Biên Hòa - Đồng Nai trên tranh khắc gỗ

Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, những kỹ thuật in khắc mộc bản thủ công đã mai một dần. Suốt hơn 10 năm qua, họa sĩ Nguyễn Văn Phẩm (nguyên giảng viên Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai) vẫn bền bỉ, lặng lẽ làm những bức tranh khắc gỗ.

Họa sĩ Nguyễn Văn Phẩm hướng dẫn sinh viên thực hiện tranh khắc gỗ

Những tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Văn Phẩm là tổng hòa của tạo hình dân gian vui tươi với phong cảnh Biên Hòa - Đồng Nai bằng kỹ thuật khắc in độc đáo trên chất liệu gỗ. Dòng tranh này đã và đang được ông giới thiệu, truyền nghề cho các thế hệ học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh.

* Hồn quê trong nghệ thuật

Yêu thích nghệ thuật từ lúc còn là học sinh, với họa sĩ Nguyễn Văn Phẩm, tranh khắc gỗ luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những sáng tác của ông trong hơn 10 năm qua. Bền bỉ vẽ, rồi cần mẫn khắc màu và đen trắng, ông đã thổi hồn cho những tấm gỗ vô tri thành những tác phẩm nghệ thuật giá trị mà nếu không thực sự đam mê thì khó có thể theo đuổi.

Đình chùa, miếu mạo, lễ hội văn hóa dân gian là đề tài xuyên suốt trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Văn Phẩm. Sự tráng lệ trong lớp trầm tích thời gian phủ lên các di sản kiến trúc ở Biên Hòa, TP.HCM, Huế… đã được ông tái hiện qua những nét khắc độc đáo. Một trong những mảng đề tài mà họa sĩ Nguyễn Văn Phẩm ghi dấu ấn phải kể đến các tác phẩm về Biên Hòa - Đồng Nai. Bởi đây là mảnh đất ông gắn bó với nhiều ân nghĩa, ân tình, nơi ông lao động, sáng tạo và truyền nghề trong suốt 18 năm qua.

Sau 18 năm công tác tại Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, năm 2023, họa sĩ Nguyễn Văn Phẩm trở về TP.HCM, tham gia giảng dạy tại Trường đại học Văn Lang. Ngoài những tác phẩm đoạt giải cao tại các hội thi, liên hoan, ông đã có hàng chục bức tranh tham gia các triển lãm lớn, nhỏ trong và ngoài tỉnh, vinh dự được UBND tỉnh, Bộ VH-TTDL trao tặng nhiều bằng khen.

Những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên tranh khắc gỗ tái hiện một Biên Hòa - Đồng Nai vừa trầm tích, vừa hiện đại, quen mà lạ, xa xăm mà thân thương. Đó là hình ảnh về Văn miếu Trấn Biên hơn 300 năm hình thành và phát triển, về chùa Ông, về ngôi trường Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai hơn 120 năm…

“Vẽ về Biên Hòa - Đồng Nai đã có rất nhiều họa sĩ thực hiện, phải làm thế nào để không phải giẫm chân lên những cái người khác đã phản ánh. Biên Hòa - Đồng Nai trên hồn khắc gỗ được tôi vẽ bằng con mắt nhìn của riêng mình, dùng nghệ thuật đồ họa để biểu hiện tình cảm của mình. Ở đó dung dị những con người, dung dị những góc phố, những con đường…” - họa sĩ Nguyễn Văn Phẩm chia sẻ.

Ngoài khắc gỗ, họa sĩ Nguyễn Văn Phẩm sáng tác nhiều, dùng nhiều chất liệu để biểu đạt, mỗi thể loại ông “đặt bút” đều cho ra những tác phẩm đáng nể. Có thể kể đến dòng tranh xé dán giấy, sơn mài, in lụa, sơn dầu... Dù vẽ ở mảng đề tài nào, các tác phẩm của ông đều thể hiện nét đẹp văn hóa, con người, quê hương, đất nước. Ông vẫn luôn ý thức tôn vinh các giá trị văn hóa, con người và vùng đất Đồng Nai nói chung, Việt Nam nói riêng. Đó là những giá trị trường tồn, góp phần làm nên hồn cốt của văn hóa Việt trong đời sống hôm nay.

* Nỗ lực truyền nghề

Họa sĩ Nguyễn Văn Phẩm cho biết, trước khi đến với nghề giáo, ông là nhà thiết kế đồ họa cho các công ty trên địa bàn Đồng Nai và TP.HCM. Từ năm 2005, ông bén duyên với nghề giáo, tham gia giảng dạy thiết kế đồ họa tại Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai. Ông không ngừng nỗ lực đưa dòng tranh này vào giảng dạy và thực hành, giúp sinh viên trong và ngoài tỉnh truyền tải các ý tưởng nghệ thuật, giữ lửa đam mê của những họa sĩ trẻ trong tương lai.

Tác phẩm Văn miếu Trấn Biên (khắc gỗ) của họa sĩ Nguyễn Văn Phẩm

“Tranh khắc gỗ trong dạy học có 2 loại: đen trắng và in màu, phần lớn thực hiện trên chất liệu gỗ MFD. Đây là môn học hấp dẫn người học từ kiến thức tạo hình cho đến kỹ thuật in khắc tranh, phân bố mảng bố cục, tạo nét dài ngắn, dày thưa khi khắc. Qua đó, giúp người học xây dựng tính kiên nhẫn, tính logic trong tư duy, kỹ năng thao tác và thỏa sức sáng tạo để có những tác phẩm chất lượng, ấn tượng phục vụ thị hiếu của người thưởng lãm” - họa sĩ Nguyễn Văn Phẩm chia sẻ.

Với hơn 10 năm theo đuổi dòng tranh khắc gỗ và hơn 20 năm theo đuổi nghệ thuật, hiện họa sĩ Nguyễn Văn Phẩm đã có hàng trăm tác phẩm ở nhiều thể loại khác nhau. Các tác phẩm của ông được công chúng yêu thích, đón nhận, sinh viên học hỏi, tham khảo trong quá trình học tập, nghiên cứu. Đây cũng chính là động lực để ông tiếp tục sáng tạo, giảng dạy, cho ra đời những tác phẩm tranh khắc gỗ dung dị mà chất chứa cảm xúc, lan tỏa và truyền nghề, có những cống hiến cho mỹ thuật Đồng Nai nói riêng, Việt Nam nói chung.

My Ny

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202402/bien-hoa-dong-nai-tren-tranh-khac-go-67c45f4/