Biến mục tiêu thành hành động

Sáng 11/11, với 88,2% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Cụ thể, Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát là: Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn.

Các đại biểu ấn nút thông qua Nghị quyết (ảnh QH)

Phát triển, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế bền vững gắn với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, ứng phó biến đổi khí hậu...

Đặc biệt, củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên; thực hiện tốt vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á năm 2020, Chủ tịch Đại hội đồng lần thứ 41 Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo quốc gia và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; nâng cao uy tín và vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.

Các chỉ tiêu chủ yếu mà Nghị quyết quyết nghị là: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân (CPI) dưới 4%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,7%...

Trước đó, trong quá trình thảo luận, có ý kiến đại biểu đề nghị quyết định chỉ tiêu GDP tăng từ 6,8% trở lên, ý kiến khác đề nghị chỉ tiêu này nên trong khoảng từ 6,7- 6,8%, không ghi “khoảng 6,8%”. Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: Chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 được xây dựng trên cơ sở kết quả ước thực hiện của năm 2019, dự báo về bối cảnh, tình hình của năm 2020 còn nhiều biến động khó lường, tính toán, cân đối các nguồn lực cũng như tham khảo đánh giá của một số tổ chức quốc tế, Chính phủ báo cáo Quốc hội mục tiêu tăng GDP năm 2020 khoảng 6,8% là mức tăng hợp lý, bảo đảm sự hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, duy trì nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và giải quyết các vấn đề xã hội. Do vậy, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết.

Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua, song trước đó trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 và phương hướng, mục tiêu năm 2020, một số đại biểu đã nêu lên những bất cập và gợi mở một số nội dung rất đáng quan tâm. Theo đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), trong 3 năm gần đây, chúng ta đang giao phần thu nội địa quá cao cho các địa phương, điển hình như năm 2017 có 33 địa phương hụt thu, sau khi có yêu cầu dùng các nguồn để bù đắp thì rất nhiều tỉnh đã bán đất, đây là việc phải cân nhắc vì nó có giới hạn.

12 chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2020

1. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%; 2. Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân (CPI) dưới 4%; 3. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; 4. Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; 5. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP; 6. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; 7. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 4%; 8. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 25%; 9. Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 28 giường bệnh; 10. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,7%; 11. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 90%; 12. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.

Nhiều tỉnh cũng phải sử dụng quỹ tài chính và các nguồn dư từ bao nhiêu năm tích lũy lại của cải cách tiền lương để sử dụng, dẫn đến cạn kiệt dư địa để phát triển. Do đó, đại biểu lưu ý cần cân nhắc về vấn đề này. Còn liên quan đến mục tiêu giảm chi thường xuyên, đại biểu Hàm nhắc đến 2 trụ cột chính là tinh giản biên chế và sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập để nâng cao tính tự chủ. Theo đại biểu Hàm, chủ trương là đúng nhưng khi triển khai có một số vấn đề như tinh giản biên chế không đạt lộ trình. Tư duy giảm đơn vị sự nghiệp không đúng chủ trương của Đảng, bởi mục tiêu là giảm 10% cấp chi ngân sách thường xuyên cho khối sự nghiệp chứ không phải cắt giảm biên chế của khối này.

Đề cập đến vấn đề nợ công, một số đại biểu cho rằng, thành công lớn trong 3 năm qua đã cơ cấu lại nợ, giảm khoản trả nợ trong ngắn hạn. Vay mới trả nợ cũ cũng có ưu điểm là lãi suất hơn giai đoạn trước, nhưng quy mô nợ rất lớn, và ngân sách trung ương vẫn không có thặng dư để trả nợ nên có thể kéo dài nhiều năm nữa. Từ nay đến 2021, mỗi năm chúng ta có thể chi 400 nghìn tỷ đồng để dùng cho trả nợ lãi và gốc vay nước ngoài, tương đương với tổng chi đầu tư cho phát triển. Bởi vậy, một số đại biểu nhất trí với chủ trương vay để phát triển, nhưng kiến nghị ngoài việc siết chặt quản lý nợ thì đầu tư từ các nguồn vay nợ phải là những công trình tạo được sự tăng trưởng, có tính liên kết vùng, tốt nhất là công trình có khả năng thu hồi vốn.

Liên quan đến số liệu thành lập và phá sản doanh nghiệp, một số đại biểu cho rằng, theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, doanh nghiệp thành lập mới vẫn tăng về số lượng và vốn đăng ký, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể cũng tăng khá cao. Do đó, cần tách bạch số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể do công tác làm sạch dữ liệu của cơ quan đăng ký kinh doanh và các trường hợp khó khăn về điều kiện, thủ tục kinh doanh để đánh giá một cách đầy đủ hơn về thực trạng của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần phân tích kỹ hơn về tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế thông qua việc đánh giá sự phát triển bền vững của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và thực tiễn triển khai các biện pháp của Chính phủ để hỗ trợ phát triển khu vực doanh nghiệp này, trong khi mức độ đóng góp vào GDP, nộp ngân sách Nhà nước của khu vực tư nhân trong nước cao hơn nhiều khu vực kinh tế nhà nước và FDI.

Để mục tiêu đến năm 2020 cả nước sẽ có 1 triệu doanh nghiệp, đóng góp 50% vào tăng trưởng kinh tế để tạo ra hàng triệu công ăn việc làm cho lao động đòi hỏi phải có những bước đột phá hơn nữa trong công tác cải cách hành chính.

H.P

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/bien-muc-tieu-thanh-hanh-dong-99425.html