Biển Lý Hòa trong những ngày 'Quảng Bình là tuyến lửa'

'Quảng Bình quê cha (ta)/biển khơi vang hát câu ca dằng (rằng)/Ai đã vào đây, khó quên những cồn cát tắng (trắng)/Trong nắng ban mai bao người đan lưới hát chui (vui)… Giữ biển tời (trời) này như là trái tim của chôi (tôi)'. Những câu hát chưa tròn vành rõ chữ của cậu bé Nguyễn Văn Vũ - con nuôi của Đồn Biên phòng Lý Hòa, BĐBP Quảng Bình đã gọi lòng tôi về với vùng biển Lý Hòa. Nhìn ra phía biển, tôi nhớ về một thời nơi đây là tuyến lửa.

Trận địa phòng không của Đồn 96, CANDVT Quảng Bình (năm 1964-1966). Ảnh tư liệu do BĐBP Quảng Bình cung cấp

Những năm chiến tranh, địa bàn do Đồn 96 Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Quảng Bình (nay là Đồn Biên phòng Lý Hòa) phụ trách các xã Thanh Trạch, Hải Trạch, Đức Trạch, Nhân Trạch, huyện Bố Trạch nằm trên tuyến hành lang vận tải chiến lược từ hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa đi vào các chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia.

Đặc biệt, trong 10 năm chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, nơi đây đã trở thành tuyến lửa, trọng điểm đánh phá của máy bay, tàu chiến và các toán gián điệp, biệt kích, hải phỉ của Mỹ-ngụy. Song với khẩu hiệu “Tất cả cho chiến trường, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, trên tinh thần “xe chưa qua, nhà không tiếc. Đường chưa thông, không tiếc máu, tiếc xương”..., người dân làng biển và cán bộ, chiến sĩ Đồn 96 CANDVT dũng cảm “bám làng, bám biển” sản xuất, chiến đấu, đảm bảo giao thông vận tải và vận chuyển hàng hóa phục vụ chiến trường, góp phần tô thắm truyền thống của quê hương Quảng Bình “2 giỏi” với những chiến công xuất sắc.

Trung tá Đặng Anh Trung, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lý Hòa tự hào kể cho chúng tôi những trận đánh lịch sử của đơn vị: Đêm 17-3-1964, từ bờ biển Thuận An (Huế), địch cho thuyền máy chở toán biệt kích 7 tên âm mưu đặt mìn phá cầu Khe Nước (địa bàn xã Thanh Trạch). Khi vào cách bờ khoảng 500m, địch cho 2 tên đột nhập lên bờ, ngay lập tức, chúng đã bị Đội tuần tra của Đồn 96 phát hiện và vây bắt; 5 tên còn lại thấy lộ, vội vàng chạy trốn nhưng dân quân địa phương đã kịp thời chèo thuyền ra bắt gọn.

Tiếp đó, lúc 20 giờ, ngày 22-3-1964, nhận được mệnh lệnh từ Ban Chỉ huy CANDVT tỉnh Quảng Bình về việc: “Có tiếng tàu địch ở ngoài biển, cách bờ từ 4 đến 5 hải lý, nghi địch cho biệt kích xâm nhập cảng Gianh”. Đơn vị lập tức triển khai đội hình sẵn sàng chiến đấu và phối hợp với các Đồn Thanh Khê và Nhật Lệ cùng với Trung đội chó nghiệp vụ lập thành thế trận bao vây, đón lõng. Khi tên hải phỉ đầu tiên xuất hiện, hắn đã bị bắt ngay lập tức cùng với bình dưỡng khí, mìn và “đôi chân vịt”, các tên còn lại sau đó bị bắt sống tại cao điểm 17 Lý Hòa.

Ngày 24-3-1965, khi mặt trời chưa nhô lên khỏi mặt biển thì máy bay địch từ Hạm đội 7 đã bay vào đánh phá cầu Lý Hòa, ngăn chặn sự tiếp tế của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Tổ trung liên của đồng chí Hoàng Văn Tuân đã kịp thời bắn rơi 2 “con ma” Mỹ. Những ngày sau đó, Tổ trung liên đã phối hợp với các lực lượng khác bắn rơi 3 “thần sấm”.

Bị thua đau, bọn Mỹ tiếp tục điều thêm 30 máy bay đến ném bom xuống cầu Lý Hòa và khu vực xung quanh, toàn bộ trận địa của đơn vị chìm trong lửa khói bom đạn. Địch chia thành nhiều tốp thay phiên nhau đánh phá liên tục từ 9 giờ đến 16 giờ trong ngày, nhưng các khẩu đội của đơn vị vẫn dũng cảm nhằm thẳng quân thù nhả đạn. Máy bay địch bốc cháy, giặc lái nhảy dù xuống cửa sông Lý Hòa. Tổ chiến đấu do đồng chí Nguyễn Mậu Hàm chỉ huy với 4 chiến sĩ vừa chiến đấu với máy bay Mỹ, vừa kiên quyết bắt sống tên giặc lái.

Khẩu đội Pờrônô của Hoàng Văn Tuân - Đồn 96, CANDVT Quảng Bình bắn rơi 2 máy bay Mỹ ngày 24-3-1965. Ảnh tư liệu do BĐBP Quảng Bình cung cấp

Nối tiếp chiến công, chiều ngày 9-10-1968, một chiếc máy bay trinh sát F4C bắn 2 loạt đạn 20 ly xuống chiếc thuyền vận tải ở phía Bắc cửa sông Lý Hòa, trên thuyền có 7 người, 2 người đã bị thương nặng. Nghe tiếng còi báo động, Hạ sĩ Lê Hùng Tuấn vội chạy ra, nhìn thấy chiếc thuyền chở gạo của Nhà nước có nguy cơ bị chìm, anh đã hô to: “Phải cứu lấy tài sản Nhà nước, anh em ơi!”.

Rồi bất chấp sóng to, gió lớn, bom đạn của địch trên trời dội xuống, anh liền bơi ra chỗ chiếc thuyền bị cháy. Thấy đồng chí Tuấn không quản nguy hiểm cứu người, cứu tài sản, cán bộ, nhân dân địa phương liền bơi ra biển tiếp sức với Tuấn. Mặc dù trên trời, máy bay địch vẫn gầm rít ném bom, phóng rốc-két xuống, nhưng không làm lung lay ý chí của quân và dân ta, cuối cùng, người bị thương và 7 tấn gạo của Nhà nước đã được đưa vào bờ an toàn.

Một thời biển Lý Hòa là tuyến lửa, Đồn 96 CANDVT Quảng Bình đã anh dũng chiến đấu hàng trăm trận với máy bay Mỹ, độc lập bắn rơi 3 chiếc, phối hợp với dân quân địa phương và các lực lượng bắn rơi 9 chiếc khác, bắt sống nhiều giặc lái Mỹ... được Đảng, Nhà nước, Chính phủ tặng thưởng 7 Huân chương Chiến công và Huân chương Quân công các loại; 1 cờ Quyết thắng; 1 cờ Nguyễn Văn Trỗi; 10 Bằng khen của Chính phủ; Bộ Tư lệnh CANDVT, Trung ương Đoàn; có 5 cá nhân được Bác Hồ thưởng Huy hiệu của Người và nhiều cá nhân được tặng Huy hiệu Nguyễn Văn Trỗi, Huy hiệu Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Những thành tích của cán bộ, chiến sĩ Đồn 96 CANDVT đã góp phần cùng với quê hương Lý Hòa viết nên truyền thống tỉnh Quảng Bình tuyến lửa anh hùng.

Nguyễn Thành Phú

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bien-ly-hoa-trong-nhung-ngay-quang-binh-la-tuyen-lua/