Biến khoai tây TQ thành hàng Đà Lạt: Coi chừng Mỹ trừng phạt

'Nếu để khoai tây Trung Quốc nhập sang giả mạo khoai tây Việt Nam rồi xuất khẩu sang Mỹ, hay nhiều mặt hàng khác thì không chỉ nguy hại cho hàng hóa Việt Nam mà gây nguy hại cho cả quốc gia' - TS Trần Du Lịch lo lắng.

Một trong những rủi ro lớn nhất từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc (TQ) là việc hàng TQ chuyển tải hàng hóa qua Việt Nam để xuất sang Mỹ nhằm tránh thuế trừng phạt. Nếu không kiểm soát và ngăn chặn hoạt động này thì nguy cơ hàng Việt bị vạ lây.

Đó là một trong những cảnh báo được chuyên gia đề cập tại hội thảo “Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Triển vọng và rủi ro với doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam” ngày 24-10. Hội thảo do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TP.HCM (CIIS) tổ chức và Pháp Luật TP.HCM tham gia bảo trợ thông tin.

Rủi ro hàng Việt bị núp bóng

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển Trường ĐH Fulbright Việt Nam, chỉ ra rủi ro lớn nhất từ cuộc chiến thương mại là việc hàng TQ chuyển tải (Transhipment) qua Việt Nam để xuất sang Mỹ nhằm tránh thuế trừng phạt.

Hoạt động này có thể xảy ra khi một số mặt hàng TQ nhập vào Việt Nam theo hình thức tạm nhập tái xuất đơn giản hoặc có thể phức tạp để dán nhãn “Made in Việt Nam” rồi xuất sang Mỹ.

Theo ông Thành, hàng TQ núp bóng hàng Việt có thể nhập hàng vào Việt Nam qua hai con đường là thông qua các doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài ở Việt Nam hoặc bắt tay với DN Việt Nam. Nếu không kiểm soát và ngăn chặn hoạt động này thì có thể trở thành cớ để Mỹ trừng phạt hàng hóa Việt Nam gian lận xuất xứ lẩn tránh thuế.

“Bài học nhãn tiền là mặt hàng thép nhập khẩu vào Việt Nam qua DN đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hoặc qua công ty Việt Nam, dán nhãn Việt Nam để xuất sang Mỹ, bị Mỹ trừng phạt đánh thuế rất cao.

Hậu quả, một số mặt hàng thép Việt Nam cùng loại với TQ hết đường xuất sang Mỹ vì thuế cao, không có lợi nhuận” - ông Thành dẫn chứng.

Đánh giá đây là tác động tiêu cực nhất đối với Việt Nam từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, TS Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch VIAC, cho rằng nếu để hàng chuyển tải, tức là hàng TQ xuất sang Việt Nam rồi dán nhãn Việt Nam và xuất sang Mỹ để tránh thuế, nếu không kiểm soát sẽ làm cho Việt Nam trở thành tâm điểm để Mỹ tấn công.

Theo TS Lịch, một khi Cơ quan Thương mại Mỹ phát hiện ra thì DN bị trừng phạt là ở Việt Nam, và không chỉ DN mà cả nhóm sản phẩm. Không chỉ có thuế cao mà ảnh hưởng đến uy tín và dễ đưa Việt Nam vào tầm ngắm để Mỹ có thể hành động vì thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ cũng rất lớn.

“Khoai tây TQ nhuộm đất đỏ hô biến thành khoai tây Đà Lạt bán tại thị trường nội địa đã ảnh hưởng rất lớn đến khoai tây trồng trong nước. Nếu để khoai tây TQ nhập sang giả mạo khoai tây Việt Nam rồi xuất khẩu sang Mỹ, hay nhiều mặt hàng khác thì không chỉ nguy hại cho hàng hóa Việt Nam mà gây nguy hại cho cả quốc gia” - TS Lịch lo lắng.

Nhiều DN, chuyên gia cũng cho rằng cuộc chiến thương mại nếu leo thang sẽ tạo nhiều rủi ro cho các DN xuất nhập khẩu Việt Nam trong tranh chấp thương mại, tranh chấp xuất xứ, rủi ro giao dịch với đối tác...

Đừng vì lợi ích trước mắt mà tiếp tay làm hại cả nền kinh tế

Bàn về giải pháp tránh vạ lây, bị Mỹ trừng phạt nếu để hàng TQ đội lốt hàng Việt, TS Trần Du Lịch cho rằng về quản lý nhà nước cần có sự điều chỉnh, thay đổi, cần quy định rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, tỉ lệ nội địa hóa… Đồng thời có quy định kiểm soát đối với hàng tạm nhập tái xuất, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ đối với hàng xuất khẩu từ các DN đầu tư nước ngoài.

“Bên cạnh giải pháp từ cơ quan quản lý nhà nước thì bản thân DN phải làm đúng, không vì lợi ích của mỗi DN mà tiếp tay làm hại cả ngành, hại cả nền kinh tế đất nước” - TS Lịch chia sẻ.

Song TS Lịch cũng cho rằng về trung hạn, các công ty đa quốc gia có nhà máy tại TQ, nhất là DN sản xuất máy móc, thiết bị cơ khí, điện tử, nếu chịu thuế trừng phạt của Mỹ, họ sẽ điều chỉnh với vốn FDI đầu tư nhà máy mới. Đây có thể là yếu tố tích cực cho Việt Nam khi dòng vốn FDI chuyển từ TQ sang Việt Nam.

TS Lịch phân tích: “Dòng vốn FDI từ TQ chuyển sang ASEAN có Việt Nam, nhất là nguồn vốn tái đầu tư, Việt Nam và Indonesia là hai nước có cơ hội nhiều nhất. Tuy nhiên, Việt Nam có hai trở ngại là kết nối hạ tầng kém, nỗ lực cải cách thể chế như thủ tục đầu tư cải thiện nhưng không đáng kể nên tập trung chỗ nào thì nên có hạ tầng hỗ trợ tốt nhất.

Chúng ta đang dàn trải, xếp hàng ngang, vì thế Việt Nam chuẩn bị đón dòng đầu tư mới thì phải giảm chi phí logistics, hạ tầng tập trung thuận lợi, chính sách thông thoáng…”.

Các đại biểu tham gia hội thảo. Ảnh: Quang Huy

Các đại biểu tham gia hội thảo. Ảnh: Quang Huy

Rủi ro trong xuất nhập khẩu hàng hóa

Đối với những rủi ro trong xuất nhập khẩu, luật sư Lê Thành Kính, Giám đốc Công ty Luật Lê Nguyễn, trọng tài viên VIAC, cho rằng việc làm giả toàn bộ chứng từ để thông quan thường xảy ra.

Vì vậy khi chuẩn bị hồ sơ và lên tờ khai, DN cần đọc kỹ những thông tin trên hợp đồng như tên hàng hóa, số lượng, đơn giá, điều kiện giao hàng, phương thức thanh toán… DN nên kiểm tra chéo với những chứng từ khác như Invoice, Packing list, C/O... để đảm bảo tính chính xác.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng DN bảo vệ chính mình tự nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về thủ tục pháp lý, quy định, DN nên đa dạng hóa thị trường, đối tác. Ngoài ra, DN nên sử dụng dịch vụ tư vấn, cung cấp thông tin về DN, thị trường, bảo lãnh ngân hàng. DN cần đưa vào hợp đồng giao dịch điều khoản khi xảy ra tranh chấp thì Trung tâm Trọng tài Quốc tế giải quyết.

Ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng Thư ký VIAC, cho biết nhiều DN không nắm rõ giấy tờ, thủ tục chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Có những vụ việc DN không được hải quan cho hưởng ưu đãi thuế vì giấy tờ xuất xứ không hợp lệ.

Theo TS Nguyễn Tuấn Hoa, chuyên gia CNTT, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), rủi ro trong tranh chấp thương mại “số” về kiến thức sử dụng blockchain, các phần mềm mã hóa thông tin DN còn hạn chế, luật chưa điều chỉnh dẫn đến rủi ro pháp lý cao, dễ gây thiệt hại lớn cho DN.

Không cầm đèn chạy trước ô tô

Tác động lớn nhất của cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung đợt 1 không phải ở thương mại hàng hóa mà là ở thị trường tiền tệ.

Ta có thể thấy đồng NDT xuống giá nhanh kể từ khi khả năng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện rõ, từ 6,3 NDT/1USD vào cuối tháng 3-2018 thì đến đầu tháng 10 đã lên 6,9NDT/1USD, tức là mất giá 9,5%.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, ĐH Fulbright, Ngân hàng Nhà nước không nên can thiệp mạnh để ổn định tỉ giá, nếu quá cứng nhắc và chiến tranh thương mại còn leo thang nữa thì đến lúc buộc phải điều chỉnh thì mức điều chỉnh quá lớn sẽ gây xáo trộn trên thị trường.

Việc chuẩn bị cơ sở chứng minh Việt Nam không can thiệp tỉ giá để nâng cao tính cạnh tranh của xuất khẩu, các nỗ lực điều chỉnh để quan hệ xuất nhập khẩu cân bằng hơn và duy trì quan hệ ngoại giao tốt sẽ giúp Việt Nam tránh không bị tấn công bởi chính sách bảo hộ của Mỹ.

TS Trần Du Lịch, Phó chủ tịch VIAC, cũng cho biết Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra thông điệp rất rõ là duy trì chính sách ổn định vĩ mô, lãi suất, tỉ giá. Vì vậy chính sách tiền tệ “không cầm đèn chạy trước ô tô” mà phải hỗ trợ DN hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định.

QUANG HUY

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/bien-khoai-tay-tq-thanh-hang-da-lat-coi-chung-my-trung-phat-799370.html