục vụ khách hàng trong nước và nước ngoài du lịch qua Đà Nẵng nhưng lại có biển hiệu đính kèm bằng tiếng Trung.

Thanh Giang

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/bien-hieu-tieng-trung-at-chu-viet-o-da-nang-binh-thuong-3353533/