Biến hóa khôn lường của tội phạm mạng

Tội phạm mạng liên tục đưa ra các chiêu thức lừa đảo mới để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu không có sự cảnh giác, tỉnh táo để nhận biết các chiêu thức này, nguy cơ 'sập bẫy' của kẻ xấu rất cao.

Cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao Công an tỉnh tuyên truyền phòng ngừa tội phạm trên không gian mạng cho công nhân, người lao động tại huyện Vĩnh Cửu. Ảnh: C.T.V

Cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao Công an tỉnh tuyên truyền phòng ngừa tội phạm trên không gian mạng cho công nhân, người lao động tại huyện Vĩnh Cửu. Ảnh: C.T.V

Trước sự hoành hành của tội phạm mạng, lực lượng công an từ Trung ương đến các địa phương đã vào cuộc mạnh mẽ nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn.

* Cảnh giác cuộc gọi từ “cán bộ công an phường”

Theo cơ quan công an, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng không ngừng biến tướng với đủ các chiêu thức nhằm chiếm đoạt tài sản. Nổi lên trong thời gian gần đây là việc giả danh cán bộ công an phường, cán bộ chi cục thuế, cán bộ bảo hiểm y tế… gọi điện hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng phổ biến hiện nay như: ứng dụng định danh điện tử (VNeID), các phần mềm về thuế và bảo hiểm xã hội…

Vào đầu tháng 5-2024, anh N.Đ.A. (ngụ thành phố Biên Hòa) nhận được một cuộc điện thoại từ số máy lạ, tự xưng là Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ quản lý hồ sơ và làm các thủ tục hành chính Công an phường Long Bình (thành phố Biên Hòa). Người gọi đến thông báo phần mềm cài đặt ứng dụng VNeID của anh N.Đ.A. chưa được đồng bộ và yêu cầu anh đến trụ sở Công an phường để cập nhật hồ sơ.

Sau khi thông báo, đối tượng liên tục hỏi anh N.Đ.A. khi nào có thể lên phường làm thủ tục để còn “báo cáo lên công an thành phố”. Đồng thời, đối tượng yêu cầu anh N.Đ.A. phải làm gấp thủ tục để “đảm bảo quyền lợi” trong việc sử dụng các loại giấy tờ tùy thân vì kể từ ngày 1-7, Nhà nước sẽ cập nhật mới các chính sách đối với người dân. Do đó, các thủ tục hành chính như: chuyển đổi thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân đều phải thay đổi. Đối tượng yêu cầu anh N.Đ.A. phải hoàn tất hồ sơ của mình trước để cập nhật những thông tin nêu trên.

Cảm thấy “con mồi” bắt đầu “cắn câu”, đối tượng này cung cấp cho anh A. số điện thoại của một “cán bộ công an phường” khác tên là Hoàng Nam, để anh A. liên hệ cập nhật các thủ tục như đối tượng vừa trao đổi. Tuy nhiên, anh A. đã nhận ra đây là thủ đoạn lừa đảo nên không làm theo hướng dẫn của kẻ gian.

Công an tỉnh cảnh báo các cách thức lừa đảo của tội phạm mạng.

Công an tỉnh cảnh báo các cách thức lừa đảo của tội phạm mạng.

Tượng tự, mới đây anh H.S. (ngụ thành phố Biên Hòa) được một đối tượng xưng là cán bộ công an, gọi điện hướng dẫn anh cài đặt phần mềm VNeID. Theo đó, đối tượng yêu cầu anh S. đăng nhập vào một trang mạng để thực hiện các thao tác cài đặt. Đồng thời, yêu cầu anh phải nhập số điện thoại vào các “cửa sổ”, cung cấp luôn số điện thoại và mật khẩu dùng để đăng nhập phần mềm đó cho đối tượng. Các thao tác này được đối tượng hướng dẫn chỉ trong khoảng 3-5 phút.

Một cán bộ Công an thành phố Biên Hòa cho biết, sở dĩ các đối tượng gọi điện cho người dân yêu cầu cài đặt các phần mềm (đã được cài sẵn các mã độc) nhằm tiếp cận và chiếm quyền kiểm soát điện thoại của người dân. Sau khi đã chiếm được quyền kiểm soát điện thoại, các đối tượng sẽ xâm nhập từ xa vào các ứng dụng tài khoản ngân hàng, ví điện tử trên điện thoại của người dân. Từ đó, chúng sẽ chiếm đoạt tiền trong các tài khoản này.

* Phải tỉnh táo trước những chiêu lừa của tội phạm mạng

Phát biểu tại Hội thảo Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng vào ngày 13-5, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, thượng tướng Lương Tam Quang cho rằng, hoạt động lợi dụng không gian mạng tiến hành phạm tội, nổi bật là lừa đảo trực tuyến, chiếm 57% tổng số tội phạm mạng, gia tăng cả về phạm vi, quy mô với thủ đoạn tinh vi, triệt để lợi dụng công nghệ mới, nhất là triệt để lợi dụng trí tuệ thông minh (AI) để thực hiện các hành vi vi phạm.

Thiệt hại hơn 390 ngàn tỷ đồng

Theo Bộ Công an, trong năm 2023, ghi nhận gần 16 ngàn phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390 ngàn tỷ đồng (tương đương 3,6% GDP); trong đó 91% liên quan lĩnh vực tài chính (tăng 64,78% so với năm 2022). Tỷ lệ người dùng nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo trực tuyến là 73%...

Trong năm 2023, các đối tượng tội phạm mạng trong và ngoài nước liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, triệt để lợi dụng công nghệ mới để tấn công, xâm nhập, lừa đảo quy mô lớn, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội, đe dọa cuộc sống bình yên, hạnh phúc của người dân.

Trước thực tế đó, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ xây dựng hành lang pháp lý, tạo cơ sở vững chắc cho đấu tranh phòng, chống tội phạm mạng nói chung, tội phạm lừa đảo qua mạng nói riêng.

Bên cạnh đó, lực lượng công an đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng với nhiều hình thức, tiếp cận đến nhiều người dân; xóa bỏ sim “rác”, ngăn chặn các giao dịch, dòng tiền liên quan hành vi phạm tội; rà soát, phát hiện các giao dịch đáng ngờ liên quan hoạt động lừa đảo đang được thúc đẩy; hệ thống trao đổi thông tin cơ sở dữ liệu về tài khoản ngân hàng liên quan đến đối tượng lừa đảo, vi phạm pháp luật đang được xây dựng…

Trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh cũng đã triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, đấu tranh. Mới đây, để kịp thời phòng ngừa loại tội phạm này, Giám đốc Công an tỉnh, thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang đã gửi thư ngỏ đến các tầng lớp nhân dân yêu cầu nêu cao cảnh giác với tội phạm mạng.

Theo Công an tỉnh, thời gian tới, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, toàn thể cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác. Người dân không hoảng sợ khi nhận được điện thoại, tin nhắn do người lạ gửi đến có nội dung liên quan vụ việc, vụ án... Không tin vào những tài sản, món quà không rõ nguồn gốc, lợi nhuận phi thực tế mà không tốn sức lao động, lời mời “việc nhẹ, lương cao”... Không kết bạn với người lạ qua mạng xã hội, không cung cấp thông tin cá nhân, hình ảnh căn cước công dân của bản thân, không bấm vào đường link lạ... để kẻ gian có thể lợi dụng. Trước khi chuyển tiền cho người khác phải xác minh thông tin bằng cách gọi điện thoại cho người nhận tiền để xác thực có phải người thân, bạn bè hay không.

Lãnh đạo Công an tỉnh đề nghị toàn thể cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân thường xuyên tìm hiểu các phương thức, thủ đoạn tội phạm lừa đảo trên không gian mạng được đăng tải trên các kênh thông tin của Công an tỉnh. Đồng thời, chia sẻ, tuyên truyền cho mọi người chủ động phòng tránh, thực hiện tố giác với cơ quan công an gần nhất.

Trần Danh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202405/bien-hoa-khon-luong-cua-toi-pham-mang-6426434/